Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Tour du lịch 0 đồng” - chấn chỉnh nhưng không xoá bỏ

Tuyết Minh| 13/04/2017 09:38

(HNMO) - Ông Nguyễn Văn Tuấn - Tổng Cục trưởng Tổng Cục Du lịch khẳng định, sẽ nghiêm khắc chấn chỉnh loại hình du lịch này nhưng không xoá bỏ.

Ông Nguyễn Văn Tuấn - Tổng Cục trưởng Tổng Cục Du lịch đã có buổi chia sẻ thẳng thắn với báo giới về vấn đề này và khẳng định, sẽ nghiêm khắc chấn chỉnh loại hình du lịch này nhưng không xoá bỏ.

Khách Trung Quốc chiếm thị phần lớn trong lượng khách tour giá rẻ, tour 0 đồng. Ảnh minh họa


Kinh doanh tour giá rẻ, “tour 0 đồng” có cả ưu và khuyết điểm

PV: Thưa ông, gần đầy dư luận báo chí và cộng đồng doanh nghiệp có nêu rất nhiều những biến tướng của các “tour 0 đồng”, “tour khép kín” và lo ngại không chỉ việc nhà nước bị thất thu, mà còn làm ảnh hưởng đến uy tín của du lịch Việt Nam. Với vai trò là một nhà quản lý ngành, xin ông cho biết những đánh giá về vấn đề này như thế nào?

Ông Nguyễn Văn Tuấn:
Trước tiên phải xác định rõ, tour giá rẻ hay còn gọi là “tour 0 đồng” không có nghĩa là khách không phải trả tiền sử dụng và không chi tiêu cho các dịch vụ tại điểm đến. Với tour du lịch này, chủ yếu doanh nghiệp sử dụng các đợt khuyến mại miễn phí vé của các hãng hàng không, còn lại tất cả khách đều phải trả tiền sử dụng dịch vụ khách sạn, dịch vụ ăn uống, trả phí tham quan, dịch vụ vận chuyển và các dịch vụ khác.

Đối với điểm đến, tour du lịch giá rẻ hoặc “tour 0 đồng” cũng đem lại nhiều lợi ích như: tăng lượng khách đến, tạo ra doanh thu, việc làm, khuyến khích sản xuất, thúc đẩy tiêu thụ dịch vụ và hàng hóa. Đối với các hãng hàng không, tour du lịch giá rẻ là đòn bẩy tăng khả năng thu hút khách, duy trì sự ổn định các đường bay. Bên cạnh đó, tour du lịch giá rẻ cũng làm giảm tính mùa vụ của du lịch, giúp tăng lượng khách vào mùa thấp điểm, giúp các nhà đầu tư du lịch có nguồn thu ổn định, thu hồi vốn; duy trì và đem lại doanh thu bền vững cho điểm đến. Và loại hình du lịch này rất phổ biến với các nước trong khu vực như: Thái Lan, Singapore, Indonesia, Malaysia, Hàn Quốc...

Trong bối cảnh cạnh tranh chung của khu vực và thế giới, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam từ nhiều thị trường với các chi phí tour tiết kiệm, tour giá rẻ ngày càng tăng lên như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, ASEAN, Nga, một số nước Châu Âu…

Tuy nhiên, do thời buổi kinh doanh khó khăn, các công ty lữ hành có sự cạnh tranh gay gắt và các doanh nghiệp của Việt Nam thường yếu hơn nên đã để cho các tour lữ hành Trung Quốc giành mất thị trường tour giá rẻ này. Chính vì vậy, đã xảy ra một số bất cập của “tour 0 đồng” trong thời gian vừa qua như việc có doanh nghiệp bán tất cả tour, hoặc bán hàng sản xuất tại Trung Quốc nhưng nói là hàng Việt Nam, thế nên mới có doanh nghiệp Việt Nam bị doanh nghiệp Trung Quốc “xù nợ”, nhà nước thì không thu được thuế... làm ảnh hưởng uy tín của du lịch Việt Nam.

Ông Nguyễn Văn Tuấn - Tổng Cục trưởng Tổng Cục Du lịch trả lời báo chí.


PV: Có ý kiến cho rằng, lượng khách du lịch Trung Quốc vào Việt Nam trong thời gian qua là tăng trưởng “nóng”, chiếm tỷ lệ quá lớn trong cơ cấu khách và phát triển không bền vững. Ông có ý kiến như thế nào về vấn đề này?


