Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sao vẫn mãi thờ ơ...

Lâm Vũ| 28/04/2017 06:25

(HNM) - Hoạt động kinh doanh lữ hành ở nước ta đang đối mặt với hàng loạt vấn đề như tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, thủ tục làm visa chưa thông thoáng, giao thông không thuận lợi, thực phẩm thiếu an toàn...

Nỗi lo cạnh tranh không lành mạnh

Hiện nay, cả nước có hơn 1.600 doanh nghiệp được cấp giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế và hàng nghìn doanh nghiệp kinh doanh lữ hành nội địa, tạo ra áp lực cạnh tranh rất lớn. Điều đáng nói là sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các đơn vị xuất hiện từ khá lâu nhưng đến nay chưa được kiểm soát.

Hoạt động lữ hành tồn tại nhiều vấn đề chưa được xử lý triệt để, ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành Du lịch.


Điển hình nhất là mảng kinh doanh lữ hành quốc tế inbound (đón khách từ nước ngoài vào Việt Nam). Hiện nay, lượng khách từ Trung Quốc và Hàn Quốc chiếm hơn 40% tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam (năm 2016 khoảng 4,24 triệu lượt trong tổng số 10,01 triệu lượt). Song, các công ty lữ hành Việt Nam hầu như chỉ đóng vai trò làm thuê hoặc tham gia "giúp" hợp thức hóa cho hoạt động của công ty nước ngoài để thu lợi, ít rủi ro mà không tốn nhiều vốn. Trong khi đó, các doanh nghiệp kinh doanh nghiêm túc thì phải đầu tư vốn, thời gian và công sức vào việc xây dựng tour, tuyến, quảng bá, bán sản phẩm nhưng lại chịu mức độ rủi ro cao.

"Tình trạng này diễn ra từ hàng chục năm nay nhưng các cơ quan quản lý vẫn chưa thể chấn chỉnh và lập lại trật tự. Bất kỳ lý do gì thì sự cạnh tranh thiếu công bằng đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi chính đáng của các công ty lữ hành kinh doanh nghiêm túc, gây thất thu thuế, không có lợi cho hình ảnh du lịch Việt Nam", ông Lưu Đức Kế, Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist nhận định.

Mảng kinh doanh đưa du khách Việt Nam đi du lịch ở nước ngoài (outbound) cũng còn không ít bất cập. Một số công ty lữ hành không đủ năng lực, không có giấy phép kinh doanh nhưng vẫn tham gia tổ chức đưa khách Việt Nam ra nước ngoài với giá rẻ, khiến cho chất lượng dịch vụ không bảo đảm, thậm chí có công ty bỏ rơi hàng trăm khách ở nước ngoài. Kiểu kinh doanh chụp giật, phá giá, làm thuê, làm "giúp", tranh giành khách... đã gây khó khăn cho những công ty lữ hành làm ăn chân chính.

Làm gì để cải thiện môi trường kinh doanh?

Theo ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, khảo sát của các doanh nghiệp lữ hành cho thấy, một trong những lý do khiến khách du lịch "ngại" lựa chọn điểm đến Việt Nam là do thủ tục làm visa chưa thông thoáng.

Ông Lê Công Năng, Trưởng phòng Truyền thông Vietrantour cho biết, để làm thủ tục xin chấp thuận cấp thị thực tại cửa khẩu, du khách phải liên hệ với cơ quan, tổ chức, cá nhân mời, bảo lãnh tại Việt Nam để có công văn chấp thuận làm căn cứ thì mới có thể hoàn tất thủ tục cấp thị thực. Như vậy về thực chất, thủ tục cấp thị thực tại cửa khẩu chỉ là nhận thị thực tại cửa khẩu vì khách du lịch đã phải làm thủ tục từ trước khi đến Việt Nam. Quy trình này được xem là không thuận lợi, nhất là đối với khách quá cảnh.

Trong khi đó, tại khu vực Đông Nam Á, một số nước là điểm đến cạnh tranh với du lịch Việt Nam có chính sách về thị thực nhập cảnh thông thoáng hơn, như Thái Lan miễn thị thực cho công dân của 61 quốc gia và vùng lãnh thổ, con số này ở Malaysia là 155, Singapore là 158... Còn nước ta mới chỉ thực hiện chính sách miễn thị thực nhập cảnh cho công dân của 22 quốc gia.

Một trong những vấn đề nữa được các doanh nghiệp đề cập nhiều, là tình hình giao thông không thuận lợi tại Việt Nam, đặc biệt là tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Tình trạng ách tắc giao thông khiến khách thường xuyên bị ám ảnh, dù đa số các công ty du lịch đã tính toán kỹ về lịch trình di chuyển. Hơn nữa, như tại Hà Nội, việc di chuyển trong khu vực phố cổ cũng là một vướng mắc bởi xe du lịch cỡ lớn không được phép đi vào các điểm đến hấp dẫn tại đây. Để đáp ứng nhu cầu của khách, đa số công ty du lịch phải áp dụng giải pháp trung chuyển bằng xe nhỏ hơn, gây bất tiện không nhỏ đối với du khách...

An toàn thực phẩm là một nỗi lo lắng khác của công ty du lịch. Hiện các công ty lữ hành chỉ có thể tạm yên tâm khi đưa khách tới các nhà hàng, khách sạn đã có thương hiệu tại các thành phố lớn, còn với những cơ sở cung cấp dịch vụ ở vùng sâu, vùng xa, khu vực miền núi thì vấn đề an toàn thực phẩm rất khó kiểm soát. "Khi đặt ăn cho khách, chúng tôi luôn chọn nhà hàng đã được cấp giấy chứng nhận nhưng vẫn có người bị ngộ độc. Khi xảy ra sự cố hầu hết nhà hàng đều không nhận lỗi về mình và công ty du lịch lại "đơn phương" chịu trách nhiệm", ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Giám đốc Công ty Du lịch TransViet chia sẻ.

Theo đại diện các doanh nghiệp du lịch, để khắc phục những tồn tại kể trên, Nhà nước cần quan tâm và có cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư cho công tác quy hoạch phát triển du lịch; cải tạo hệ thống giao thông nối các điểm đến quan trọng với sân bay, bến cảng; cải thiện tình hình bảo đảm an toàn thực phẩm cũng như nâng cao chất lượng vận chuyển du lịch... "Có một điều không thể không thực hiện sớm, đó là nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng cho các doanh nghiệp", ông Lưu Đức Kế nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sao vẫn mãi thờ ơ...

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.