Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần thiết và cấp thiết

Kiến Lâm| 11/01/2017 07:01

(HNM) - Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh vừa công bố Quy tắc ứng xử (QTƯX) dành cho khách du lịch đến thành phố. Đây là hành động cần thiết và cấp thiết nhằm xây dựng và hình thành thói quen du khách cùng tôn trọng QTƯX văn hóa khi đến tham quan Việt Nam nói chung và TP Hồ Chí Minh nói riêng.

Thuận tiện và phù hợp

QTƯX dành riêng cho khách du lịch lần đầu tiên được TP Hồ Chí Minh ban hành gồm 8 điểm với những thông tin cơ bản về văn hóa ứng xử phù hợp với phong tục, tập quán tại nơi đến. Các quy tắc được phát hành bằng 5 ngôn ngữ (Việt, Anh, Hoa, Hàn và Nga), thiết kế đơn giản, hình quạt, đẹp mắt và thuận tiện cho khách cầm theo khi di chuyển. Quy tắc này còn được phát hành dưới dạng clip ngắn để đăng trên đài truyền hình, website Sở Du lịch, các màn hình ti vi tại khách sạn 5, 4 sao, tại Sân bay Tân Sơn Nhất, trên các xe vận chuyển khách du lịch, trên máy bay. Việc ban hành QTƯX trên là nhằm hưởng ứng phát động của Tổng cục Du lịch Việt Nam về chủ trương khuyến khích các địa phương trong cả nước xây dựng một số QTƯX tại điểm đến dành cho khách du lịch.

Du khách nước ngoài tham quan Bảo tàng Chứng tích chiến tranh. Ảnh: TTXVN



Ông Lã Quốc Khánh, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh chia sẻ: “Việc phổ biến các QTƯX trong thời điểm này, được nhiều du khách đánh giá là phù hợp, cần thiết. Ngành Du lịch thành phố hy vọng với Bộ QTƯX sẽ mang đến làn gió mới cho du khách khi đến tham quan, lưu trú tại TP Hồ Chí Minh”.

Theo ông Phan Xuân Anh - Chủ tịch HĐQT Công ty Du Ngoạn Việt, việc ban hành Bộ QTƯX là động thái cần thiết để du khách tìm hiểu, tiếp cận và góp phần gìn giữ nền văn hóa Việt Nam. Hiện nay, các công ty du lịch đều xây dựng tour tham quan những ngôi chùa cho khách ngoại quốc khi đến với TP Hồ Chí Minh. Với khách du lịch ở phân khúc trung bình như khách Tây "ba lô" thường có khuynh hướng mặc trang phục thoải mái như quần đùi, áo hai dây để bước vào các nơi tham quan, thờ tự. Vì vậy, Bộ QTƯX như là “hành lang bảo vệ” giúp công ty khai thác du lịch và khách hành xử chuẩn mực tại điểm đến.

Anh Ngô Quang Đạt, một phật tử của chùa Quan Âm (quận 5) TP Hồ Chí Minh cho biết: “Ngôi chùa này thường xuyên có khách Tây "ba lô" ghé thăm, chụp hình. Không ít người trong số này ăn mặc thiếu kín đáo, nhiều lần tôi muốn nhắc nhở song do không biết ngoại ngữ nên không giải thích được. Sắp tới có Bộ QTƯX cho du khách, tôi sẽ phát cho họ, để khách hiểu được và tôn trọng nơi tôn nghiêm, thờ tự”.

Để phổ biến các QTƯX rộng rãi đến du khách, trước mắt Ngành Du lịch thành phố in 150.000 bộ phát cho hệ thống điểm đến tham quan, nhà hàng, khách sạn, công ty du lịch, cơ sở mua sắm. Qua thăm dò của Sở Du lịch, tất cả các đơn vị đều hưởng ứng truyền đi thông điệp QTƯX này.

Chị Ngô Thị Bé (quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh): “Tôi nghĩ các ban quản lý điểm đến của chùa, miếu, đền, nghĩa trang liệt sĩ, các lễ hội truyền thống của TP Hồ Chí Minh cần học theo cách làm của các quốc gia như Campuchia, Thái Lan và Singapore. Khi tôi qua đây du lịch, tại các điểm thờ tự họ thường để sẵn áo khoác, hoặc miếng vải lớn để che thân ngay trước cổng vào để du khách mặc vào tham quan chùa. Việc này sẽ làm du khách nhớ suốt đời về quy tắc ứng xử nơi tôn nghiêm, thờ tự”.

Người dân cần làm gương

Nhiều chuyên gia trong Ngành Du lịch nhận định, việc triển khai rộng rãi Bộ QTƯX dành cho du khách là cần thiết nhưng về lâu dài cần đồng bộ cùng với các chiến dịch truyền thông nhằm nâng cao ý thức chung của cả du khách và chính người dân Việt Nam. Người gần gũi du khách nhất là những hướng dẫn viên, là nhân viên nhà hàng, khách sạn và cả những du khách Việt tham quan cùng điểm đến. Nếu mỗi cá nhân có ý thức, trách nhiệm truyền đi thông điệp của Bộ quy tắc thì hiệu quả thu được sẽ cao hơn.

Còn nhớ vào tháng 9-2016, mạng xã hội lan truyền clip một du khách mặc quần đùi và chiếc áo tương tự với áo ngực đi vào chùa Linh Ứng, Đà Nẵng, thản nhiên chụp hình, tạo dáng ở khu vực chánh điện. Mọi người xung quanh nhìn thấy chỉ cười. Chỉ duy nhất chị Nguyễn Thị Thủy - giáo viên tại Hà Nội đi du lịch tại đây đã sử dụng tiếng Anh để giải thích với nữ du khách về trang phục của cô là không phù hợp với nơi tôn nghiêm... Nhờ đó vị khách hiểu ra và tự giác bước ra khỏi chùa. Hành động của cô giáo Thủy đã được hàng nghìn người hưởng ứng vì ứng xử có trách nhiệm với nơi thờ tự linh thiêng.

Không chỉ du khách nước ngoài, mà cả khách trong nước cũng chưa có ý thức khi bước vào nơi thờ tự. Chị Nguyễn Thị Thanh, ngụ tại quận 3 TP Hồ Chí Minh cho biết: “Năm nào ti vi cũng làm phóng sự phát cảnh cô gái mặc váy ngắn vào chùa. Tình trạng này kéo dài nhiều năm và chưa thấy chấm dứt. Nếu mình không tự nhắc chính người dân của mình thì sao nhắc được du khách”. Do đó, nhiều ý kiến cho rằng bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền, thì ban quản lý các điểm du lịch, văn hóa... cần có giải pháp cụ thể hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần thiết và cấp thiết

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.