Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mục tiêu đột phá cho ngành Du lịch

Hà Phong| 19/06/2017 06:41

(HNM) - Trả lời trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn của kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện đã nêu mục tiêu phấn đấu có lượng khách du lịch quốc tế đến nước ta bằng với Singapore trong 2 năm tới và sẽ bằng Thái Lan trong 15 năm tới...

Khách du lịch nước ngoài tham quan Làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây, Hà Nội). Ảnh: Bá Hoạt


Du lịch thiếu nét độc đáo

Tại phiên chất vấn tại kỳ họp Quốc hội trước, trả lời câu hỏi: "Đến bao giờ du lịch Việt Nam được như nước bạn?". Nguyên Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh đã nói: “Với câu hỏi này, tôi xin phép không dám trả lời, xin để Bộ trưởng nhiệm kỳ sau”. Tại phiên chất vấn diễn ra tuần qua, câu hỏi này tiếp tục được đại biểu Đỗ Thị Lan (Đoàn Quảng Ninh) và một số đại biểu khác nêu ra với Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện. Không ít ý kiến nhận định, đầu tư vào sân bay, đường cao tốc, vào văn hóa hay làm thị thực điện tử cũng là phục vụ du lịch.

Tuy nhiên, lượng khách quốc tế đến Việt Nam vẫn còn ở khoảng cách khá xa so với các nước trong khu vực. Năm 2016, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt 10 triệu lượt trong khi Thái Lan là 32 triệu lượt, Malaysia là 26 triệu, Singapore khoảng 16 triệu, Indonesia 12 triệu. Vì vậy, để đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2020 như mục tiêu Chính phủ đề ra là không đơn giản.

Theo đại biểu Huỳnh Sang (Đoàn Bình Phước), điểm cốt lõi làm nên đẳng cấp, thương hiệu của điểm đến, khu du lịch, đó là sự độc đáo, kết nối và khả năng huy động cộng đồng cùng làm du lịch. Nhưng thời gian qua, với mục tiêu phát triển nhanh về du lịch, chúng ta đã khai thác tối đa giá trị kinh tế di sản văn hóa khiến nhiều điểm tham quan di tích quá tải. Hầu hết các di sản bị ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, lại chưa có nét độc đáo riêng.

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Đoàn Ninh Thuận) phản ánh, vẫn còn những lễ hội phản cảm, không phù hợp với phong tục tập quán, văn hóa Việt Nam (chém lợn, đâm trâu, cướp lộc...) và vấn đề mất an ninh trật tự. Ông Huỳnh Sang đề nghị ngành Du lịch khắc phục tình trạng có nhiều sản phẩm du lịch nhưng chưa đạt độ "tinh", chủ yếu do công tác tổ chức điều hành, phân cấp còn chồng chéo và chính sách đầu tư chưa thỏa đáng.

Các ý kiến phát biểu sau đó còn cho rằng, ngành Du lịch phải kết nối thực sự thì sẽ khắc phục được một số điểm na ná nhau. Về "tour 0 đồng" là tên gọi của một mô hình kinh doanh du lịch mới được du nhập gần đây vào Việt Nam, có ý kiến cử tri cho rằng đang tiềm ẩn nguy cơ cạnh tranh không lành mạnh, khiến du lịch Việt Nam phát triển méo mó, mất uy tín, cần phải siết chặt quản lý.

Sẽ phát triển du lịch bền vững

Theo Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện, nước ta có nhiều điểm du lịch nổi tiếng với 3.329 di tích đã được xếp hạng quốc gia, tổng số di sản phi vật thể là 202, di sản được UNESCO vinh danh là 25 di sản, thiên nhiên, bãi biển đẹp, an ninh tốt; nhưng lượng khách quốc tế đến Việt Nam chỉ mới bằng 1/3 Thái Lan. Năm 2016 - 2017, có một tín hiệu rất mừng là tốc độ tăng trưởng ngành Du lịch tăng khoảng gần 30% (năm 2016 là 27% và những tháng đầu năm 2017 là 30%). Bộ Chính trị cũng đã ban hành nghị quyết về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Dự án Luật Du lịch (sửa đổi) được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các cơ quan chức năng xây dựng, sau nhiều lần chỉnh sửa tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội và cử tri dự kiến được Quốc hội thông qua cuối kỳ họp này sẽ tạo điều kiện triển khai các hoạt động du lịch một cách mạnh mẽ và hiệu quả hơn. Vì thế, khả năng tốc độ tăng trưởng ngành Du lịch trong những năm tới sẽ khá cao. Trên cơ sở tính toán của Bộ trưởng, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam sẽ “đuổi kịp” Singapore trong 2 năm tới và sẽ bằng Thái Lan trong 15 năm tới.

Về vấn đề "tour 0 đồng", Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho rằng, trong Luật Du lịch đã nêu cụ thể nội dung này và các giải pháp khắc phục đưa ra gồm đẩy mạnh kiểm tra, thanh tra công tác lữ hành, hướng dẫn viên, điểm đến, kiểm tra các cơ sở dịch vụ mà các công ty lữ hành có thể lấy nguồn bù đắp lại chi phí cho "tour 0 đồng" nhằm hạn chế tối đa những bất cập.

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cũng nhận định, dù du lịch Việt đang được tạo điều kiện để phát triển nhanh, mạnh, nhưng một trong những vấn đề lớn nhất ngành gặp phải là thiếu nguồn nhân lực, đặc biệt nhân lực chất lượng cao. Thời gian qua có những bãi biển chỉ thấy toàn người. Vào các ngày nghỉ lễ, nhiều khu du lịch quá tải. Làm thế nào để du khách cảm thấy thoải mái và có dịch vụ tốt hơn, từ đó phát triển du lịch theo chiều sâu, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tiếp tục nghiên cứu. Bước đầu, song song với việc tăng cường giám sát, phát triển du lịch liên kết vùng, bền vững, Bộ sẽ tập trung đẩy mạnh đầu tư, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực về ngoại ngữ, thái độ phục vụ... nhằm đem lại cho du khách cảm giác ấm áp, được chăm sóc thực sự.

Hôm nay 19-6, kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XIV bắt đầu bước vào tuần làm việc cuối cùng. Trong tuần này, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua một loạt văn kiện quan trọng như: Nghị quyết về việc tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án thành phần để triển khai dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành; Nghị quyết về việc thi hành Bộ luật Hình sự; Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng; Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn; Nghị quyết về việc thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2018; Nghị quyết về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2015... 

Quốc hội cũng sẽ biểu quyết thông qua Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi); Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi); Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi); Luật Thủy lợi; Luật Du lịch (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13; Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi).

Phiên bế mạc kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XIV dự kiến diễn ra sáng 21-6. 
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mục tiêu đột phá cho ngành Du lịch

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.