Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vì sao Đường sách ở TP Hồ Chí Minh hấp dẫn?

Tuệ Diễm| 19/01/2018 06:44

(HNM) - Đường sách TP Hồ Chí Minh sau 2 năm đi vào hoạt động đạt doanh thu gần 67 tỷ đồng. Đặc biệt, doanh thu năm 2017 đạt gần 50 tỷ đồng, tăng gấp hơn 2 lần năm 2016.


Chỉ sau 2 năm từ ngày khai trương (tháng 1-2016), Đường sách TP Hồ Chí Minh tại phố Nguyễn Văn Bình (phường Bến Nghé, quận 1) được bầu chọn là điểm đến hấp dẫn của thành phố. Năm 2017, Đường sách đạt hơn 1 triệu lượt khách tham quan, doanh thu đạt gần 50 tỷ đồng, tăng gấp hơn 2 lần năm 2016. Gần hai năm qua, cùng với phố đi bộ Nguyễn Huệ, Đường sách đã và đang góp phần làm cho diện mạo TP Hồ Chí Minh ngày càng đẹp hơn. Các gian hàng sách đầu tư hiện đại, khung cảnh đơn giản nhưng đẹp và hút mắt nhờ sự kết hợp hài hòa giữa những gian hàng sách núp bóng dưới các hàng cây, tạo ra cảm giác thanh bình, yên ả giữa trung tâm thành phố sôi động.

Bà Quách Thu Nguyệt - Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sách TP Hồ Chí Minh cho biết, mật độ các hoạt động, sự kiện liên quan đến sách được tổ chức tại Đường sách khá dày đặc như: 267 sự kiện ra mắt, giới thiệu sách mới, giao lưu các tác giả, tác phẩm; 28 hoạt động chuyên đề gắn với các ngày kỷ niệm lớn trong năm của đất nước và thành phố; 31 cuộc trưng bày, triển lãm sách, ảnh, tranh, phong phú về chủ đề, đa dạng về màu sắc.

Tuy nhiên, trước đó chặng đường xây dựng Đường sách cũng gặp nhiều khó khăn. Khi chuẩn bị thành lập, do tiêu chí về chi phí đầu tư ban đầu khá cao (500 triệu đồng/gian hàng), nhiều đơn vị khó khăn đã rút thầu. Từ dự kiến có 20 đơn vị tham gia, phút cuối chỉ còn 14 đơn vị, với 19 gian hàng. Trong đó, người tâm huyết là ông Nguyễn Minh Nhựt - Giám đốc Nhà Xuất bản Trẻ, đã dũng cảm nhận đầu tư 3 gian hàng với 1,5 tỷ đồng.

“Việc tham gia Đường sách là tình cảm và trách nhiệm với thành phố, không đơn thuần là chuyện kinh doanh. Chúng tôi đã chia mối một phần cho các gian hàng để bảo đảm giai đoạn đầu nếu có ít khách thì cũng không ảnh hưởng gì đến nhà xuất bản”, ông Nguyễn Minh Nhựt chia sẻ. Nhưng sau 2 năm, Đường sách mang lại lợi nhuận 7 tỷ đồng cho Nhà Xuất bản Trẻ, là sự thành công ngoài sức mong đợi của đơn vị. Đặc biệt, 2 năm qua đã có hơn 750.000 cuốn sách của các nhà xuất bản trưng bày tại Đường sách TP Hồ Chí Minh đã được độc giả mua về. Một con số vượt quá mức kỳ vọng của Ban điều hành Đường sách.

Khi bắt tay thực hiện, Đường sách đã nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của Thành ủy, UBND TP Hồ Chí Minh, Sở Thông tin và Truyền thông và nhiều sở, ngành liên quan, giúp tiến độ thực hiện được bảo đảm. Việc lựa chọn, tìm hiểu mô hình phát triển được lựa chọn kỹ càng cũng là một trong những yếu tố quan trọng giúp Đường sách có dấu ấn riêng. Ông Lê Hoàng - Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam cho biết: "Để có được thành công như hôm nay, chúng tôi đã tham khảo các mô hình đường sách nổi tiếng trên
thế giới như quầy sách cổ dọc bờ sông Seine ở Paris - Pháp, khu phố sách Kando Jimbocho Nhật Bản, Shaoxing ở Thượng Hải, phố sách Bosudong và cả thành phố sách Paju ở Hàn Quốc...".

Bà Quách Thu Nguyệt cho rằng, có 4 yếu tố tạo nên sự thành công của đường sách: Đầu tiên là chủ trương cho xây dựng đường sách từ nguồn kinh phí xã hội hóa với sự nỗ lực cố gắng của 14 đơn vị xuất bản - kinh doanh. Thứ hai là xác định rõ chức năng của Đường sách là không gian văn hóa, sinh hoạt cộng đồng. Thứ ba là nhờ vị trí đắc địa, ngay trung tâm thành phố kết nối nhiều di tích lịch sử. Cuối cùng, Đường sách được điều hành bởi Công ty TNHH MTV Đường sách TP Hồ Chí Minh với tinh thần không đặt lợi nhuận lên đầu, không “tận thu”, bất chấp mọi khó khăn của doanh nghiệp kinh doanh sách. Các yếu tố trên đã tạo ra sự đoàn kết giữa các doanh nghiệp, cùng xây dựng Đường sách thực sự trở thành không gian văn hóa đặc biệt.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vì sao Đường sách ở TP Hồ Chí Minh hấp dẫn?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.