Theo dõi Báo Hànộimới trên

Du lịch "về đích" ấn tượng

Lâm Vũ| 24/12/2016 07:56

(HNM) - Dự kiến ngày 25-12, tại Sân bay Phú Quốc (Kiên Giang), Tổng cục Du lịch sẽ tổ chức lễ đón vị khách quốc tế thứ 10 triệu đến Việt Nam.


Nỗ lực của nhiều cấp, ngành

Ước tính, năm 2016, Ngành Du lịch Việt Nam đón và phục vụ hơn 10 triệu lượt khách quốc tế, hơn 62 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ khách du lịch ước đạt 400.000 tỷ đồng (tương đương 18 tỷ USD). Lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong 12 tháng năm 2016 liên tục tăng. Tất cả các con số trên đều đã bằng hoặc vượt chỉ tiêu đề ra cho năm 2020 trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Có được kết quả này, một phần là do trong thời gian gần đây Ngành Du lịch đã đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá du lịch ở các thị trường trọng điểm và tổ chức truyền thông trên mạng xã hội, mạng internet, các trang thông tin du lịch nổi tiếng thế giới.

Bên cạnh đó, Bộ VH,TT&DL đã triển khai quyết liệt các nhiệm vụ mà Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tại “Hội nghị toàn quốc về phát triển du lịch” - diễn ra vào ngày 9-8 tại Hội An (Quảng Nam), trong đó nổi bật là việc triển khai Chiến dịch thay đổi hình ảnh du lịch Việt Nam với nhiều giải pháp phù hợp như rà soát, chấn chỉnh, nâng cao chất lượng cơ sở lưu trú trên toàn quốc; ra quyết định thu hồi hạng sao đối với hơn 30 khách sạn 3-5 sao không đạt tiêu chuẩn...

Chi tiêu của khách du lịch nội địa Việt Nam được dự báo tăng 7,4% trong năm 2016 và tăng 6,2% mỗi năm trong vòng 10 năm tới, đạt mức 321.252 tỷ đồng vào năm 2026. Trong khi chi tiêu của khách du lịch quốc tế (hay còn gọi là giá trị xuất khẩu từ khách du lịch hoặc tổng thu từ khách du lịch quốc tế) dự báo tăng 2,2%, đạt 218.042 tỷ đồng vào năm 2016 và tăng 6,8% mỗi năm trong vòng 10 năm tới, đạt 422.128 tỷ đồng vào năm 2026.

Hà Nội cán mốc 4 triệu du khách quốc tế

Năm 2016 cũng là năm đầu tiên lượng khách du lịch quốc tế đến Hà Nội đạt 4 triệu lượt, tăng 22,6% so với năm 2015 (trong đó khách du lịch quốc tế có lưu trú đến Hà Nội đạt 2.857.143 lượt, tăng 22,6%); khách du lịch nội địa tại Hà Nội đạt 17.810.000 lượt, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm 2015; tổng khách du lịch đến Hà Nội đạt 21.810.000 lượt, tăng 10,7%; tổng thu từ khách du lịch đạt 62.329 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2015.

Ông Đỗ Đình Hồng, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho biết, năm 2016, lượng khách đến Hà Nội tăng mạnh vì Thủ đô có rất nhiều hoạt động thú vị như Liên hoan Du lịch làng nghề truyền thống Hà Nội - Việt Nam (từ ngày 29-9 đến 2-10-2016), Festival Áo dài Hà Nội năm 2016, tổ chức không gian đi bộ tại hồ Hoàn Kiếm, Tour Áo dài Hà Nội... Không gian đi bộ tại khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận là một trong những điểm sáng du lịch, được tổ chức một cách bài bản và ngày càng được bổ sung nhiều hoạt động, dịch vụ sinh động, mang đến những trải nghiệm bình yên nhưng không kém phần hấp dẫn cho nhân dân và khách du lịch.

Năm 2016, Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh đã xây dựng, triển khai nhiều mô hình mới, có nét đặc trưng riêng để thu hút du khách như: Tổ chức văn nghệ đường phố, đua thuyền trên kênh Nhiêu Lộc, ảo thuật đường phố, cải thiện môi trường du lịch tại khu phố Phạm Ngũ Lão... Một số địa phương vùng ven như Củ Chi, Hóc Môn đã triển khai mô hình du lịch kết hợp thể thao (chạy marathon, biểu diễn lân sư rồng...). Nhờ đó, trong năm nay, TP Hồ Chí Minh đã đón khoảng 5,2 triệu lượt khách (tăng 10% so với cùng kỳ năm 2015), khách du lịch nội địa ước đạt 21,8 triệu lượt (tăng 10%), tổng doanh thu từ du lịch (lữ hành, nhà hàng, khách sạn…) ước đạt 103.000 tỷ đồng (tăng 9% so với cùng kỳ năm 2015).

Hoạt động du lịch tại một số địa phương khác cũng đạt kết quả tốt, như Kiên Giang đón 5,4 triệu lượt khách (tăng 24% so với năm 2015), trong đó, lượng khách quốc tế ước đạt 319.209 lượt (tăng 31,4%). Tỉnh Quảng Ninh đón khoảng 8.350.000 lượt khách (trong đó có 3.500.000 lượt khách quốc tế, 4.850.000 khách nội địa). Lâm Đồng đón khoảng 5.400.000 lượt khách (tăng 5,9% so với cùng kỳ năm 2015), trong đó, khách quốc tế ước đạt 270.000 lượt (tăng 44,8%)...

Dự kiến ngày 25-12, Ngành Du lịch sẽ công bố chỉ tiêu đón khách trong năm 2017. Tin rằng, với sự quyết tâm cao độ của cả hệ thống chính trị, sự cam kết mạnh mẽ của Chính phủ trong việc triển khai đồng bộ, quyết liệt và có kết quả các nhiệm vụ và giải pháp, Ngành Du lịch Việt Nam có thể tạo sự bứt phá để trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Năm 2016, Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới (WTTC) xếp Việt Nam đứng thứ 5 về tăng trưởng du lịch dài hạn (từ 2016- 2026); đứng thứ 24 về tăng trưởng dự báo năm 2016; đứng thứ 40 về quy mô tuyệt đối năm 2015 và đứng thứ 55 về quy mô tương đối trong tổng số 184 quốc gia. WTTC cũng công bố tài khoản vệ tinh, trong đó tổng đóng góp của du lịch Việt Nam vào GDP trong năm 2015 đạt 26,7 tỷ USD, đứng thứ 6 khu vực ASEAN và thứ 40 thế giới (Indonesia đứng thứ nhất khu vực, thứ 15 thế giới, đạt 82,4 tỷ USD); được dự báo tăng 5,3% trong năm 2016 và tăng 7,2% mỗi năm trong giai đoạn 2016-2026, đạt 1.232.640 tỷ đồng vào năm 2026 (tương đương 15,2% GDP).
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Du lịch "về đích" ấn tượng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.