Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tổn thất của "thiên đường du lịch" Bali

Minh Hiếu| 03/12/2017 07:46

(HNM) - Việc núi lửa Agung hoạt động trở lại và có nguy cơ gây ra vụ phun trào mạnh nhất trong vòng 5 thập kỷ qua không chỉ ảnh hưởng tới cuộc sống của dân địa phương mà còn tác động tiêu cực tới ngành Du lịch vốn được coi là mũi nhọn của đảo Bali nói riêng và Indonesia nói chung.

Lượng khách tới Bali - nơi được chuyên trang du lịch TripAdvisor xếp hạng là điểm đến tốt nhất thế giới năm 2017 - đã giảm đáng kể sau cảnh báo nguy cơ núi lửa Agung hoạt động kể từ tháng 9. Do lo sợ vụ phun trào có thể xảy ra bất cứ lúc nào, hơn 100.000 cư dân sống tại các khu vực lân cận đã phải di tản. Đến rạng sáng 27-11, những cột khói lớn dày đặc ước tính cao tới 3.400m và nhiều đợt gió mạnh cuốn theo tro bụi đã buộc các cơ quan chức năng phải hủy hàng trăm chuyến bay và đóng cửa Sân bay quốc tế Bali. Khoảng 59.000 hành khách bị mắc kẹt trên đảo Bali và nhà chức trách đã phải ban hành mức cảnh báo cao nhất là mức độ 4. Tình trạng khẩn cấp được kéo dài tới ngày 10-12.

Theo dự báo được công bố năm 2015 của Hội đồng Du lịch Thế giới, du lịch sẽ chiếm 3,2% tổng thu của nền kinh tế Indonesia vào năm 2025, trong đó phần lớn du khách chọn điểm đến là đảo Bali. Trong 9 tháng năm 2017, Bali thu hút 4,5 triệu lượt khách. Đảo Bali chiếm hơn một nửa số du khách nước ngoài đến Indonesia, được đánh giá là một trong những điểm đến lý tưởng nhất tại Châu Á cho các du khách ưa thích lướt sóng, dạo biển, du lịch sinh thái... Dù vậy, trong 3 tháng qua, việc núi lửa Agung hoạt động trở lại khiến một phần đảo Bali trở nên vắng vẻ. Các sự kiện lớn như Lễ hội âm nhạc Badung, Liên hoan văn hóa Ubud diễn ra vào tháng 10 có tỷ lệ người tham gia ít hơn nhiều so với dự kiến...

Ủy ban Du lịch Bali đã thành lập một trung tâm giải quyết khủng hoảng để đối phó với ảnh hưởng từ thảm họa này. Thống đốc Bali Made Pastika bày tỏ lo lắng về ảnh hưởng lâu dài của tro bụi núi lửa đối với cuộc sống của người dân và ngành du lịch của hòn đảo này. Ngoài ra, chính quyền địa phương đang đau đầu trong việc xử lý các dòng bùn đá bắt nguồn từ sườn núi lửa, cuốn theo tro bụi độc hại xuống chân núi.

Các hãng hàng không quốc tế đang phải vật lộn để giảm thiểu thiệt hại khi các chuyến bay bị trì hoãn và nhiều hành khách đồng loạt hủy vé tới Bali. Mỗi ngày đóng cửa Sân bay quốc tế Bali khiến nền kinh tế địa phương tổn thất ít nhất 18 triệu USD. Chính quyền địa phương ước tính có khoảng 15.000 du khách hủy kế hoạch đi nghỉ ở Bali vì lo ngại núi lửa phun trào. Trong đó, Hãng hàng không Garuda của Indonesia được cho là chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất, thiệt hại khoảng 300.000 USD mỗi ngày. Giá cổ phiếu của Garuda đã giảm 1,8% trong phiên giao dịch ngày 28-11. Sự gián đoạn hiện nay cũng khiến hãng hàng không giá rẻ AirAsia thiệt hại 250.000 USD mỗi ngày.

Tổng thống Joko Widodo đặt kỳ vọng đến cuối năm 2017, ngành công nghiệp du lịch sẽ đóng góp 8% vào GDP của Indonesia, cao hơn mức 4% của năm 2016. Tuy vậy, ảnh hưởng từ vụ phun trào núi lửa Agung chắc chắn sẽ gây trở ngại không nhỏ cho mục tiêu này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tổn thất của "thiên đường du lịch" Bali

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.