Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vẻ đẹp 19 di sản khắp thế giới vừa được UNESCO công nhận

Thương Nguyệt| 19/07/2018 15:30

(HNMO) - Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) vừa công bố danh sách 19 di sản văn hóa, thiên nhiên mới, nằm ở nhiều quốc gia trên thế giới. Đây đều là những di sản cần được bảo tồn vì sự độc đáo về văn hóa, lịch sử và tầm quan trọng trong nghiên cứu khoa học.

Được công nhận là vườn quốc gia từ năm 1989, Chiribiquete nằm ở Colombia, nổi tiếng là một trong những quần thể sinh học đa dạng, lớn nhất khu vực Amazon. Vườn còn là nơi lưu giữ nhiều dấu tích của người cổ xưa với hơn 75.000 bức vẽ có tuổi thọ hơn 20.000 năm trong 60 hang đá.

Khu bảo tồn thiên nhiên Fanjingshan thuộc tỉnh Quý Châu (Trung Quốc) lọt vào danh sách nhờ vẻ đẹp của các ngọn núi và thác nước hùng vĩ cũng như sự đa dạng sinh học. Nằm ở độ cao 2.570m so với mực nước biển, Fanjingshan gồm nhiều loài động thực vật quý hiếm và từng là nơi sinh sống của nhiều loài có nguồn gốc từ 65 triệu năm trước.

Núi Sansa (Hàn Quốc) gồm 7 ngôi đền Phật giáo, được xây dựng từ thế kỷ thứ VII đến thứ IX. Các công trình vẫn tồn tại đến ngày nay và là nơi diễn ra những nghi lễ tôn giáo trong cuộc sống thường ngày của đông đảo người dân.

Thành phố Medina Azahara (Tây Ban Nha) là công trình kiến trúc cổ có niên đại từ thế kỷ thứ X. Thành phố bị bỏ hoang gần 1.000 năm sau một cuộc nội chiến và chỉ được phát hiện lại vào đầu thế kỷ XX. Ngày nay, Medina Azahara vẫn tồn tại nhiều con đường, cầu, hệ thống dẫn nước và vô vàn các mảng trang trí ấn tượng.

Khu săn bắn Aasivissuit-Nipisat (lãnh thổ tự trị Greenland, Đan Mạch) là nơi lưu giữ 4.200 năm lịch sử nhân loại. Đây từng là nơi sinh sống của người Inuit và hiện vẫn còn nhiều di chỉ khảo cổ gắn liền với lịch sử của tộc người này.

Nhà thờ Naumburg (Đức) là một "chứng nhận nổi bật cho kiến trúc và nghệ thuật trung cổ". Với một số phần được xây dựng từ thế kỷ XIII, nhà thờ mang đặc điểm kiến trúc của Roman và Gothic.

Tỉnh Nagasaki nằm trên đảo Kyushu (Nhật Bản) hiện vẫn tồn tại các ngôi làng và nhà thờ được xây dựng bởi những người đầu tiên theo đạo Cơ-đốc tại đây. Các công trình có niên đại từ thế kỷ XVI đến XIX với vẻ đẹp cổ kính mang đậm dấu ấn văn hóa của đạo này.

Di chỉ khảo cổ Göbekli Tepe nằm ở phía Đông Nam Anatolia (Thổ Nhĩ Kỳ) gồm nhiều công trình kiến trúc cổ xưa, được xây dựng từ năm 9.600 đến 8.200 trước Công Nguyên, bởi những nhóm người du mục sinh sống bằng săn bắt thú, đánh cá và hái lượm.

Thung lũng Tehuacán-Cuicatlán (Mexico) là khu vực có hệ sinh học đa dạng nhất Bắc Mỹ, gồm nhiều loại cây xương rồng quý hiếm, đang đứng trước nguy cơ biến mất hoàn toàn và nhiều tàn tích khảo cổ quan trọng với khoa học.

Chaine des Puys nằm ở miền Trung nước Pháp, gồm 80 ngọn núi lửa đã ngừng hoạt động, trải dài 40km. Để tới được đỉnh núi lửa cao nhất tại đây, khách du lịch phải di chuyển bằng tàu hỏa.

Dãy núi Barberton Makhonjwa (Nam Phi) là khu vực bảo quản tốt nhất của các loại đá trầm tích và núi lửa có tuổi thọ từ 3,25 đến 3,6 tỷ năm - giai đoạn những lục địa đầu tiên bắt đầu hình thành trên Trái đất nguyên thủy.

Khu khảo cổ Hedeby (Đức) gồm phần còn lại của một thành phố thương mại sôi động với dấu tích của những con đường, tòa nhà, nghĩa trang và một khu cảng. Xuất hiện từ năm 2.000 trước Công Nguyên, đây là khu vực mang lại câu trả lời cho sự phát triển của nền kinh tế, xã hội và lịch sử châu Âu trong thời Viking.

Pimachiowin Aki là khu dự trữ sinh quyển thế giới, nằm tại rừng Taiga của Canada, với diện tích hơn 43.000km2. Đây là nơi sinh sống của tổ tiên người Anishinaabeg bản địa, theo UNESCO.

Ivrea (Italia) là thành phố công nghiệp được thiết kế bởi những nhà hoạch định đô thị và kiến trúc sư hàng đầu quốc gia này giai đoạn 1930-1960. UNESCO đánh giá thành phố "thể hiện tầm nhìn hiện đại về mối quan hệ giữa sản xuất công nghiệp và kiến trúc".

Khu khảo cổ Sasanian (Iran) gồm 8 di chỉ khảo cổ quan trọng được UNESCO công nhận là di sản vì chứa những thông tin liên quan đến văn hóa truyền thống của đế chế Ba Tư và La Mã cổ xưa.

Thành phố Mumbai (Ấn Độ) nổi tiếng với các công trình mang vẻ đẹp của phong cách kiến trúc Gothic thời Victoria pha trộn với Art Deco. Với dân số 18,4 triệu người, Mumbai là trung tâm tài chính sầm uất và là thành phố lớn nhất của Ấn Độ.

Khu khảo cổ Thimlich Ohinga (Kenya) được xây dựng từ khoảng thế kỷ XVI, được cho là pháo đài của các cộng đồng dân cư và gia súc. Đây cũng là quần thể lớn nhất và được bảo tồn nguyên vẹn nhất trong số những di tích tương tự còn tồn tại.

Thành phố cổ Qalhat nằm ở bờ biển phía Đông Omantừng là một bến cảng lớn từ thế kỷ XI đến XV. Theo UNESCO, khu vực này mang dấu ấn kiến trúc độc đáo và là minh chứng cho quan hệ giao thương giữa Ả Rập, Đông Phi, Ấn Độ, Trung Quốc và Đông Nam Á.

Al-Ahsa (Arab Saudi) là ốc đảo lớn nhất thế giới, với 2,5 triệu cây cọ. Đây là nơi sinh sống của con người từ thời kỳ Đồ đá mới cho đến tận ngày nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vẻ đẹp 19 di sản khắp thế giới vừa được UNESCO công nhận

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.