Theo dõi Báo Hànộimới trên

"Kim chi" - Xứ sở của truyền thống và hiện đại

Lâm Vũ| 28/06/2017 17:37

(HNMO) - Chỉ cần ngắm nhìn thành phố với những hàng cây phong, cây ngân hạnh xanh mướt xen lẫn những tòa cao ốc và những cung điện uy nghi trầm mặc, du khách cũng thấy được vẻ đẹp của một Hàn Quốc vừa truyền thống, vừa hiện đại.

Vẹn nguyên nét truyền thống

Hàn Quốc rất quý trọng lịch sử. Khắp đất nước, ở đâu, người dân và du khách cũng có thể "chạm tay" vào lịch sử. Chẳng hạn, ngay giữa lòng Seoul, một trong những thành phố năng động và nhộn nhịp nhất thế giới là làng truyền thống Hanok Bukchon (quận Jongno, Seoul).

"Làng Hanok quy tụ 900 ngôi nhà gỗ truyền thống trên diện tích khoảng 113ha, vốn là nơi sinh sống của các gia đình quý tộc triều đại Joseon. Hanok được coi là bảo tàng sống, bởi thiết kế và cấu trúc của nó thể hiện lịch sử kiến trúc và xã hội Hàn Quốc xưa. Kiến trúc của hanok điển hình là nhà có cột gỗ, tường trát bùn, hiên nhà, sàn nhà lát gỗ, một mảnh sân hoặc vườn nhỏ", chị Yumi, một hướng dẫn viên cho biết.

Dù nhà hanok đã được tu sửa bên trong theo phong cách Tây Âu để dành cho người giàu Thủ đô Seoul, du khách vẫn có thể cảm nhận hơi thở cuộc sống bình dị của người dân Hàn Quốc thời xưa qua những ngõ phố dọc ngang và những ngôi nhà mái ngói màu tro lô xô với khoảnh vườn nhỏ xinh, chiếc vại sành muối kim chi dưới hiên nhà...

Lễ đổi gác thu hút rất đông khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan.


Nói về một Hàn Quốc truyền thống, không thể không nhắc đến quần thể kiến trúc hoàng cung bao gồm 5 cung: Gyeongbok, Changdeok, Changgyeong, Deoksu và Gyeonghui, cũng tọa lạc ngay tại Seoul. Khu quần thể kiến trúc này không chỉ phán ánh đời sống văn hóa đa diện của người dân xứ Hàn, mà còn là biểu tượng kết tinh của kiến trúc cung điện phương Đông.

Điểm đặc biệt nhất trong quần thể này là Gyeongbok (cung Cảnh Phúc), nơi ở của vương triều Triều Tiên (Joseon). Cung Cảnh Phúc nằm ở phía Bắc Seoul, được xây dựng lần đầu vào năm 1394 và xây dựng lại vào năm 1867. Đây là cung điện lớn nhất trong 5 cung, thể hiện quyền lực tối cao của đất nước. Sau khi bị phá hủy nặng nề bởi chiến tranh và các biến cố chính trị, cung điện đã dần được khôi phục lại như ban đầu.

Theo đánh giá của các chuyên gia, cung điện này chứa đựng những đặc trưng trong lối kiến trúc cung điện phương Đông: có quy mô to lớn, khí thế hùng vĩ nhằm củng cố sự thống trị, uy nghiêm hoàng quyền.

Ngày nay, cung Cảnh Phúc thu hút rất đông khách du lịch do hằng ngày tại đây diễn ra lễ đổi gác. Trong tiếng trống oai hùng, từ cổng nam Quảng Hoa Môn (Gwanghwamun), một đội ngự lâm chân mang ghệt quấn vải gai, mặc áo trùng thắt đai vải, đội mũ rộng vành, đeo kiếm, giương cao cờ lệnh nghiêm trang tiến vào cung điện. Người tướng quân oai phong làm nghi thức đổi gác, trao lệnh bài cho vị tướng chỉ huy đội ngự lâm khác.

Đến tham quan lễ đổi gác, du khách có thể mặc trang phục truyền thống của Hàn Quốc và chụp ảnh cùng các quan triều đình và đội ngự lâm quân.

Hiện đại và năng động

Bên cạnh một Hàn Quốc truyền thống là một Hàn Quốc hiện đại. Chẳng hạn, tại Busan, thành phố cảng lớn thứ 3 thế giới, chính phủ Hàn Quốc đã cho xây dựng Trung tâm Triển lãm và Hội nghị BEXCO với diện tích 53.471m2 để tổ chức những sự kiện kinh tế, chính trị lớn và mang tầm quốc tế.

Đảo Jeju cũng có Trung tâm Hội nghị quốc tế ICC và tại Seoul là Trung tâm Hội nghị và Triển lãm COEX xếp hạng lớn thứ 10 thế giới.

Hàn Quốc cũng có những nhãn hiệu "Made in Korea" đầy cạnh tranh trên thị trường toàn cầu như Samsung Electronics, LG Electronics, Hyundai-Kia Motors, POSCO...

