Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đặt tour qua mạng: Cẩn trọng không thừa

Minh Quang| 31/08/2018 06:27

(HNM) - Trong thời đại công nghiệp 4.0, việc đặt tour qua các trang mạng đã trở nên đơn giản với nhiều du khách.

Khách hàng chịu thiệt

Cuối tháng 7-2018, dư luận xôn xao trước câu chuyện xảy ra ở bến Tuần Châu (tỉnh Quảng Ninh). Một gia đình gồm 5 người (2 người lớn và 3 trẻ em) mang quốc tịch Tây Ban Nha mỏi mắt tìm mà không thể thấy chiếc tàu du lịch mang tên Paragon Cruise, dự kiến sẽ phục vụ họ trong 3 ngày 2 đêm trên vịnh Hạ Long. Trước đó, gia đình trên đã đặt tour tham quan, nghỉ dưỡng bằng tàu Paragon Cruise ở vịnh Hạ Long qua trang mạng Expedia.es với giá 639,94 euro. Đến khi gọi vào số điện thoại trên thẻ đặt chỗ thì đó không phải là số điện thoại của doanh nghiệp được cho là sở hữu con tàu Paragon Cruise.

Du khách cần tham khảo các công ty du lịch trước khi đặt tour để được bảo đảm chất lượng chuyến đi.


May mắn cho gia đình người Tây Ban Nha là được một doanh nghiệp khác, sở hữu du thuyền Pelican quyết định đón và miễn phí toàn bộ tiền thuê dịch vụ (2 phòng nghỉ, các bữa ăn, phí tham quan) trên vịnh Hạ Long, với tour 2 ngày 1 đêm. Nếu không, họ đã có một kỳ nghỉ thảm họa. Và hậu quả từ khủng hoảng truyền thông đối với du lịch Việt Nam sau vụ này cũng khó đo đếm.

Đến những ngày giữa tháng 8 vừa qua lại xảy ra câu chuyện nhiều khách hàng đến đòi lại tiền mua tour trực tuyến đi Singapore - Indonesia - Malaysia của Công ty Golux ở TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, khi khách hàng đến nơi thì công ty này đóng cửa, đại diện doanh nghiệp không có mặt, gọi điện không liên lạc được. Khi Thanh tra Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh đến kiểm tra cũng không thể gặp đại diện doanh nghiệp. Trước đó, nhiều khách hàng đã đặt mua tour khởi hành vào ngày 9-8, song doanh nghiệp viện nhiều lý do để liên tục dời ngày khởi hành. Khi khách không chấp nhận, đến trụ sở doanh nghiệp để đòi lại tiền thì mới biết chuyện. Lúc này, khả năng khách được hoàn lại tiền mua tour là rất khó.

Cách đây đúng một năm, doanh nghiệp này cũng đã bị Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh phạt 45 triệu đồng vì không có giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế nhưng đã bán tour đi nước ngoài. Vấn đề là sau đó doanh nghiệp này vẫn kinh doanh tour trực tuyến mà không bị xử lý. Phải đến gần đây khi các cơ quan chức năng vào cuộc, thì tên miền của doanh nghiệp trên mới ngừng hoạt động.

Rõ ràng, trong những trường hợp nêu trên, không hẳn khách hàng nào cũng may mắn như gia đình du khách Tây Ban Nha ở vịnh Hạ Long. Chị Nguyễn Kim Thanh, doanh nghiệp kinh doanh du lịch tại khu vực phố cổ Hà Nội cho biết, thực tế không ít người từng hoặc không sở hữu du thuyền nhưng vẫn rao bán trên mạng tour nghỉ dưỡng, tham quan bằng tàu ở vịnh Hạ Long. Nếu có khách đặt thì họ sẽ bán khách cho chủ du thuyền khác có chất lượng tương đương du thuyền đã được quảng cáo. Điều này rất dễ dẫn đến nguy cơ người nhận tour đem con bỏ chợ như trường hợp của gia đình du khách Tây Ban Nha nêu trên. Vì vậy, việc đặt tour trên mạng cũng không hề đơn giản, nhất là về mặt thẩm định năng lực của phía trực tiếp cung cấp dịch vụ.

Tăng cường thanh - kiểm tra và tuyên truyền

Theo đại diện Sở Du lịch Hà Nội, trong thời gian qua trên địa bàn chưa có trường hợp nào khiếu nại lên Thanh tra Sở về việc bị lừa bán tour trực tuyến. Tuy nhiên, đây là vấn đề cần lưu tâm để có thể đưa ra các giải pháp ngăn chặn những người kinh doanh du lịch theo kiểu chộp giật, qua đó ảnh hưởng đến thương hiệu du lịch Việt Nam cũng như Hà Nội. Thực tế, sự cẩn trọng là không thừa khi trên địa bàn Thủ đô đang có trên 1.000 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành. Chưa kể, còn rất nhiều người hoạt động trong lĩnh vực lữ hành khác mà lực lượng chức năng khó kiểm soát được hết. Vì thế, chỉ còn cách tăng cường công tác thanh - kiểm tra và tuyên truyền, cảnh báo để du khách nước ngoài cũng như người dân trong nước phải tính toán kỹ khi đặt tour trực tuyến.

Ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Giám đốc Công ty lữ hành TransViet cho rằng, khách hàng cần phải cẩn trọng với những chương trình tour có giá rẻ bất thường. Đây là một trong những chiêu thức phổ biến để đưa khách vào tròng, qua đó cung cấp tour chất lượng kém so với quảng cáo hoặc thậm chí là “tour ảo”. Thực tế, đây là câu chuyện không mới nhưng nhiều khách vẫn mắc phải. Vì vậy vấn đề ở đây hoàn toàn phụ thuộc vào khách.

Ngoài ra, theo một số doanh nghiệp, trước khi đặt tour, du khách cần tham khảo các công ty du lịch mà bạn bè, người thân đã từng đi; hạn chế đặt qua mạng mà trực tiếp đến trụ sở doanh nghiệp để tìm hiểu rồi mới đặt. Nếu cần thiết, yêu cầu doanh nghiệp cho xem giấy phép hoạt động, giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế; kiểm tra lịch sử của công ty du lịch định đi. Bên cạnh đó, nên tìm đến những công ty lữ hành có uy tín để được bảo đảm chất lượng chuyến đi hay dịch vụ đúng với quảng cáo.

Vẫn biết, việc đặt tour hay các dịch vụ liên quan đến kỳ nghỉ qua các trang mạng trực tuyến là hướng đi không thể đảo ngược. Tuy nhiên, bên cạnh sự tiện lợi còn những nguy cơ mà chính khách hàng và nhà quản lý phải lưu ý để cùng góp phần tạo nên một môi trường du lịch trong sạch, lành mạnh.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đặt tour qua mạng: Cẩn trọng không thừa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.