Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quảng bá du lịch trên mạng xã hội: "Đất" tốt bị bỏ hoang

Lâm Vũ| 06/08/2016 07:19

(HNM) - Mạng xã hội (MXH) đang tạo sức ép mạnh mẽ lên các kênh quảng cáo truyền thống như báo in và truyền hình, đó là xu thế khó có thể phủ nhận. Và, trong khi nhiều nước đã và đang tận dụng MXH để quảng bá du lịch


Chưa được chú trọng đúng mức

Theo nội dung của chiến lược tiếp thị du lịch Việt Nam đến năm 2020 mà Bộ VH,TT&DL phê duyệt ngày 20-10-2014, hình ảnh du lịch Việt Nam sẽ được quảng bá rộng rãi trên internet, MXH thay vì chỉ sử dụng các phương thức truyền thống cũng như tham dự hội chợ du lịch quốc tế, quảng bá lưu động. Chiến lược này được kỳ vọng thu hút 10 triệu lượt khách quốc tế, 48 triệu lượt khách nội địa vào năm 2020.

Tận dụng mạng xã hội là một trong những cách thức được Quảng Nam chú trọng để quảng bá du lịch trong năm 2016



Chính sách đã có nhưng kể từ khi ban hành đến nay, kết quả đạt được lại không như mong muốn. Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, năm 2015, Việt Nam chỉ thu hút được gần 8 triệu lượt khách quốc tế, tăng gần 0,9% so với năm 2014. Kết quả khiêm tốn đó bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, trong đó có việc chúng ta chưa khai thác, tận dụng hết sức mạnh của internet và MXH để quảng bá du lịch. Lấy ví dụ về thông tin trên Youtube của Tổng cục Du lịch Việt Nam, kể từ khi chính thức được công bố vào ngày 9-1-2015 cho đến nay chỉ có hơn 1.000 lượt theo dõi, ngôn ngữ hầu hết bằng tiếng Việt, nội dung quảng bá cũ kỹ. Trong khi đó, kênh Youtube của Tổng cục Du lịch Malaysia có đến hơn 11.000 người theo dõi với các video tiếng Anh, những đoạn quảng bá ngắn, ấn tượng.

Ông Glenn Koh, Trưởng đại diện Tổng cục Du lịch Singapore (STB) tại Việt Nam cho biết, STB tạo tài khoản Facebook từ năm 2008, coi đó như một giải pháp giới thiệu và quảng bá du lịch Singapore đến du khách, cho phép STB tiếp cận và tương tác với người hâm mộ thương hiệu YourSingapore trên MXH. Hiện nay, Facebook YourSingapore trở nên phổ biến tại 13 thị trường khác nhau gồm Anh, Pháp, Nga, Mỹ...; thông tin của STB được hơn 1,5 triệu người trên toàn cầu thường xuyên quan tâm và số lượng khách đến với quốc đảo này ngày càng đông.

Website quảng bá du lịch Việt Nam và Thái Lan cũng có sự khác biệt. Trang web của Việt Nam http://vietnamtourism.gov chỉ có tiếng Việt và tiếng Anh; màu sắc, thiết kế khá đơn giản, nghèo thông tin. Trong khi đó, thông tin trên trang web của Thái Lan http://www.tourismthailand.org được đưa bằng nhiều thứ tiếng, có cả trang dành cho khách Việt Nam. Giao diện của trang web "bắt mắt", ảnh đẹp, những khung hình gợi nên cuộc sống sôi động, đầy màu sắc của người Thái, thể hiện đúng slogan "Amazing Thailand". Kèm theo đó là những bài hát quảng bá du lịch Thái Lan, rất dễ nghe, cuốn hút. Có lẽ đó là một phần lý do vì sao trong năm 2015, du lịch Thái Lan đón gần 30 triệu lượt khách quốc tế - cao hơn gấp ba lần của Việt Nam.

Doanh nghiệp mạnh ai nấy làm

Về việc quảng bá du lịch qua MXH, các doanh nghiệp đang cho thấy cảnh "mạnh ai nấy làm". Ông Lê Công Năng, Trưởng phòng Truyền thông của Công ty Vietrantour cho biết, hiện tại, bên cạnh website đang cải tiến để có giao diện thân thiện, phù hợp với việc duyệt thông tin trên các thiết bị di động và máy tính bảng, Vietrantour đã phát triển kênh Fanpage trên Facebook, mở rộng kênh Youtube và chuẩn bị phát triển kênh quảng bá trên Instagram. Thời gian qua, việc quảng bá sản phẩm trên Facebook của Vietrantour đã thu được tín hiệu tích cực: 10% tổng lượng khách mà công ty này phục vụ đã liên hệ đặt tour qua MXH Facebook.

Theo ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Giám đốc Công ty Du lịch TransViet, công ty này quảng bá chủ yếu qua Facebook thông qua Fanpage với 20 nghìn người theo dõi. "MXH là công cụ khá thông minh, cho phép thực hiện việc đo đếm hiệu quả bởi có sự tương tác qua like và comment. Khi công ty mở một chiến dịch giảm giá chẳng hạn, nếu khách hàng quan tâm đến tour, người ta sẽ hỏi sâu hơn và công ty có thể tư vấn qua tin nhắn hoặc gọi điện - đủ để biết chiến dịch này có hiệu quả hay không. Đây là một cách làm tương đối tiết kiệm và hiệu quả so với các kênh khác như báo chí và truyền hình. Việt Nam nên nghiên cứu để phát huy tác dụng của kênh quảng bá này. Chúng ta đừng nghĩ quảng bá du lịch ra nước ngoài là cứ phải quảng cáo trên CNN - nơi muốn thu được hiệu quả thì phải bỏ ra rất nhiều tiền. Trong khi đó, với số tiền nhỏ hơn nhiều, việc quảng bá qua MXH mang lại hiệu quả rất tốt", ông Nguyễn Tiến Đạt chia sẻ.

Để khai thác có hiệu quả kênh tiếp thị du lịch qua internet và MXH, cơ quan quản lý nhà nước về du lịch cần thiết lập đội ngũ chuyên trách việc xây dựng và phát triển các kênh tiếp thị du lịch trên Facebook, Youtube, Instagram, Pinterest, Twitter… Bên cạnh đó, cần tổ chức các cuộc thi ảnh du lịch, poster du lịch, video du lịch Việt Nam trên MXH để huy động dữ liệu phục vụ quảng bá du lịch, góp phần lan tỏa thương hiệu du lịch Việt Nam trên internet.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng bá du lịch trên mạng xã hội: "Đất" tốt bị bỏ hoang

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.