- Ông Nguyễn Văn Tuấn: Trên thực tế, thời gian qua lượng khách Trung Quốc đến Việt Nam có tăng, nhưng vẫn là một con số khiêm tốn so với nhiều nước trên thế giới cũng như ASEAN. Theo con số thống kê, năm 2016, khách du lịch Trung Quốc đến Việt Nam đạt 2,7 triệu, chiếm 27% tổng lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Tính trong 3 tháng đầu năm 2017, khách du lịch Trung Quốc tăng cao (64%), đạt gần 950.000 lượt, chiếm 30% tổng lượng khách du lịch quốc tế. Tuy nhiên, tỷ lệ khách du lịch Trung Quốc trong cơ cấu khách du lịch quốc tế đến Việt Nam không phải quá cao so với một số nước trong khu vực như: Hàn Quốc (8,1 triệu lượt khách Trung Quốc năm 2016, chiếm 47% tổng lượng khách), Thái Lan (8,8 triệu, 27%), Nhật Bản (6,4 triệu, 27%).

Sự bùng nổ về lượng khách Trung Quốc đến khu vực Đông Nam Á là nhờ sự phát triển của các hãng hàng không đến khu vực với tần suất chuyến bay, khả năng chuyên chở của các máy bay cỡ lớn và đặc biệt có sự xuất hiện của hàng loạt các hãng hàng không giá rẻ như: Air Asia, Vietjet Air, Trans Asia... Hiện nay 37 thành phố của ASEAN đã kết nối với 52 thành phố của Trung Quốc với gần 5.000 chuyến bay mỗi tuần. Nhiều điểm đến đã khai thác thành công tour giá rẻ đối với nhiều thị trường nhờ chính sách liên kết giữa các nhà cung ứng dịch vụ du lịch theo hướng cùng có lợi. Nhờ các chương trình đi du lịch giá rẻ người dân có cơ hội được đi du lịch trong nước và nước ngoài. Giá tour đi du lịch nhiều nước (Hàn Quốc, Nhật Bản, Châu Âu...) hiện nay đã giảm khoảng một nửa so với trước.

Cũng có những ý kiến cho rằng, khách du lịch Trung Quốc đến Việt Nam chủ yếu đi theo đường bộ. Tuy nhiên, theo Tổng cục Thống kê, khách du lịch đường bộ đến Việt Nam trong quý I chỉ tăng 7,6%, đạt 467.000 lượt (tính cả từ Trung Quốc, Lào và Campuchia), trong đó khách du lịch đi đường bộ từ Campuchia chiếm tỷ trọng cao.

Thực tế, khách du lịch Trung Quốc chủ yếu đến Việt Nam bằng đường hàng không và chọn những điểm đến nổi tiếng như: Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang, TP HCM, Phú Quốc. 3 tháng đầu năm 2017, khách du lịch Trung Quốc đi bằng đường hàng không đến Việt Nam đạt 2,6 triệu lượt, tăng 32,5% so với cùng kỳ năm trước. Khách du lịch Trung Quốc đi đường bộ chủ yếu tập trung ở một số tỉnh biên giới như Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai.

Vẫn có lợi nhuận từ tour giá rẻ, “tour 0 đồng”


PV: Có thêm nhiều tour giá rẻ, “tour 0 đồng” có đem lại lợi nhuận thực sự cho ngành du lịch Việt Nam không?

Ông Nguyễn Văn Tuấn: Mặc dù có nhiều thông tin về việc tour giá rẻ, “tour 0 đồng” gây thất thu cho nước sở tại. Ví dụ: có thông tin Thái Lan thất thu hàng tỷ đô-la vì "tour 0 đồng", tôi chưa có thông tin để so sánh, nhưng tôi nghi ngờ về con số này vì khách du lịch Trung Quốc có mức chi tiêu rất lớn.

Trung Quốc là thị trường lớn với nhiều phân khúc, có đặc điểm tiêu dùng khác nhau, trong đó nhiều khách có khả năng chi trả cao. Khách du lịch bằng đường biển, đường hàng không đến một số điểm như: Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang… thường sử dụng dịch vụ cao cấp tương đương chất lượng 4-5 sao, khách đi theo đường bộ phần lớn là dòng khách bình dân sử dụng dịch vụ từ 1-3 sao. Theo điều tra của Tổng cục Thống kê và Tổng cục Du lịch, khách Trung Quốc chi khoảng 790 USD cho một chuyến đi Việt Nam. Cũng giống như tại các điểm đến Châu Á khác, đặc điểm thị trường khách Trung Quốc thường đi theo đoàn lớn với chi phí "land tour" thấp và thường chi tiêu ngoài tour nhiều cho mua sắm hàng hóa và dịch vụ tại Việt Nam.

