Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đỗ Đình Hồng: Khu phố cổ - hồ Hoàn Kiếm và hồ Tây là trung tâm du lịch Thủ đô

Lâm Vũ thực hiện| 05/06/2017 15:30

(HNMO) - Ông Đỗ Đình Hồng, Thành ủy viên, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội khẳng định, khu phố cổ - hồ Hoàn Kiếm và không gian quanh hồ Tây đóng vai trò quan trọng, là trung tâm du lịch của Thủ đô.

Ông Đỗ Đình Hồng, Thành ủy viên, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội.


- Xin ông cho biết quy hoạch phát triển du lịch khu phố cổ - hồ Hoàn Kiếm và không gian quanh hồ Tây trong thời gian tới?

- Quy hoạch phát triển du lịch Hà Nội đã chỉ rõ đến năm 2020, du lịch Hà Nội thực sự trở thành kinh tế mũi nhọn, có tính chuyên nghiệp, hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, có sức cạnh tranh; mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, thân thiện với môi trường, đưa Hà Nội trở thành điểm đến hấp dẫn, có đẳng cấp và xứng đáng là trung tâm du lịch lớn của cả nước và khu vực.

Để hoàn thành mục tiêu trên, trong những năm tới, ngành Du lịch Hà Nội tập trung thu hút, đa dạng hóa các nguồn lực chủ yếu theo hình thức xã hội hóa cho đầu tư phát triển sản phẩm du lịch đặc thù dựa trên nền tảng các giá trị di sản văn hóa nghìn năm văn hiến, trong đó khu phố cổ - hồ Hoàn Kiếm và hồ Tây là hai điểm đến được ưu tiên đầu tư nâng cấp sản phẩm du lịch.

- Cụ thể đối với khu phố cổ - hồ Hoàn Kiếm là gì thưa ông?

- Vốn nổi tiếng là đất Kẻ Chợ, ngàn năm văn hiến, khu phố cổ Hà Nội - hồ Hoàn Kiếm không chỉ đơn thuần là một di sản văn hóa vật thể. Cái hồn của phố cổ chính là nét văn hóa phi vật thể trong lòng mỗi người dân Hà Nội. Các hoạt động kinh tế, văn hóa, dịch vụ du lịch ở đây rất sôi động cả ban ngày và ban đêm.

Có thể nói phố cổ - hồ Hoàn Kiếm chính là trung tâm du lịch của Thủ đô, là sức hút chính kéo du khách đến với Hà Nội. Tuy nhiên, điểm đến du lịch phố cổ - hồ Hoàn Kiếm những năm qua đã phát triển nhưng còn khiêm tốn so với những tiềm năng vốn có.

Chúng tôi mong muốn tại khu vực này thời gian tới đây sẽ có những sản phẩm du lịch mới như phát triển chuỗi phố hàng, phố nghề với các cửa hàng, cửa hiệu, nhà hàng dành cho khách du lịch. Cùng với việc đang chỉnh trang lại khu vực xung quanh hồ Hoàn Kiếm, các điểm này sẽ được chỉnh trang, khuyến khích kinh doanh các sản phẩm mang tính truyền thống của Hà Nội, của Việt Nam.

Tiếp đó là khai thác di sản văn hóa vật thể, phi vật thể và các loại hình nghệ thuật; sắp xếp các tour du lịch ban ngày, ban đêm thành sản phẩm du lịch cụ thể gắn với các doanh nghiệp lữ hành, vận chuyển, cơ sở lưu trú và quảng bá giới thiệu sản phẩm hoàn chỉnh, được ngành Du lịch cấp biển hiệu đạt chuẩn phục vụ khách du lịch. Thời gian qua, Sở Du lịch đã cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch cho di tích đình Đồng Lạc tại địa chỉ 38 Hàng Đào, quận Hoàn Kiếm; Không gian Áo dài Việt, 18 Âu Cơ, Tây Hồ.

Lan Hương Fashion Show (18 Âu Cơ, Tây Hồ) được công nhận là cơ sở đạt chuẩn phục vụ khách du lịch.


Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ mở rộng những khu không gian cộng đồng với nhiều hoạt động dịch vụ mà ở đó du khách được cùng tham gia các hoạt động với người dân nhằm tạo điểm nhấn, để giữ chân du khách ở lại Thủ đô lâu hơn, trải nghiệm nhiều hơn và chi tiêu nhiều hơn.

- Còn đối với không gian hồ Tây, thưa ông?

- Đối với hồ Tây - một danh lam thắng cảnh gắn với sự tích Trâu vàng, mang đậm dấu ấn của ngàn năm xây dựng và phát triển Thủ đô mà hiếm đô thị nào trên thế giới có được, chúng tôi cố gắng tạo nên một “không gian văn hóa du lịch hồ Tây ” - điểm nhấn đặc sắc trong lòng Thủ đô, bằng việc khai thác các sản phẩm du lịch trên mặt hồ, ví như phát triển dịch vụ thuyền buồm du lịch, dịch vụ thể thao du lịch, trình diễn các loại hình nghệ thuật trên mặt nước với ánh sáng laser, pháo sáng, pháo hoa... kết hợp tuyến du lịch văn hóa tâm linh, cùng với các làng nghề cổ đã được lưu truyền trong sử sách như nghệ thuật trồng hoa cây cảnh, trồng đào Nhật Tân, quất Tứ Liên, cá cảnh Nghi Tàm, Yên Phụ, trồng sen và ướp sen Quảng Bá.

Thành phố đang chỉ đạo quy hoạch tổng thể không gian dịch vụ du lịch hồ Tây. Cụ thể, sử dụng những khu xanh, đất trống của khu vực xung quanh hồ thành điểm dừng chân cho du khách để họ có thể vui chơi, thưởng ngoạn vẻ đẹp của thiên nhiên và con người nơi đây, đặc biệt là vào các dịp cuối tuần, dịp lễ, Tết trong năm. Song song với đó là kết hợp tổ chức các hội nghị, hội thảo, sự kiện, biểu diễn các loại hình nghệ thuật đặc sắc nhằm thu hút ngày càng nhiều khách du lịch đến với hồ Tây.

Ngoài ra, thời gian tới, ngành Du lịch Hà Nội sẽ từng bước tạo dựng con đường du lịch, làng du lịch khu vực ven hồ Tây gắn với phát triển tuyến du lịch trên sông và hai bên bờ sông Hồng thành một sản phẩm đặc trưng của Du lịch Thủ đô theo đúng chỉ đạo của Thành ủy, HĐND và UBND TP Hà Nội.

-Xin trân trọng cám ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đỗ Đình Hồng: Khu phố cổ - hồ Hoàn Kiếm và hồ Tây là trung tâm du lịch Thủ đô

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.