Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tái cơ cấu ngành Du lịch: Sáu vấn đề cần làm ngay

An Nhi| 29/12/2017 07:23

(HNM) - Ngành Du lịch Việt Nam đã có bước khởi đầu trong năm 2017 hướng đến mục tiêu phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước với những kết quả chưa từng có.

Khách du lịch tham quan Hà Nội. Ảnh: Thái Hiền


Nguồn lực đầu tư yếu

Những ngày cuối năm 2017, ngành Du lịch chờ đợi số liệu tổng hợp, hướng đến việc hoàn thành mục tiêu đón 13 triệu lượt khách quốc tế. Dự kiến, tổng thu từ khách du lịch trong năm 2017 đạt 515.000 tỷ đồng, tăng 28,75% so với năm 2016. Tuy nhiên, theo Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn, những thành tựu này còn chưa tương xứng với tiềm năng, thua kém nhiều quốc gia trong khu vực; sự chuyển biến tích cực thực sự chỉ có ở một vài địa phương, một vài bộ phận. Vì thế, muốn duy trì đà tăng trưởng, ngành Du lịch cần cơ cấu lại một cách đồng bộ, mạch lạc từ trung ương đến các địa phương. Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng “Cần "thay áo mới" cho ngành Du lịch để phù hợp với tình hình mới”.

Nghị quyết số 08-NQ/TƯ của Bộ Chính trị ngày 16-1-2017 về Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đã nhắc đến yêu cầu cấp thiết của việc cơ cấu lại ngành Du lịch, trong đó nêu rõ: “Cơ cấu lại ngành Du lịch bảo đảm tính chuyên nghiệp, hiện đại và phát triển bền vững theo quy luật của kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế”. Cụ thể, ông Nguyễn Văn Tuấn cho rằng, có 6 vấn đề trong ngành Du lịch hiện nay còn bất cập, thiếu cân đối, cần được tập trung điều chỉnh, cơ cấu lại sớm. Đó là nguồn lực, vốn đầu tư; sản phẩm; thị trường; doanh nghiệp; nguồn nhân lực; tổ chức, quản lý ngành Du lịch.

Có thể thấy hiện nay, nguồn lực đầu tư cho ngành Du lịch chưa cao, lại chủ yếu đầu tư vào cơ sở hạ tầng, những mặt khác như phát triển sản phẩm, xúc tiến quảng bá, đào tạo chưa tương xứng. Về hệ thống sản phẩm du lịch, theo ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Vietravel: “Ở ta thường chỉ có sản phẩm du lịch phục vụ khách từ 7h đến 17h, còn từ 18h đến 2h sáng khá ít trong khi khách du lịch rất muốn tận dụng thời gian để trải nghiệm. Sản phẩm chưa đa dạng, còn trùng lặp giữa các địa phương khiến du khách không có nhiều lựa chọn, không lưu lại lâu”.

Thị trường khách du lịch của Việt Nam hiện nay có đến 2/3 là khách Châu Á. Trong đó, khách Trung Quốc chiếm 27%, khách Hàn Quốc chiếm 15,5%. Các thị trường Châu Âu, Châu Mỹ, Châu Úc chiếm thị phần ngày một khiêm tốn. “Liệu chúng ta không thu hút được khách hay thị trường này chưa tiềm năng?”, ông Nguyễn Quốc Kỳ đặt câu hỏi.

Cơ cấu doanh nghiệp cũng có sự thiếu cân đối khi các doanh nghiệp lữ hành chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Số cơ sở lưu trú xếp hạng 3-5 sao chỉ chiếm 2,8% tổng số cơ sở lưu trú (22% trong tổng số phòng). Nguồn nhân lực du lịch cũng có sự bất hợp lý trong cơ cấu theo chuyên môn, lĩnh vực, địa bàn. Việc tổ chức, quản lý ngành Du lịch lâu nay thiếu đồng bộ, thiếu mô hình, phương pháp khoa học nên hiệu quả thấp…

Gỡ “nút thắt”, tạo đột phá

TS Lương Hoài Nam, Phó Tổng Giám đốc Vietstar Airlines cho rằng, muốn tái cơ cấu ngành Du lịch Việt Nam thành công thì phải làm đồng bộ trên tất cả các nội dung, từ trung ương đến địa phương. Những “nút thắt” của ngành, nếu được “gỡ” sớm sẽ tạo đột phá mạnh mẽ. “Nút thắt” đầu tiên là sản phẩm du lịch. Ngoài hướng phát triển các sản phẩm chủ đạo có lợi thế cạnh tranh được xác định là chiến lược như du lịch biển, du lịch văn hóa, du lịch sinh thái thì mảng du lịch lịch sử chiến tranh, hoạt động ngoài trời, du lịch thể thao, du lịch mua sắm, du lịch chăm sóc sức khỏe, du lịch vui chơi giải trí ở công viên, du lịch golf… nên được mở rộng, phát triển sản phẩm đa dạng. Một “nút thắt” nữa là chính sách visa. Hiện nay, nước ta mới chỉ miễn visa du lịch cho công dân 23 nước, ít hơn nhiều so với Thái Lan (61 nước), Malaysia (155), Singapore (157). Các hình thức cấp visa qua mạng, cấp visa ở cửa khẩu còn “nhiêu khê”, gây khó chịu cho khách, đang là rào cản đối với khách quốc tế đến Việt Nam.

Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam lý giải: “Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp mang tính liên ngành. Chính sách miễn hay đơn giản hóa thủ tục cấp visa du lịch không thuộc thẩm quyền của cơ quan quản lý du lịch. Nên chăng, chúng ta thành lập Hội đồng quản lý du lịch do Chính phủ điều hành, quyết định mọi vấn đề liên quan đến phát triển du lịch và các bộ, ngành, địa phương liên quan phải tuân thủ. Như vậy, không chỉ vấn đề xuất nhập cảnh mà nhiều nội dung khác trong phát triển du lịch cũng được cơ cấu, sắp xếp có chiến lược, có tầm nhìn hơn”.

Một vấn đề nữa cần được triển khai sớm, theo ông Vũ Thế Bình, đó là cơ cấu lại doanh nghiệp du lịch. Hiện tại, nước ta có khoảng 30.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch nhưng thiếu trật tự, liên kết kém, “mạnh ai nấy làm”. “Doanh nghiệp chính là sức sống của ngành kinh tế. Du lịch cũng vậy, cần cơ cấu lại để vận hành như một cái cây, có thân vững vàng, có cành lớn, cành bé, phân nhánh rõ ràng. Như vậy, doanh nghiệp lớn sẽ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ, việc phân công nhiệm vụ để tạo ra chuỗi giá trị du lịch rõ tính chuyên nghiệp hơn, việc phân bổ nguồn lực cũng trở nên dễ dàng, đúng hướng”, ông Vũ Thế Bình nêu ý kiến.

Theo Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục Du lịch đang lấy ý kiến các chuyên gia, doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước về du lịch để xây dựng đề án về tái cơ cấu ngành Du lịch. Dự kiến, đề án sẽ được trình Chính phủ phê duyệt trong nửa đầu năm 2018.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tái cơ cấu ngành Du lịch: Sáu vấn đề cần làm ngay

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.