Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần có "hành động quyết liệt"

Lâm Vũ| 12/04/2017 06:47

(HNM) - Cách đây một năm, trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam - VITM Hanoi 2016, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã phát động chiến dịch


Hiệu quả chưa như mong đợi

Trong một năm qua, cơ quan quản lý du lịch và Hiệp hội Du lịch các địa phương, doanh nghiệp, báo chí đã chủ động, tích cực vào cuộc nhằm triển khai việc nâng cao hình ảnh du khách Việt trong phạm vi cả nước. Các địa phương như Quảng Ninh, Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa, TP Hồ Chí Minh, Đồng Tháp... lần lượt cho ra đời những bộ Quy tắc ứng xử dành cho khách du lịch. Và, mới đây, vào ngày 17-3-2017, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) đã ban hành bộ Quy tắc ứng xử văn minh du lịch.

Quy tắc ứng xử tạo nên những chuyển biến tích cực cho du khách. Ảnh: Bá Hoạt



Tuy nhiên, sau một năm phát động "chiến dịch", những bất cập trong cách ứng xử của du khách Việt Nam vẫn gây nhức nhối cho cộng đồng. Nhiều khách du lịch vẫn xả rác bừa bãi nơi công cộng; chụp ảnh với tư thế phản cảm ở các khu di tích; chen lấn, xô đẩy, cướp lộc tại lễ hội… Theo ông Ngô Hoài Chung, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, nhiều người đánh giá thấp du khách Trung Quốc vì họ thường gây ồn ào, xả rác bừa bãi nhưng khách du lịch Việt cũng không thua kém. "Khi đi du lịch, mỗi du khách là một đại sứ hình ảnh của địa phương, quốc gia. Đáng tiếc là nhiều người chưa ý thức được điều này, thể hiện cách ứng xử gây phản cảm", ông Ngô Hoài Chung nói.

Nhiều doanh nghiệp cho biết, trước khi đi du lịch, du khách nước ngoài thường tìm hiểu kỹ lưỡng về văn hóa, lịch sử, luật pháp... của quốc gia nơi họ đến. Trong khi đó, nhiều du khách Việt Nam đi du lịch theo cảm tính, ngẫu hứng. Thậm chí, trước mỗi điểm đến, hướng dẫn viên đã đưa ra lời khuyên, nhắc nhở việc tuân thủ quy định song du khách phớt lờ, một số người thậm chí còn tỏ thái độ khó chịu. Ông Lưu Đức Kế (Công ty Lữ hành Hanoitourist) nhận xét: "Nhiều người vi phạm không phải vì họ không hiểu, mà vì tâm lý làm theo số đông. Ví dụ, họ thấy nhiều người vứt rác thì họ cũng xả rác theo. Thấy người khác hút thuốc lá được thì mình cũng hút dù đó là nơi không được phép...".

Chiến dịch "Nâng cao hình ảnh du khách Việt" phải trở thành cuộc vận động được thực hiện lâu dài, bền bỉ nhằm nâng cao văn hóa ứng xử của người dân nói chung cũng như khách du lịch Việt Nam nói riêng. Bên cạnh đó, phải kết hợp đồng bộ nhiều giải pháp, bao gồm cả vận động, thuyết phục, giáo dục, hành chính và quản lý nhà nước để tạo sự cộng hưởng...
Ông Ngô Hoài Chung, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam



Phải tăng cường công tác quản lý

Ông Ngô Hoài Chung cho biết, quý I-2017, Việt Nam đón hơn 3,2 triệu lượt khách quốc tế, các thị trường trọng điểm đều có sự tăng trưởng mạnh. Kết quả này tạo niềm tin là chúng ta sẽ đạt mục tiêu đón 11,5 - 12 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2017 mà Chính phủ đề ra. Để thực hiện mục tiêu tăng trưởng năm 2017, việc nâng cao hình ảnh du khách Việt Nam mang ý nghĩa quan trọng bởi hình ảnh du lịch là một dạng tài nguyên, ảnh hưởng trực tiếp tới sức hút của du lịch Việt Nam đối với khách du lịch quốc tế. Muốn vậy, các doanh nghiệp phải đi đầu trong chiến dịch nâng cao hình ảnh du khách Việt và hình ảnh du lịch Việt, vì thực hiện "chiến dịch" này chính là xây dựng thương hiệu cho doanh nghiệp. Mặt khác, cần phát huy vai trò của các cơ quan nhà nước trong quản lý, định hướng cộng đồng, doanh nghiệp xây dựng văn hóa du lịch. Các cơ quan quản lý cần coi đó là tiêu chí để cấp phép, khen thưởng đối với doanh nghiệp du lịch. "Năm 2016 là năm nâng cao chất lượng lưu trú thì năm 2017 được xác định là năm lữ hành. Chúng tôi sẽ triển khai quyết liệt chương trình này nhằm tạo ra sự chuyển biến thực sự về văn hóa du lịch", ông Ngô Hoài Chung khẳng định.

Ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Giám đốc Công ty TransViet kiến nghị: Cơ quan quản lý du lịch cần có chế tài xử phạt nghiêm khắc đối với khách và công ty du lịch vi phạm quy định hiện hành; phối hợp với các cơ quan, bộ, ngành khác như Bộ VH,TT&DL, Bộ Công an, các hãng hàng không và cơ quan quản lý điểm đến ở nước ngoài để cùng thông tin và xử lý các trường hợp vi phạm. Các công ty du lịch cần tăng cường tuyên truyền tới khách đi du lịch về bộ Quy tắc văn minh du lịch, yêu cầu hướng dẫn viên thường xuyên nhắc nhở khách trước và trong quá trình đi tour; có thể từ chối tiếp nhận những khách du lịch từng mắc lỗi nghiêm trọng khi ở nước ngoài (ăn cắp, bỏ trốn bất hợp pháp, gây gổ...). Các cơ sở đào tạo hướng dẫn viên, cán bộ điều hành, quản lý du lịch cần đưa nội dung văn hóa du lịch vào chương trình đào tạo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần có "hành động quyết liệt"

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.