Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sản phẩm du lịch liên kết vùng: Chưa thực sự hấp dẫn

Lâm Vũ| 03/03/2017 06:36

(HNM) - Trong thời hội nhập toàn cầu, đặc biệt sau sự kiện Việt Nam tham gia Cộng đồng Kinh tế ASEAN, liên kết du lịch là vấn đề tất yếu đối với mỗi địa phương nhằm khai thác hiệu quả các lợi thế, tiềm năng, đưa du lịch phát triển, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.


Nhiều địa phương có tiềm năng du lịch lớn nhưng chưa có được sản phẩm hấp dẫn du khách.


Điểm đến chung...

PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế cho rằng, nếu không có chiến lược liên kết phát triển du lịch thì tài nguyên sẽ bị khai thác quá mức. Thực tế cũng cho thấy, liên kết vùng chính là một trong những giải pháp phát triển du lịch tiết kiệm nhưng hiệu quả khi mà "ranh giới" du lịch giữa các địa phương đã không còn hiện hữu, thay vào đó là một điểm đến chung, thống nhất với sự đa dạng sản phẩm dựa trên lợi thế riêng biệt vùng miền.

Trong những năm gần đây, việc tổ chức Năm du lịch quốc gia đã tạo ra sự liên kết giữa các địa phương để thu hút khách, trong đó sẽ chọn một tỉnh của vùng làm hạt nhân. Nhiều địa phương đã chủ động liên kết điểm đến, tiêu biểu gồm liên kết của 14 tỉnh, thành phố vùng Bắc - Nam Trung Bộ; Hà Nội với Thừa Thiên-Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam; Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh - Quảng Bình; Đồng bằng sông Cửu Long... Còn với sự hỗ trợ của dự án EU, vùng du lịch Tây Bắc mở rộng đã liên kết xây dựng được bộ định vị thương hiệu của cả vùng và từng tỉnh; quy hoạch từng vùng phát triển du lịch... Dựa trên thế mạnh của từng địa phương, các tỉnh vùng Tây Bắc đã xây dựng những điểm nhấn riêng như tỉnh Lào Cai với thị trấn Sa Pa có nhiều phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp, được mệnh danh là “thị trấn trong mây”, tỉnh Hà Giang có cao nguyên đá Đồng Văn, Yên Bái với danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang Mù Căng Chải, tỉnh Điện Biên với thế mạnh là điểm di tích lịch sử Điện Biên Phủ; Sơn La có cao nguyên Mộc Châu rộng lớn... Bước ngoặt với tỉnh Lào Cai và các tỉnh Tây Bắc trong phát triển du lịch là khi cao tốc Nội Bài - Lào Cai đi vào hoạt động từ tháng 9-2015. Nhờ đó, năm 2016, du khách đến tỉnh Lào Cai đã đạt trên 2,7 triệu lượt, (tăng 32,5% so với cùng kỳ năm 2015); trong đó, khách quốc tế đạt 760.000 lượt (chiếm 27%); tổng doanh thu từ du lịch năm 2016 đạt 6.405 tỷ đồng (tăng 37% so với cùng kỳ năm 2015).

Một điểm sáng khác là liên kết vùng giữa Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên-Huế, nhất là trong công tác quảng bá xúc tiến. Nhiều chương trình quảng bá đã được ba địa phương phối hợp xây dựng, cùng xúc tiến như “Đà Nẵng biển gọi”, “Quảng Nam - Hành trình di sản”; “Lăng Cô huyền thoại biển”; “Ba địa phương - một điểm đến”… Cùng với đó, các chương trình giới thiệu sản phẩm du lịch, tham gia hội chợ cũng được mở rộng trong và ngoài nước. Chỉ riêng năm 2015, công tác xúc tiến quảng bá được đẩy mạnh đến các thị trường như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Cần Thơ, các tỉnh Tây Nam Bộ; Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam - VITM Hà Nội, Hội chợ Du lịch ITE-HCM, Hội chợ JATA Nhật Bản... Kết quả rõ nét nhất của sự hợp tác liên kết giữa ba địa phương chính là đã đưa thương hiệu du lịch miền Trung đến với du khách như là điểm đến lý tưởng của Việt Nam.

Chưa nhiều đổi mới, sáng tạo

Tuy nhiên, qua thời gian thực hiện liên kết đã cho thấy, không chỉ Tây Bắc mà nhìn chung sản phẩm du lịch các tỉnh, thành phố chưa có nhiều đổi mới, sáng tạo, thiếu sự hấp dẫn, khả năng cạnh tranh chưa cao, chất lượng dịch vụ du lịch chưa đáp ứng yêu cầu. Tương tự với sản phẩm du lịch liên kết vùng Quảng Nam - Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, dù đạt được những kết quả đáng ghi nhận, song có thể thấy sự hợp tác, liên kết phát triển du lịch thời gian qua cũng mới chỉ tập trung vào công tác quảng bá, xúc tiến, trong khi đó xây dựng sản phẩm, phát triển nguồn nhân lực… vẫn chưa được chú trọng đúng mức. Việc xác định thị trường trọng điểm còn có những bất đồng do lợi thế, sản phẩm khác biệt giữa các địa phương.

Theo ông Đặng Tiến Đạt, đại diện Công ty Lạc Hồng Travel, để phát triển du lịch vùng, các địa phương nên có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp lữ hành xây dựng những tour du lịch mới nhằm thu hút khách quốc tế. Cần phối hợp tạo điều kiện để các hãng lữ hành nghiên cứu xây dựng các sản phẩm du lịch đặc sắc nhằm nâng cao hơn sức cạnh tranh cho du lịch liên vùng; tập trung đẩy mạnh đầu tư đường nối các tuyến, điểm du lịch chính của các địa phương với những tuyến, điểm du lịch chính của cả vùng để hình thành các chương trình du lịch liên vùng phong phú. Bên cạnh đó, các tỉnh liên kết nghiên cứu xây dựng thương hiệu và các sản phẩm du lịch mang bản sắc của mỗi vùng, mỗi địa phương...

Còn theo ông Lương Duy Doanh, Giám đốc Five Star Travel, muốn đẩy mạnh được liên kết vùng cần coi trọng vấn đề quảng bá, xúc tiến du lịch. Ðối với khách quốc tế, nên hợp tác chặt chẽ để quảng bá hình ảnh điểm đến chung cho cả khu vực. Cung cấp các ấn phẩm, tài liệu cho khách qua các kênh như cơ quan đại diện ngoại giao, hàng không và các doanh nghiệp du lịch, tổ chức những đoàn khảo sát cho các cơ quan truyền thông trong nước và ngoài nước để tuyên truyền trên mạng và các phương tiện thông tin đại chúng về những điểm nhấn của từng vùng liên kết du lịch...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sản phẩm du lịch liên kết vùng: Chưa thực sự hấp dẫn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.