Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bộ Quy tắc ứng xử văn minh du lịch: Mưa dầm, thấm lâu!

Lâm Vũ| 24/03/2017 07:12

(HNM) - Bộ VH-TT&DL vừa ban hành bộ Quy tắc ứng xử văn minh du lịch, đề cập nhiều nội dung, hàm chứa nhiều vấn đề

Thực hiện tốt Quy tắc ứng xử sẽ góp phần thay đổi diện mạo cho du lịch Việt Nam. Ảnh: Bá Hoạt


Bộ Quy tắc ứng xử là cần thiết...

Năm 2016, cả nước có khoảng 62 triệu lượt người Việt đi du lịch trong nước và hơn 4,8 triệu lượt người du lịch nước ngoài. Trong số này, nhiều người lần đầu đi du lịch, thiếu sự tư vấn và hướng dẫn nên vẫn giữ thói quen không đẹp tại điểm vui chơi, làm ảnh hưởng đến hình ảnh người Việt Nam. Cụ thể, có không ít khách mặc trang phục thiếu lịch sự khi ra khỏi khách sạn hoặc mặc nguyên bộ đồ ngủ xuống hồ bơi, ra bãi biển, đi chợ, đi dạo, thậm chí cả khi đi máy bay. Cá biệt có người vô tư cởi trần ra phố, coi cả thế giới như nhà mình. Không ít người cũng thường nói chuyện, nghe điện thoại ồn ào nơi công cộng. Số khác lại muốn trốn vé tàu điện, vé tham quan và xem đó là... thành tích, là niềm vui. Tại các điểm đến, nhiều người không nghe thuyết minh, ít tìm hiểu văn hóa, lịch sử; sẵn sàng chen lấn khi vào nhà hàng, khi ăn buffet, thiếu tôn trọng các quy định. Đặc biệt trong ăn uống, nhiều khách vẫn giữ thói quen dùng đũa, muỗng riêng để lấy thức ăn chung. Hơn nữa không ít người Việt Nam có tật "cầm nhầm" đồ dùng của người khác, nhất là trong các cửa hàng, cửa hiệu nước ngoài. Trong khi đó, tình trạng "chặt chém" tại nhiều điểm đến trong nước đã trở thành nỗi ám ảnh của không ít du khách trong và ngoài nước...

Theo ông Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch HĐQT Công ty Dã ngoại Lửa Việt Tour, lợi dụng chính sách thông thoáng trong du lịch, một số người đã trốn ở lại nước ngoài, cư ngụ bất hợp pháp. Vì thế, du khách Việt đã gây ra không ít hệ lụy, rõ nhất là số nước miễn thị thực cho Việt Nam chỉ bằng khoảng 1/4 Singapore (45/167), thua cả Lào, Campuchia và Đông Timor.

Dưới góc độ của người làm công tác đào tạo, ông Vũ An Dân, Trưởng khoa Du lịch, Viện Đại học Mở Hà Nội đánh giá, những hành vi không đẹp của du khách Việt ít nhiều gây ảnh hưởng đến hình ảnh quốc gia. "Dù đó chỉ là biểu hiện nhỏ của một số người, nhưng khi không có điều kiện trải nghiệm cuộc sống ở Việt Nam thì người ta dễ dàng khái quát hóa và sẽ có cái nhìn sai lệch về người Việt Nam", ông Vũ An Dân chia sẻ.

Trước thực trạng này, việc Bộ VH-TT&DL ban hành bộ Quy tắc ứng xử văn minh du lịch là cần thiết.

...nhưng chỉ mang tính định hướng

Ông Ngô Hoài Chung, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết, thời gian tới, bộ Quy tắc ứng xử sẽ được phổ biến sâu rộng đến các Sở VH-TT&DL, Sở Du lịch, các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành, khách sạn trên cả nước. Là văn bản quy tắc nên chỉ mang tính chất khuyến cáo, định hướng về hành vi, thái độ, cách ứng xử của các đối tượng tham gia vào quá trình du lịch từ người dân đến doanh nghiệp, khách du lịch. "Vì không phải là văn bản pháp luật nên không có chế tài, không có quy định mang tính chất bắt buộc...", ông Ngô Hoài Chung khẳng định.

Ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Giám đốc Công ty TransViet cho rằng, đối tượng điều chỉnh của bộ Quy tắc tương đối rộng, từ khách du lịch trong nước, khách du lịch ra nước ngoài, khách quốc tế đến Việt Nam, khách sạn, các công ty du lịch, cộng đồng… nên nếu thực hiện được sẽ góp phần thay đổi diện mạo du lịch Việt Nam. "Tuy nhiên, khi triển khai cần có cam kết của doanh nghiệp về việc thực hiện Quy tắc, kèm theo đó phải có thưởng và phạt. Nếu doanh nghiệp vi phạm sẽ bị phạt tùy theo mức độ, nhẹ là nhắc nhở, nặng hơn là cảnh cáo, phạt tiền và có thể rút giấy phép. Đặc biệt với các công ty du lịch lớn, việc triển khai bộ Quy tắc, thực hiện cam kết cần được xem là yêu cầu bắt buộc và coi đó là một yếu tố để xét giải thưởng Du lịch hằng năm. Để bộ Quy tắc dễ nhớ, dễ đi vào đời sống thì cần dùng hình ảnh để minh họa, nếu chỉ dùng văn bản đơn thuần sẽ rất khó đọc, khó nhớ", ông Nguyễn Tiến Đạt góp ý và đề xuất.

Cùng quan điểm trên nhưng ông Nguyễn Văn Mỹ cho rằng, bộ Quy tắc gồm 16 trang là quá dài, nội dung có nhiều chỗ chưa thật rõ. Theo ông Mỹ, đã là Quy tắc thì cần ngắn gọn, cụ thể, dễ hiểu… Điều quan trọng là phải có biện pháp, chế tài đi kèm. Anh Nguyễn Vĩnh Hà, hướng dẫn viên du lịch cũng đồng quan điểm: "Nếu chỉ dừng lại ở Quy tắc thì phụ thuộc quá nhiều vào ý thức tự giác của khách. Do đó, cần phải có chế tài rõ ràng, chi tiết thì hoạt động du lịch mới dần dần được cải thiện".

Theo các nhà quản lý du lịch, bộ Quy tắc chỉ là một trong nhiều giải pháp để điều chỉnh hành vi, thói quen, hành động, thái độ của người tham gia vào hoạt động du lịch. "Nếu chúng ta chỉ kỳ vọng vào một bộ quy tắc để thay đổi tình hình thì rất khó. Đây chỉ là một giải pháp trong các giải pháp và chỉ khi nào thực hiện đồng bộ, tăng cường vai trò quản lý nhà nước, thanh tra, kiểm tra xử lý nghiêm các vi phạm cùng với quá trình vận động, thuyết phục, tạo dư luận xã hội thì môi trường du lịch mới dần tiến bộ và đi vào nền nếp", ông Ngô Hoài Chung nhìn nhận.

Bộ Quy tắc ứng xử văn minh du lịch gồm 2 chương với 12 điều, là những quy định mang tính chuẩn mực nhằm định hướng hành vi, thái độ, thói quen, cách thức ứng xử văn minh của tổ chức và cá nhân khi tham gia hoạt động du lịch. Với du khách và người cung cấp dịch vụ, thông điệp ứng xử được bộ Quy tắc đưa ra là văn minh, tự trọng và trách nhiệm. Bộ Quy tắc cũng đưa ra 20 hành vi không nên làm đối với du khách nước ngoài tại Việt Nam như cần xếp hàng theo thứ tự, lấy đồ ăn, thức uống đủ dùng, tuân thủ biển chỉ dẫn...
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bộ Quy tắc ứng xử văn minh du lịch: Mưa dầm, thấm lâu!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.