Tuy nhiên, do cạnh tranh gay gắt về giá tour giữa các công ty lữ hành Trung Quốc gửi khách tới Đà Nẵng và Nha Trang nên một số công ty lữ hành Trung Quốc và Việt Nam đã phải tìm kiếm nguồn thu để bù lỗ từ các dịch vụ ngoài tour. 

Hiện tượng để người Trung Quốc điều hành, “núp bóng”, trực tiếp hành nghề hướng dẫn du lịch trái phép trên lãnh thổ Việt Nam đã xảy ra. Một số doanh nghiệp lữ hành Việt Nam bị ép hạ giá tour, “bán khách” cho hướng dẫn viên, tự tổ chức và thu lợi nhuận. Một số đoàn khách du lịch Trung Quốc bị cắt giảm chương trình tour, cắt giảm dịch vụ, bị ép mua hàng tại các điểm mua sắm với giá cao, chất lượng kém.


Riêng việc bán các tour giá rẻ tại Quảng Ninh có nhiều biến tướng phức tạp. Đa số khách Trung Quốc đến Quảng Ninh theo đường bộ, được nhập cảnh qua cửa khẩu quốc tế Móng Cái.

Riêng năm 2016, đã có 727.000 lượt khách du lịch Trung Quốc lưu trú trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Tuy đây là đối tượng khách bình dân, nhưng có số lượng lớn, ổn định, phù hợp với những dịch vụ ở mức độ trung bình như khách sạn 1-2 sao. Phải khẳng định, kinh doanh tour giá rẻ vẫn đem lại lợi nhuận, đóng góp cho kinh tế địa phương. Chỉ riêng nguồn thu từ phí visa, vé tham quan vịnh Hạ Long từ khách Trung Quốc đường bộ ước khoảng 330 tỉ đồng/năm, chưa tính các chi phí lưu trú, ăn uống, vận chuyển... Doanh thu từ khách du lịch đường bộ đã đóng góp phần lớn vào doanh thu tại Quảng Ninh, khoảng 900-1.000 tỉ đồng/năm, tạo ra việc làm ổn định cho 3.000-3.500 người, góp phần nâng công suất sử dụng cơ sở lưu trú bình dân và tàu tham quan du lịch trên địa bàn tỉnh.

Như vậy, chúng ta vẫn thu được lợi nhuận từ việc kinh doanh tour giá rẻ, “tour 0 đồng” thì không việc gì phải xoá bỏ loại hình kinh doanh này, nhưng phải chấn chỉnh trong cách quản lý.

Cần chấn chỉnh hình thức kinh doanh giá rẻ và có chế tài xử phạt nghiêm

PV: Với những hiện tượng “biến tướng” của việc kinh doanh tour giá rẻ, “tour 0 đồng” thì Tổng cục Du lịch đã có biện pháp gì để xử lý triệt để hiện tượng này, không gây mất hình ảnh cho ngành du lịch Việt Nam?


Ông Nguyễn Văn Tuấn: Để chấn chỉnh hiện tượng “biến tướng” của việc kinh doanh tour giá rẻ, “tour 0 đồng”, trước mắt Tổng cục Du lịch sẽ phối hợp với Thanh tra Bộ VH,TT&DL, đề xuất với Chính phủ có những cơ chế đặc thù riêng để xử lý mạnh tay với những sai phạm, tập trung vào các địa bàn trọng điểm; đề xuất làm thí điểm tại Quảng Ninh, xử lý 15 cửa hàng “khép kín” chỉ bán hàng cho người Trung Quốc; xử phạt nghiêm, hoặc rút giấy phép kinh doanh đối với các đơn vị lữ hành bán tour hoặc kinh doanh kiểu “khép kín” chỉ bán hàng cho người Trung Quốc.

Về lâu dài, Tổng cục Du lịch sẽ phối hợp với Thanh tra Bộ VH,TT&DL đề xuất với Chính phủ hoàn thiện Luật Du lịch, đưa vào chế tài bổ sung đối với quản lý Luật Du lịch, có hình thức xử phạt bằng tiền ở mức cao. Đối với một số trường hợp sẽ áp dụng cả Luật hình sự vào xử lý nếu thấy nghiêm trọng.

Xin cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Tour du lịch 0 đồng” - chấn chỉnh nhưng không xoá bỏ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.