Theo dõi Báo Hànộimới trên

Festival Huế 2018: Nơi gặp gỡ những sắc màu văn hóa

Tuyết Minh| 27/04/2018 10:39

(HNMO) - Festival Huế 2018 với chủ đề “Di sản văn hóa hội nhập và phát triển - Huế 1 điểm đến 5 di sản” sẽ chính thức khai mạc vào tối nay (27-4) tại TP Huế.


Đây thực sự là “điểm hẹn” của các di sản văn hóa của khắp các vùng miền trong cả nước và quy tụ những chương trình nghệ thuật đặc sắc, mang đậm dấu ấn văn hóa của Việt Nam cũng như một số quốc gia trên thế giới.

Điểm hẹn của các di sản văn hóa

Điểm nhấn của Festival Huế lần thứ X là chương trình “Văn hiến kinh kỳ” diễn ra tại sân điện Cần Chánh. Đây là chương trình nghệ thuật có sự kết hợp của các loại hình diễn xướng, hoạt cảnh, ngâm thơ, âm nhạc, hiệu ứng âm thanh, kỹ xảo màn hình led, hiệu ứng ánh sáng... nhằm làm nổi bật lịch sử hào hùng của đất nước trong thế kỷ XIX. “Văn hiến kinh kỳ” là cả câu chuyện sử thi được kể lại bằng ngôn ngữ nghệ thuật cung đình và nghệ thuật truyền thống Huế.

Chương trình được dàn dựng công phu, hoàng tráng, có chiều sâu, được nâng cao từ chương trình "Đại Nội về đêm" vốn được du khách trong và ngoài nước ưa thích, nhằm tôn vinh 5 di sản văn hóa được UNESCO công nhận là Quần thể di tích cố đô Huế, Nhã nhạc cung đình, Mộc bản, Châu bản triều Nguyễn và Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế…

Festival Huế nhằm tôn vinh tinh hoa âm nhạc truyền thống.


Trong các chương trình nghệ thuật, nhiều loại hình nghệ thuật đặc sắc - di sản văn hóa phi vật thể của Huế cũng được giới thiệu. Đặc biệt phải kể đến chương trình “Âm sắc Việt” có mặt suốt nhiều kỳ Festival Huế nhằm tôn vinh tinh hoa âm nhạc truyền thống qua nghệ thuật trình tấu điêu luyện hai dòng nhạc dân gian và bác học: Xẩm - chèo, ca Huế - Nhã nhạc.

Đây là cuộc “đối thoại” lý thú giữa các di sản và nghệ thuật dân gian truyền thống của Huế tại không gian vừa tao nhã vừa sang trọng của cung Diên Thọ, Đại Nội Huế. Ngoài ra, chương trình còn có sự góp mặt của các di sản của các địa phương, tô thêm sắc màu văn hóa cho Festival Huế lần thứ X như: Dân ca Ví, Giặm, nghệ thuật Cồng chiêng Tây Nguyên, hát Chầu văn…

Lễ hội của những lễ hội

Không chỉ tôn vinh các di sản nghệ thuật dân gian truyền thống, Festival Huế còn được coi là “lễ hội của những lễ hội” khi có rất nhiều hoạt động lễ hội diễn ra trong khuôn khổ festival. Đáng kể nhất là lễ Tế giao được tổ chức lúc 3h sáng ngày 27-4 tại đàn Nam Giao. Đây là lễ tế quan trọng nhất trong các nghi lễ thuộc hàng đại tự của triều Nguyễn.

Từ Festival Huế năm 2004, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đã phục dựng lại lễ tế Nam Giao ở đàn Nam Giao triều Nguyễn. Đây là một điểm nhấn văn hóa mang tính bảo tồn và giáo dục cao, gắn kết với các kỳ Festival Huế, giới thiệu đến công chúng trong nước và quốc tế những giá trị văn hóa cung đình đặc sắc của triều Nguyễn - triều đại quân chủ cuối cùng của Việt Nam.

Theo ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế, việc khôi phục những lễ hội cung đình như Lễ tế Nam Giao, lễ Truyền Lô, đêm Hoàng Cung… để đưa vào các kỳ Festival Huế và các hoạt động thu hút khách tại các điểm tham quan là cách hiệu quả để bảo tồn và phát huy giá trị của di tích, góp phần tái hiện và tôn vinh vẻ đẹp đặc trưng của các di sản văn hóa cố đô Huế.

