Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đẩy mạnh hợp tác, kết nối du lịch Hà Nội - Đồng bằng sông Cửu Long

Lâm Vũ| 23/07/2016 07:38

(HNM) - Sở Du lịch Hà Nội vừa tổ chức chuyến khảo sát tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, gồm Trà Vinh, Hậu Giang, An Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp.

Du khách tham quan rừng tràm Trà Sư (Châu Đốc, An Giang).


Chuyến công tác nhằm tăng cường hợp tác, trao đổi kinh nghiệm quản lý nhà nước về lĩnh vực du lịch, đồng thời tạo điều kiện cho các doanh nghiệp du lịch của Thủ đô và các tỉnh, thành phố gặp gỡ, trao đổi thông tin, khảo sát điểm đến, xây dựng và kết nối tour, tuyến du lịch.

Hà Nội, điểm kết nối quan trọng

Là mảnh đất nghìn năm văn hiến với rất nhiều di tích lịch sử, văn hóa và 1.350 làng nghề truyền thống, Hà Nội có nhiều thế mạnh về du lịch văn hóa, di sản, ẩm thực... Hà Nội cũng có hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật tốt với đường bay thẳng tới hơn 40 quốc gia trên thế giới và đường bay nội địa đến nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Trong 6 tháng đầu năm 2016, lượng khách quốc tế đạt 2.040.621 lượt, khách nội địa đạt 9.974.450 lượt, tổng thu từ khách du lịch đạt hơn 31,3 nghìn tỷ đồng.

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có hệ thống tài nguyên du lịch tương đối phong phú và mang tính đặc thù, có nét độc đáo riêng gắn với sông nước, miệt vườn, chợ nổi… Đồng thời, khu vực này là nơi giao thoa về văn hóa giữa các dân tộc Kinh, Khmer, Chăm nên sở hữu khối tài nguyên du lịch nhân văn đặc sắc. Năm 2015, toàn vùng đón hơn 1,8 triệu lượt khách quốc tế và hơn 18 triệu lượt khách nội địa, doanh thu đạt 8,6 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, do lượng khách đi trong ngày là chủ yếu nên hiệu quả tổng thu từ khách du lịch của vùng thấp, chỉ chiếm khoảng 3% tổng thu từ Ngành Du lịch cả nước.

Với tinh thần "Cả nước vì Hà Nội, Hà Nội vì cả nước", thời gian qua, Hà Nội đã tích cực, chủ động hợp tác với ĐBSCL. Cụ thể, từ năm 2011 đến năm 2015, Hà Nội đã ký hợp tác phát triển du lịch với TP Cần Thơ và An Giang; phối hợp tổ chức 5 đoàn khảo sát xây dựng sản phẩm, hợp tác kết nối tour, tuyến từ TP Hà Nội vào vùng ĐBSCL. Đặc biệt, Hà Nội đã tham gia nhiều hội chợ thương mại, du lịch tại một số địa phương trong khu vực này như Cần Thơ, An Giang...

Ngược lại, ĐBSCL cũng tham gia các hội chợ thường niên của TP Hà Nội gồm: Hội chợ Du lịch quốc tế VITM Hà Nội, Liên hoan Du lịch làng nghề truyền thống... Việc hợp tác đã phát huy hiệu quả với hàng chục nghìn lượt khách từ Hà Nội đến vùng ĐBSCL mỗi năm. "Hà Nội sẽ giúp ĐBSCL xác định lợi thế của mình, từ đó xây dựng sản phẩm du lịch hoàn chỉnh để giới thiệu với không chỉ người dân Hà Nội mà cả với du khách trong và ngoài nước tới Thủ đô, để kéo du khách đến với ĐBSCL. Đặc biệt, Hà Nội sẽ hỗ trợ các địa phương vùng ĐBSCL trong quảng bá, xúc tiến, đào tạo nguồn nhân lực quản lý và phục vụ du lịch", ông Đỗ Đình Hồng, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho biết.

Cơ hội hợp tác cho các doanh nghiệp

Từ trước tới nay, các doanh nghiệp du lịch của Hà Nội và các tỉnh ĐBSCL đã có sự hợp tác tương đối tốt. Tuy nhiên, chuyến khảo sát mới đây mang ý nghĩa lớn bởi nó thúc đẩy sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa các doanh nghiệp các tỉnh, thành phố. Bà Nguyễn Thị Bích Ngà, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Trầu Cau chia sẻ, công ty gặt hái được rất nhiều "trái ngọt" sau chuyến đi này. "Chúng tôi đặc biệt quan tâm đến khu du lịch Mỹ Hòa Hưng ở An Giang, đặc biệt là homestay (ở nhà dân) nhà bác Ba Đính bởi vì khi vào ngôi nhà ấy, chúng tôi cảm nhận rõ là nó vẫn giữ nguyên nét đặc trưng của ngôi nhà vùng Nam Bộ. Ở đây cũng không có ranh giới giữa khách du lịch và gia đình bởi cả chủ và khách cùng ngủ chung trong một khuôn viên chứ không phải là một phòng riêng biệt. Đây mới đúng là một trải nghiệm homestay thực sự. Công ty dự định sẽ nối tuyến từ Sài Gòn đi Bến Tre, Mỹ Hòa Hưng, chợ nổi Long Xuyên, Châu Đốc", bà Nguyễn Thị Bích Ngà cho biết.

Ông Trịnh Việt Dũng, Giám đốc Asiana Travel thì cho rằng, công ty có nhiều "nguyên liệu" để xây dựng những tuyến điểm mới, và những sản phẩm đi sâu vào du lịch tâm linh và khám phá thiên nhiên. Từ trước đến nay, Công ty vẫn tổ chức tour Hà Nội đi Cần Thơ, Bến Tre, Vĩnh Long và một số sản phẩm mùa nước nổi cho khách Việt Nam. Sau chuyến khảo sát này, Công ty sẽ xây dựng thêm một số tuyến điểm dành cho khách nội địa như các tour đạp xe ở con đường đạp xe đẹp nhất miền Tây ở Trà Vinh, ở homestay Suonsia cũng tại tỉnh này.

Về phía các doanh nghiệp ĐBSCL, ông Lê Trường Giang, Phó Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ du lịch Vinh Sang cho biết, có trong tay các sản phẩm nhắm tới khách nội địa như tát ao bắt cá, nghe đờn ca tài tử, du lịch miệt vườn... nên công ty rất muốn kết nối với các công ty du lịch nội địa của miền Bắc để đưa khách về. Bà Đoàn Kim Hòa, Giám đốc Hợp tác xã Du lịch nông nghiệp An Giang cho rằng, nguồn nhân lực du lịch ở An Giang rất yếu, chủ yếu là nông dân nên dù đã qua tập huấn các lớp làm du lịch, họ vẫn cần được đào tạo thêm. An Giang mong muốn các doanh nghiệp Hà Nội thông tin về đặc điểm của thị trường khách từ Hà Nội để An Giang có thể xây dựng những sản phẩm phù hợp, đáp ứng yêu cầu của du khách Thủ đô.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đẩy mạnh hợp tác, kết nối du lịch Hà Nội - Đồng bằng sông Cửu Long

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.