Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bước đột phá du lịch Thủ đô

Lâm Vũ| 28/01/2017 09:07

(HNM) - Năm 2016, du lịch Hà Nội đã có những bước đi mang tính đột phá với kim chỉ nam là Nghị quyết 06 của Thành ủy về


Không gian văn hóa, nghệ thuật giữa lòng Hà Nội

Từ khi thực hiện thí điểm không gian đi bộ xung quanh hồ Hoàn Kiếm và phụ cận vào dịp cuối tuần, người Hà Nội và du khách đã có thêm một khoảng không gian rộng lớn giữa lòng Thủ đô. Đó là một Hà Nội mang nhiều nét hoài niệm và dường như tách bạch với sự ồn ã bên ngoài. Ở đó, mỗi người đều có thể đắm mình trong những trò chơi của tuổi thơ như ô ăn quan, kéo cưa lừa xẻ...; thưởng thức các chương trình nghệ thuật truyền thống như xẩm, ca trù, chầu văn, chèo cổ; các màn trình diễn nhạc cụ dân tộc như đàn bầu, sáo, nhị, tam thập lục... hay chương trình tạp kỹ mang phong cách biểu diễn nghệ thuật đường phố: Xiếc, ảo thuật, tung hứng; biểu diễn múa đương đại: Nhảy hiện đại, vũ điệu Latin. Cũng tại không gian này, du khách có thể sử dụng wifi miễn phí.

Anh Olivier Peix, quốc tịch Pháp, cho biết: "Chưa bao giờ tôi được tham gia một không gian với nhiều hoạt động truyền thống như thế này. Việc hạn chế các phương tiện giao thông còn mở ra một không gian khá thoải mái. Ngoài ra, ở đây còn có wifi miễn phí, một yếu tố vô cùng cần thiết đối với khách du lịch nước ngoài như chúng tôi...".

Theo ông Dương Đức Tuấn, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm, ban ngày lưu lượng khách tham gia khu vực đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm từ 3.000 đến 5.000 người, buổi tối từ 1,5 đến 2 vạn người. Từ khi đi vào hoạt động, lượng du khách trong và ngoài nước tham gia các hoạt động tại không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm tăng mạnh.

Trong 9 tháng năm 2016, lượng khách quốc tế đến quận Hoàn Kiếm lưu trú đạt gần 1,4 triệu lượt người, riêng trong tháng 9 - tháng bắt đầu thực hiện phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm và phụ cận có trên 113 nghìn lượt người. Không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm đã khẳng định được tính hiệu quả, có sức hút đối với cộng đồng, du khách; phát huy được các giá trị văn hóa, lịch sử khu vực hồ Hoàn Kiếm, đồng thời kích cầu phát triển dịch vụ, du lịch.

Một sản phẩm khác cũng rất độc đáo của du lịch Hà Nội là tour du lịch khám phá phố cổ miễn phí. Anh David Berse, đến từ My, nói: “Nhờ tour du lịch này, tôi mới hiểu nét đặc trưng độc đáo của phố cổ Hà Nội, biết cách người thợ thủ công làm ra một sản phẩm ra sao. Tôi cũng biết mỗi con phố khi xưa là nơi tập trung sản xuất và buôn bán của một loại sản phẩm thủ công. Ngày nay, nhiều con phố ở Hà Nội vẫn giữ được các sản phẩm truyền thống như phố Hàng Bạc, Hàng Thiếc...".

Tổng Giám đốc Vietnamtourism Hanoi Lê Vũ Trang cho biết, tour khám phá phố cổ là sản phẩm đầu tiên của Dự án tổ chức 4 tour đi bộ miễn phí do công ty phối hợp với Sở Du lịch Hà Nội và một số trường đào tạo du lịch ở Hà Nội thực hiện. Tuần đầu tiên triển khai chỉ có hơn 100 khách đặt tour, nhưng đến nay trung bình mỗi tuần có khoảng 200 - 300 lượt khách. Thời gian tới, công ty sẽ mở rộng phạm vi tour ra các điểm đến khác ở Hà Nội và triển khai các tour bằng tiếng Pháp, Đức, Trung Quốc, Nhật Bản...

Đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn


Theo ông Đỗ Đình Hồng, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội, không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận là một trong những điểm sáng của Ngành Du lịch Thủ đô trong thời gian qua. Không gian đi bộ được tổ chức một cách bài bản và tiếp tục bổ sung nhiều hoạt động, dịch vụ mang đến những trải nghiệm bình yên nhưng không kém phần hấp dẫn, phục vụ người dân và khách du lịch.

"Trên cơ sở những thành công bước đầu, chúng tôi sẽ tổ chức hoàn thiện 6 dịch vụ tại không gian đi bộ theo những tiêu chí cụ thể, đó là: Hoàn thiện tiện ích không gian đi bộ, tổ chức các hoạt động văn hóa - nghệ thuật đặc sắc, mang đậm tính cộng đồng; gia tăng dịch vụ du lịch thông qua trung tâm hỗ trợ khách du lịch; bổ sung hệ thống dịch vụ thương mại; hoàn thiện dịch vụ viễn thông, wifi miễn phí và đảm bảo an ninh, an toàn" - ông Đỗ Đình Hồng khẳng định.

Năm 2017, du lịch Hà Nội hướng đến mục tiêu đón 23,39 triệu lượt khách, tăng 11,08% so với năm 2016; trong đó có 4,08 triệu khách quốc tế và 19,31 triệu khách nội địa; tổng thu từ khách du lịch đạt 66.053 tỷ đồng, tăng 7,12% so với năm 2016.


Đối với làng gốm sứ Bát Tràng và làng dệt lụa Vạn Phúc, Hà Nội đã có kế hoạch đầu tư xây dựng thành các điểm du lịch tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế của Thủ đô. UBND thành phố đã tổ chức trao giải cuộc thi tuyển ý tưởng quy hoạch các dự án đầu tư bảo tồn phát triển làng nghề truyền thống kết hợp du lịch tại làng gốm sứ Bát Tràng và làng dệt lụa Vạn Phúc. Hà Nội cũng hợp tác với mạng tin tức truyền hình cáp CNN để đưa hình ảnh tươi đẹp của Thủ đô ra thế giới; tổ chức đoàn tham gia hợp tác xúc tiến du lịch tại các thị trường trọng điểm: Trung Quốc, Pháp, Nhật Bản, Đức, Anh, Mỹ, các nước khu vực ASEAN...

Thời gian tới, thành phố tập trung triển khai, rà soát quy hoạch phát triển du lịch Hà Nội, hoàn thiện quy hoạch khu Ba Vì - Suối Hai; hoàn thành từ 2 đến 3 khu vui chơi, giải trí và khu triển lãm tầm cỡ quốc tế như: Công viên Kim Quy và Trung tâm Hội chợ Triển lãm quốc gia ở huyện Đông Anh và thu hút các nhà đầu tư xây dựng khoảng 20 khách sạn cao cấp 4 - 5 sao trong khu vực trung tâm thành phố. Đồng thời, thành phố tiến hành khai thác mặt nước và không gian xung quanh hồ Tây trở thành sản phẩm du lịch mới của Thủ đô với các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, ẩm thực đường phố, chợ xưa đồ cũ, dịch vụ vui chơi, giải trí hấp dẫn cho du khách...

Những thành công trong năm 2016 là tiền đề quan trọng để toàn Ngành Du lịch Thủ đô dồn lực, quyết liệt thực hiện Nghị quyết số 06 của Thành ủy và Kế hoạch số 207 của UBND thành phố về phát triển du lịch Hà Nội giai đoạn 2016-2020 và những năm tiếp theo, nhằm tạo bước đột phá mới cho du lịch Thủ đô, phấn đấu đến năm 2020 đưa du lịch Hà Nội trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bước đột phá du lịch Thủ đô

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.