Bên cạnh những chính sách kinh tế để hòa nhập với thế giới, Hàn Quốc ban hành nhiều chính sách cho người nước ngoài hướng tới cuộc sống đa sắc màu. Cùng với đó là những quy hoạch không gian sống, đúng như sự năng động "Dynamic Korea" là hình ảnh mà đất nước này đã và đang xây dựng.

Ở xứ sở kim chi, du khách có thể tìm thấy văn hóa Ấn Độ, ẩm thực Ấn Độ ở những khu phố đi bộ tại Itaewon, văn hóa Nhật, ẩm thực Nhật tại Myongdong, văn hóa, ẩm thực Trung Hoa tại Wolmido và văn hóa, ẩm thực Việt Nam ở Ansan, tỉnh Kyongkido. Ở những khu ẩm thực này, 3-4h sáng vẫn tấp nập giới trẻ.

Lễ hội bùn Boryeong- lễ hội độc đáo chỉ có duy nhất ở Hàn Quốc.


Khi được hỏi về tổng doanh thu du lịch năm 2016 của Hàn Quốc, anh Oh Jung Chul, Phó phòng marketing, Cơ quan Du lịch tỉnh Gyeonggi mỉm cười: "Tôi cũng không biết là bao nhiêu vì du lịch của Hàn Quốc phát triển dựa trên nền tảng các ngành kinh tế mạnh và ngược lại".

Câu trả lời tưởng như ít thông tin ấy lại hoàn toàn đúng, bởi ở các thành phố lớn, tất cả dãy phố đều là khu vực kinh doanh, phục vụ khách du lịch. Trên các đường phố lớn của Seoul có những dãy phố bán đồ thiết kế, trong đó mỗi cửa hàng được bày biện như một show diễn thời trang với đủ màu sắc, kiểu dáng khiến những người khó tính nhất cũng phải xiêu lòng.

Bên cạnh đó là những khu trung tâm thương mại cao cấp, điển hình là Paju Premium Outlets. Khu trung tâm này có 3 tầng, 165 cửa hàng với số lượng nhãn hàng lớn nhất tại Hàn Quốc.

Mỹ phẩm cũng là một thế mạnh của Hàn Quốc. Tập đoàn mỹ phẩm lớn nhất đất nước này là Amore Pacific thành lập năm 1945, cũng là tập đoàn tiên phong theo hướng kinh doanh "door to door sales" (tư vấn và bán hàng tận nơi). Trung bình, cứ 3 giây Amore Pacific bán được 1.000 tỷ won tiền mỹ phẩm.

Du khách tham quan Amaranth Cosmetics - một thương hiệu mỹ phẩm cao cấp của Hàn Quốc.


Ngoài ra, những khu vui chơi giải trí, đặc biệt là các công viên chủ đề thu hút nhiều du khách. Lotte World ở Seoul là một trong những công viên giải trí trong nhà lớn nhất thế giới và Công viên giải trí Everland, tỉnh Gyeonggi, được xếp vị trí thứ 8 trong danh sách 10 công viên giải trí thu hút đông khách du lịch đến tham quan nhất thế giới. Hay khu Onemount ở Ilsan, tỉnh Gyeonggi là trung tâm đa văn hóa có tổng diện tích lên tới 161.600 m2...

Những năm gần đây, ngành du lịch của thế giới gặp nhiều khó khăn nhưng Hàn Quốc vẫn thu hút lượng lớn khách quốc tế, trong đó có khách Việt Nam. Có được điều này có lẽ là bởi du khách tìm thấy ở Hàn Quốc sự hòa hợp của truyền thống và hiện đại.

Nếu 30 năm trước, do bị tàn phá nặng nề sau thời kỳ bị Nhật xâm chiếm và nội chiến, GDP của Hàn Quốc chỉ đứng ngang với các nước nghèo ở Châu Phi thì đến nay, GDP của nước này xếp thứ 11 thế giới, thu nhập bình quân đầu người khoảng 20.000 USD.

Để có được ngày nay, từ năm 1962, Hàn Quốc bắt đầu lập kế hoạch tái thiết đất nước và tất cả người dân Hàn Quốc đều làm việc miệt mài, chăm chỉ.

Thập niên 1960, Hàn Quốc phải vay vốn nước ngoài (chủ yếu là ODA và vay thương mại) để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và các dự án phát triển công nghiệp. Đầu những năm 1980, Hàn Quốc là một trong 5 nước vay nợ nhiều nhất thế giới. Năm 1986, Hàn Quốc chuyển từ nước nhập siêu sang xuất siêu tư bản. Năm 1996, Hàn Quốc đã trở thành thành viên Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế OCED .

Như vậy, từ một nước thuộc diện nghèo của thế giới đến khi trở thành một nước tư bản phát triển, Hàn Quốc mất 35 năm.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
"Kim chi" - Xứ sở của truyền thống và hiện đại

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.