Theo dõi Báo Hànộimới trên

Dự thảo Luật Du lịch sửa đổi: Kiến nghị cho phép đăng ký xếp hạng sao tự nguyện

Bài và ảnh: Lâm Vũ| 09/06/2017 18:16

(HNMO) - Đó là nội dung được các đại biểu kiến nghị tại tọa đàm “Luật Du lịch, động lực thúc đẩy du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn” do Hiệp hội Du lịch Việt Nam phối hợp với Báo Nhân Dân tổ chức, ngày 9-6, tại Hà Nội.


Dự thảo Luật ngắn gọn, thiết thực

Tại tọa đàm, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho biết, Dự thảo Luật Du lịch sửa đổi (Dự thảo Luật) đã được Ban Soạn thảo xây dựng, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội hoàn thiện, được sự tham gia đóng góp của Hiệp hội, các doanh nghiệp và nhiều tổ chức. Dự thảo Luật có nội dung ngắn gọn, rõ ràng lộ trình, khả thi gồm 9 Chương, 82 Điều.

Quang cảnh buổi tọa đàm "Luật Du lịch, động lực thúc đẩy du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn".


Cụ thể, về chính sách phát triển du lịch, Dự thảo Luật đã nêu rõ các lĩnh vực Nhà nước ưu tiên bố trí kinh phí (cấp ngân sách) và Nhà nước khuyến khích hỗ trợ (Điều 5). Vai trò của Hiệp hội được nâng cao với các trách nhiệm cụ thể (Điều 7). Việc bảo vệ quyền lợi của khách được làm rõ hơn (Điều 10-14). Đặc biệt, Dự thảo Luật đã làm rõ vai trò của doanh nghiệp trong việc sáng tạo, phát triển sản phẩm, chú ý đến các sản phẩm du lịch có ảnh hưởng đến tính mạng của khách du lịch (du lịch mạo hiểm), ưu tiên phát triển du lịch cộng đồng (Điều 18-19). Quy hoạch về du lịch cũng đã được cô đọng lại, phù hợp với Dự thảo Luật Quy hoạch (Điều 20-21).

Cùng với đó, nội dung về điểm du lịch, khu du lịch được biên soạn gọn lại, điều kiện, thủ tục công nhận đơn giản hơn, xác định rõ quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân quản lý khu, điểm du lịch (Điều 27-28). Về đô thị du lịch đưa ra 2 phương án, quy định về đô thị du lịch và không quy định về đô thị du lịch. Về kinh doanh du lịch cũng có nhiều bổ sung, thay đổi.

Dự thảo Luật lần này đã bỏ quy định về lập Văn phòng Xúc tiến du lịch ở nước ngoài; tăng vai trò của tổ chức xã hội nghề nghiệp và doanh nghiệp (kể cả thành lập văn phòng xúc tiến ở nước ngoài). Nội dung Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch đã làm rõ hơn mục đích thành lập Quỹ, xác định xúc tiến là nhiệm vụ chính của Quỹ; quy định nguồn hình thành Quỹ là từ 3 nguồn (Nhà nước cấp, đóng góp tự nguyện, các nguồn hợp pháp khác).

Một nội dung khác được thay đổi trong Dự thảo Luật là quản lý nhà nước. Trong đó, quy định chức năng quản lý nhà nước về du lịch của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các bộ liên quan; quy định chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về du lịch của UBND cấp tỉnh.

Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam.


Đánh giá về Dự thảo Luật, ông Vũ Thế Bình nhận định: Dự thảo vẫn giữ được các nội dung cơ bản của Luật Du lịch 2005, đồng thời cập nhật, bổ sung một số nội dung mới, phù hợp với điều kiện đất nước hiện nay. Nội dung Dự thảo Luật đã bao quát toàn bộ các hoạt động của ngành, tiếp thu được tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị trong Nghị quyết 08-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Khi triển khai, Luật sẽ góp phần thúc đẩy du lịch phát triển nhanh, thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.

"Nóng" vấn đề xếp hạng sao khách sạn

Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận và đưa ra nhiều ý kiến về nội dung liên quan đến xếp hạng cơ sở lưu trú cho các doanh nghiệp tình nguyện đăng ký xếp hạng hay bắt buộc phải đăng ký xếp hạng sau 6 tháng bắt đầu hoạt động. Trong đó, đa phần các ý kiến đều cho rằng không nên bắt buộc các doanh nghiệp lưu trú đăng ký xếp hạng sao. Bởi lẽ, Dự thảo Luật đã có quy định tiêu chuẩn tối thiểu để cơ sở lưu trú được đón khách du lịch.

Ông Đinh Mạnh Thắng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế cho rằng, Dự thảo Luật không nên bắt buộc đăng ký xếp hạng sao. Bởi lẽ, khách hàng mới chính là người quyết định khách sạn đó ở hạng sao nào chứ không phải chủ khách sạn hay Nhà nước. Điều quan trọng nhất là cơ sở lưu trú làm thế nào để thu hút du khách và đảm bảo phục vụ du khách một cách tốt nhất so với số tiền bỏ ra. Chẳng hạn, có những khách sạn chỉ muốn đăng ký hạng 4 sao dù cơ sở vật chất đạt chuẩn của khách sạn 5 sao để du khách được thụ hưởng nhiều hơn. "Đó là chiến lược kinh doanh của khách sạn và nguyện vọng của từng chủ đầu tư cần được tôn trọng. Nếu thấy có lợi thì chủ đầu tư đăng ký hạng sao, không thì thôi. Minh chứng là ở Thụy Sỹ, cái nôi đào tạo ngành khách sạn, những khách sạn 0 sao của họ luôn đạt 80% công suất hoạt động trở lên", ông Đinh Mạnh Thắng cho biết.

Ông Nguyễn Hồng Đài, Tổng Giám đốc Công ty APT Travel thì cho rằng: "Cần ghi rõ trong Luật, khi không đăng ký xếp hạng thì không được tự ý phong sao để tránh việc cơ sở lưu trú có thể lợi dụng để quảng cáo sai sự thật hoặc lừa khách hàng vì du khách có thể chưa biết về khách sạn này".

Ông Nguyễn Hồng Đài, Tổng Giám đốc APT Travel phát biểu tại tọa đàm.


Còn theo ông Hoàng Văn Tuyên, Hiệp hội Du lịch Lào Cai, đăng ký xếp hạng sao là để bảo vệ quyền lợi của du khách, do đó, Dự thảo Luật cần bắt buộc doanh nghiệp đăng ký xếp hạng sao.

Ngoài ra, các đại biểu cũng bàn luận về các nội dung liên quan đến quy định cả 3 loại hình lữ hành: Nội địa, inbound, outbound đều phải có giấy phép; điều kiện cấp giấy phép là bỏ yêu cầu mọi doanh nghiệp phải có 3 hướng dẫn viên, thay giấy xác nhận kinh nghiệm công tác của người phụ trách lữ hành bằng giấy chứng nhận nghiệp vụ lữ hành. Ngoài ra, các đại biểu cũng quan tâm đến vấn đề Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch. "Việt Nam cần triển khai sớm Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch, trong đó cần làm rõ hơn mục đích thành lập Quỹ, xác định xúc tiến là nhiệm vụ chính của Quỹ", ông Nguyễn Hồng Đài cho biết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dự thảo Luật Du lịch sửa đổi: Kiến nghị cho phép đăng ký xếp hạng sao tự nguyện

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.