Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cơ hội và thách thức với doanh nghiệp lữ hành

Minh Quang| 18/05/2018 07:15

(HNM) - Chính phủ vừa quyết định gia hạn miễn thị thực nhập cảnh (visa) cho công dân 5 nước Tây Âu trong 3 năm tới (từ ngày 1-7-2018 đến 30-6-2020).


Thêm nhiều cơ hội thu hút khách

Chính sách miễn thị thực nhập cảnh Việt Nam cho công dân 5 nước Tây Âu gồm: Anh, Pháp, Đức, Italia, Tây Ban Nha được thực hiện từ tháng 7-2015 đã mang đến nhiều cơ hội cho ngành Du lịch Việt Nam, trong đó mức tăng trưởng về lượng khách đạt trên 10% mỗi năm. Đây được coi là mức tăng trưởng cao đối với thị trường khách đường xa, có mức chi tiêu cao và thời gian lưu trú dài ngày.

Chính sách mới về thị thực được kỳ vọng sẽ thu hút thêm khách du lịch nước ngoài tới Việt Nam.
Ảnh: Bá Hoạt


Năm 2017, Việt Nam đón và phục vụ 12,9 triệu lượt khách quốc tế, tăng 29,1% so với năm 2016. Các thị trường được miễn thị thực đều tăng đáng kể, trong đó lượng khách từ Tây Ban Nha tăng 20%; Anh tăng 11,3%; Đức tăng 13,6%; Italia tăng 13,2%; Pháp tăng 6%. Trong 4 tháng đầu năm 2018, số khách quốc tế đến Việt Nam vẫn tiếp tục tăng, đạt trên 5,5 triệu lượt khách, tăng 29,5% so với cùng kỳ năm 2017 và khách từ 5 nước miễn thị thực đều tăng.

Theo điều tra của Tổng cục Du lịch, mức chi tiêu trung bình của khách du lịch từ 5 nước được miễn thị thực tại Việt Nam là 1.316 USD/người. Với lượng khách đến Việt Nam tăng liên tục trong những năm gần đây, thị trường khách từ 5 nước Tây Âu được dự báo có thể mang lại 300 triệu USD mỗi năm cho Du lịch Việt Nam. Còn theo đánh giá của nhiều doanh nghiệp, việc miễn thị thực theo từng năm khiến doanh nghiệp chỉ có thể xây dựng được kế hoạch ngắn hạn với thị trường này thay vì triển khai theo kế hoạch trung hạn (từ 3 đến 5 năm) hoặc dài hạn (từ 5 năm trở lên). Vì vậy, quyết định miễn thị thực trong vòng 3 năm tới với công dân 5 nước Tây Âu đã được cộng đồng doanh nghiệp lữ hành đón nhận với sự hứng khởi.

Ông Lê Công Năng, Trưởng phòng Tiếp thị và Truyền thông Công ty Du lịch Vietrantour nhận định: "Việc gia hạn chính sách miễn thị thực là quyết định sáng suốt của Chính phủ. Điều này sẽ tạo thuận lợi cho Vietrantour và các công ty lữ hành triển khai nhiều gói tour kích cầu hướng đến thị trường khách Tây Âu, vốn là lượng khách có thời gian lưu trú dài, chi tiêu cao”.

Còn ông Trần Thế Dũng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Fiditour nhìn nhận: “Thời hạn miễn thị thực được tăng lên 3 năm sẽ giúp các doanh nghiệp hàng không, du lịch yên tâm đầu tư mạnh vào các hoạt động xúc tiến du lịch tại thị trường Tây Âu, tiếp cận nguồn khách và tiếp thị - giới thiệu sản phẩm dễ dàng hơn”. Trong năm 2017, lượng khách Tây Âu đến Việt Nam thông qua Fiditour tăng khoảng 27% so với năm 2016, đây được xem là ví dụ rõ nét về hiệu quả của việc miễn thị thực cho công dân 5 nước Tây Âu.

Doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước cùng hành động

Dù vậy, việc miễn thị thực cho 5 nước Tây Âu chỉ là một giải pháp hỗ trợ ngành Du lịch. Cơ hội đã rõ nhưng tận dụng được hay không mới là vấn đề đáng quan tâm. Ông Lê Công Năng cho hay: “Trong thời gian tới, Vietrantour sẽ tăng cường khảo sát xây dựng các sản phẩm du lịch mới nhằm thu hút khách thị trường Tây Âu, đặc biệt tung ra các gói tour từ 1 đến 3 ngày linh hoạt dành cho nhóm khách nhỏ khởi hành từ các thành phố trong nước có sân bay quốc tế... Đồng thời tích cực tham gia các chương trình quảng bá du lịch quốc gia tại các thị trường khách Tây Âu; chủ động kết nối với Tổng cục Du lịch, đối tác để triển khai nhiều chương trình quảng bá du lịch song phương".

Tuy nhiên, chính các doanh nghiệp cũng đang cần sự hỗ trợ từ phía cơ quan quản lý nhà nước để có thể phát huy tối đa sự ưu việt của một chính sách. Ông Lê Công Năng khẳng định, miễn thị thực chỉ là một trong những yếu tố góp phần tăng trưởng du lịch chứ không phải là tất cả. Vì vậy, để doanh nghiệp thực sự hưởng lợi từ chính sách và hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng lượng khách quốc tế đến Việt Nam thì cơ quan quản lý nhà nước về du lịch cần phổ biến quy định cụ thể về việc triển khai chính sách miễn thị thực cho công dân 5 quốc gia Tây Âu đến các doanh nghiệp lữ hành. Trên cơ sở đó, các doanh nghiệp sẽ ứng dụng vào hoạt động lữ hành một cách bài bản, hạn chế sai sót trong quy trình, làm ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ. Cơ quan quản lý nhà nước về du lịch cũng cần tích cực tuyên truyền chính sách miễn thị thực trong các chương trình xúc tiến du lịch tại thị trường 5 nước này; hỗ trợ doanh nghiệp khảo sát các tuyến điểm du lịch để từ đó xây dựng các sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn du khách quốc tế.

Ông Trần Thế Dũng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Fiditour cho rằng, dù thời hạn miễn thị thực đã tăng lên 3 năm, nhưng doanh nghiệp vẫn mong muốn số ngày miễn thị thực được tăng lên, từ 15 lên 30 ngày. Việc miễn thị thực trong 15 ngày vẫn hạn chế sức cạnh tranh của Du lịch Việt Nam trong khu vực, nhất là khi các nước ASEAN đều mở cửa, tạo điều kiện thuận lợi cho công dân các quốc gia có nhu cầu du lịch lớn, có mức chi tiêu cao đến du lịch...

Dù còn nhiều băn khoăn, nhưng như chia sẻ của bà Cao Thị Ngọc Lan, Tổng Thư ký Hiệp hội Du lịch Việt Nam thì trước mắt, những người làm du lịch phải chú trọng xây dựng những sản phẩm du lịch hấp dẫn, để khách du lịch từ Tây Âu có thể lựa chọn quay lại Việt Nam. Có như vậy mới phát huy được hết những chính sách đúng của Chính phủ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cơ hội và thách thức với doanh nghiệp lữ hành

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.