Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phát triển du lịch Thủ đô thành ngành kinh tế mũi nhọn

Lâm Vũ| 30/07/2016 07:26

(HNM) - Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XVI, Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU, ngày 26-6-2016, về phát triển du lịch Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2016-2020 và những năm tiếp theo. Báo Hànộimới có cuộc trao đổi với Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đỗ Đình Hồng về một số vấn đề liên quan tới thực hiện Nghị quyết này nhằm đưa du lịch sớm trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Thủ đô.

Du khách tham quan Văn Miếu - Quốc Tử Giám.Ảnh: Nhật Nam


- Đề nghị ông cho biết quan điểm phát triển du lịch Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2016-2020 và những năm tiếp theo là gì?

- Nghị quyết đã đề ra 5 quan điểm cụ thể về phát triển du lịch Thủ đô, đó là: Phát triển du lịch thành một ngành kinh tế mũi nhọn quan trọng trong sự nghiệp xây dựng Thủ đô, một ngành kinh tế tổng hợp, mang nội dung văn hóa sâu sắc, có tính liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao, bảo đảm hài hòa với lợi ích của người dân Hà Nội; phát triển du lịch Thủ đô gắn với phát triển du lịch nội địa và quốc tế, thu hút khách du lịch quốc tế tới Hà Nội, bảo đảm phát huy tốt vai trò là trung tâm du lịch cả nước, thực hiện chức năng liên kết, cầu nối giữa Thủ đô với các tỉnh, thành phố trong nước và quốc tế; kết hợp phát triển du lịch với việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử của Thủ đô và của dân tộc, với bảo vệ thiên nhiên và môi trường, bảo đảm quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội của Thủ đô theo hướng bền vững, xây dựng Hà Nội là điểm đến “An toàn - Thân thiện - Chất lượng - Hấp dẫn”; góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô.

Bên cạnh đó, phát triển du lịch chất lượng cao, theo hướng chuyên nghiệp, có trọng tâm, trọng điểm; trong đó, đặc biệt coi trọng phát triển du lịch văn hóa, lấy du lịch văn hóa làm cơ sở, nền tảng phát triển các loại hình du lịch khác như du lịch hội nghị, hội thảo, triển lãm, tổ chức sự kiện, làng nghề, sinh thái, nghỉ dưỡng cuối tuần, vui chơi giải trí, du lịch, thể thao… Ngoài ra, đẩy mạnh xã hội hóa, phát huy mọi nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước, các tầng lớp nhân dân để phát triển du lịch trên cơ sở quy hoạch, kế hoạch được phê duyệt.

- Vậy những mục tiêu cụ thể của Ngành Du lịch Thủ đô là gì, thưa ông?

- Có rất nhiều mục tiêu được đề ra, trong đó đặc biệt chú ý tới phát triển toàn diện du lịch Thủ đô cả về quy mô và chất lượng dịch vụ, bảo đảm tính bền vững; đến năm 2020 đưa du lịch Hà Nội thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có tốc độ tăng trưởng cao, có tính chuyên nghiệp, hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, có sức cạnh tranh... Chỉ tiêu cụ thể là, phấn đấu đến năm 2020, Hà Nội đón 30 triệu lượt khách, trong đó có 5,7 triệu lượt khách quốc tế, tổng thu từ khách du lịch đến năm 2020 đạt 120.000 tỷ đồng, công suất sử dụng phòng trung bình của cơ sở lưu trú, khách sạn đạt 60-65%.

- Theo ông, các sản phẩm du lịch của Thủ đô sẽ được xây dựng theo hướng nào?

- Du lịch của Thủ đô sẽ chú trọng xây dựng và hoàn thiện các sản phẩm du lịch văn hóa, du lịch tâm linh, làng nghề, sinh thái, ẩm thực... bảo đảm các sản phẩm hoàn chỉnh, độc đáo, hấp dẫn, có tính chuyên nghiệp cao theo hướng phát triển du lịch bền vững. Bên cạnh đó, tập trung tạo dựng sản phẩm hoàn chỉnh và đưa vào khai thác phục vụ khách du lịch, kéo dài thời gian lưu trú ở Thủ đô tại khu vực trung tâm chính trị Ba Đình; khu vực phố cổ, phố cũ, hồ Hoàn Kiếm; làng nghề gốm sứ Bát Tràng, dệt lụa Vạn Phúc... Hằng năm tổ chức chuỗi các hoạt động sự kiện gắn với du lịch như hội nghị, hội thảo, liên hoan, hội chợ, thương mại, văn hóa, thể thao... tầm cỡ quốc gia và quốc tế.

- Vậy cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật phục vụ du lịch của Hà Nội sẽ được đầu tư thế nào?

- Hà Nội sẽ lựa chọn nhà đầu tư chiến lược thực hiện các dự án đầu tư phát triển dịch vụ du lịch khu vực hồ Tây, bãi giữa và hai bên sông Hồng, khu vực Nhật Tân - Nội Bài... Xây dựng 2-3 khu du lịch vui chơi giải trí tầm cỡ quốc tế kết hợp truyền thống và hiện đại ngang tầm với các nước trong khu vực, 1 khu triển lãm và hội chợ quốc tế tầm cỡ quốc tế; hình thành một số khu phố kinh doanh thương mại, trung tâm mua sắm hiện đại. Xây dựng một số đường, phố, vườn hoa, tiểu cảnh… đặc sắc để khách du lịch tham quan, chụp ảnh lưu niệm. Phát triển hệ thống hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin, mạng wifi miễn phí tại các khu, điểm du lịch.

- Để thực hiện được những mục tiêu trên, công tác tuyên truyền, quảng bá sẽ được thực hiện theo hướng nào, thưa ông?

- Xây dựng kế hoạch dài hạn tuyên truyền, quảng bá, hợp tác phát triển du lịch trong và ngoài nước với quy mô, trình độ chuyên nghiệp, có nội dung cụ thể gắn với nhu cầu, thị hiếu của từng thị trường. Phối hợp với các cơ quan truyền thông, đại sứ quán, tổ chức quốc tế trên địa bàn thành phố và Đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài để kết nối, giới thiệu quảng bá, hợp tác, khai thác thị trường, phát triển du lịch, kết nối tour, tuyến với các doanh nghiệp, tổ chức tại thị trường quốc tế và ngược lại. Bên cạnh đó, chủ động đón các đoàn lữ hành lớn tại các thị trường trọng điểm, các đoàn báo chí, phóng viên quốc tế đến khảo sát sản phẩm, viết bài, tuyên truyền quảng bá về du lịch Thủ đô.

- Cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển du lịch Thủ đô thành ngành kinh tế mũi nhọn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.