Phục dựng các lễ hội truyền thống.


Không chỉ tập trung ở khu vực trung tâm, Festival Huế còn được mở rộng quy mô ra các huyện ngoại thành của thành phố Huế với các lễ hội dân gian mang đậm bản sắc văn hóa vùng quê. Đây là “điểm cộng” của Festival Huế mà không phải địa phương nào cũng làm được.

Có thể kể tới lễ hội “Chợ quê ngày hội” tại cầu Ngói Thanh Toàn (xã Thủy Thanh, huyện Hương Thủy). Cầu ngói Thanh Toàn là chiếc cầu gỗ được xếp vào loại hiếm và có giá trị nghệ thuật cao nhất trong các loại cầu cổ ở Việt Nam. Người đi chợ - người dân và du khách - không chỉ mua bán sản vật trong vùng, mà còn có thể thưởng thức những món ăn dân dã, chơi những trò chơi dân gian, thưởng ngoạn cảnh sắc đồng quê, cùng tham dự những sinh hoạt thôn dã ngày mùa, đập lúa, xay thóc, đạp nước...

Về chiều tối, du khách có thể tham dự buổi hò Giã gạo, đêm diễn xướng ca Huế, nghe các làn điệu dân ca, ngâm thơ... Qua các kỳ Festival Huế, lễ hội cộng đồng này luôn thu hút hàng vạn lượt du khách gần xa.

Một lễ hội khác khá đặc sắc là lễ hội “Hương xưa làng cổ” tại làng cổ Phước Tích (huyện Phong Điền, TP Huế). Lễ hội tái hiện lại không gian văn hóa với các hoạt động mang tính cộng đồng góp phần tôn vinh và bảo tồn những giá trị văn hóa độc đáo của ngôi làng cổ hơn 500 tuổi như: Lễ tế cổ truyền, trình diễn nghệ thuật gốm, nghề điêu khắc gỗ, nghề đệm bàng, các món ăn dân dã, đua thuyền, múa hát sắc bùa, trò chơi dân gian, đu tiên, tham quan những ngôi nhà rường cổ, miếu cổ...

Lễ hội đường phố trong các kỳ Festival luôn hấp dẫn người dân và du khách.


Lễ hội của hòa bình, hợp tác và hữu nghị

Bên cạnh những lễ hội cổ truyền, Festival Huế còn mang tinh thần hòa bình, hợp tác và hữu nghị. Các kỳ Festival Huế luôn thu hút nhiều đoàn nghệ thuật đến từ các nước trong khu vực và trên thế giới tham gia lễ hội đường phố với nhiều hoạt động hấp dẫn như: Biểu diễn âm nhạc, múa, nghệ thuật đường phố…

Với chủ đề “Sắc màu văn hóa”, lễ hội năm nay có sự góp mặt của 22 đoàn nghệ thuật quốc tế đến từ 19 quốc gia như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Mông Cổ, Sri Lanka, Philippines, Đan Mạch, Ba Lan, Vương quốc Bỉ, Tây Ban Nha… “Sắc màu văn hóa” là sự hòa quyện giữa âm nhạc và vũ điệu đặc sắc, sự đồng điệu trong dòng chảy văn hóa âm nhạc và vũ nhạc qua ngôn ngữ không biên giới.

Chương trình được đông đảo người dân chờ đợi bởi tính tương tác giữa công chúng và nghệ sĩ tạo nên một không khí lễ hội thật sự. Ở chương trình này, công chúng không chỉ đóng vai trò là người xem mà họ còn là chủ thể của lễ hội, cùng tham gia múa hát với các đoàn nghệ thuật.

Nhờ phát huy tốt vai trò, giá trị của di sản văn hóa vật thể và phi vật thể trong đời sống cũng như trong các kỳ festival, Huế thực sự đã trở thành Thành phố di sản với sức hấp dẫn kỳ lạ được nhiều người biết tới. Đó chính là nguồn nội lực mạnh mẽ để Huế khẳng định vị trí là một trong những điểm đến hấp dẫn nhất của Việt Nam và thế giới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Festival Huế 2018: Nơi gặp gỡ những sắc màu văn hóa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.