Theo dõi Báo Hànộimới trên

Những “điểm đến” không thể bỏ lỡ ở Hà Nội dịp 2-9

Hoàng Lân| 31/08/2018 08:18

(HNMO) - Dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2-9, nhiều di tích và khu vui chơi ở Hà Nội đã xây dựng các chương trình hấp dẫn, sẵn sàng đón khách.


Nhiều khu vui chơi hoạt động hết công suất dịp nghỉ lễ 2-9.


Trải nghiệm trong các khu di sản

Dịp 2-9, nhiều di tích, di sản của Hà Nội mở cửa đón khách, trong đó phải kể đến những địa chỉ quen thuộc như: Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, di tích lịch sử nhà tù Hoả Lò... Nhiều địa điểm đã xây dựng chương trình riêng để du khách và người dân có những trải nghiệm mới khi tham quan.

Khu vực Hồ Văn thuộc Văn Miếu - Quốc Tử Giám tổ chức chương trình “Ký ức mùa trăng” với nhiều hoạt động trải nghiệm dành cho trẻ nhỏ và du khách.

Hoạt động trải nghiệm tại Hồ Văn (Văn Miếu - Quốc Tử Giám).


Ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Văn hoá Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám cho biết, ngoài việc tiếp tục mở cửa đón khách tham quan khu di tích Văn Miếu, thời gian gần đây, Trung tâm thường xuyên tổ chức các hoạt động mới, nâng cao tính trải nghiệm để giáo dục di sản tới thiếu nhi. Các hoạt động trải nghiệm thường gắn với các trò chơi dân gian, tìm hiểu lịch sử Việt Nam.

“Thông qua các trò chơi, các hoạt động tìm hiểu kiến thức, những trải nghiệm thực tế, người dân, du khách, đặc biệt là trẻ em, thêm hiểu về lịch sử và yêu văn hoá Việt”, ông Lê Xuân Kiêu nói.

Kỷ niệm 73 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, Khu di tích Hoàng thành Thăng Long cũng mở cửa đón khách tham quan và tổ chức 2 triển lãm “Tranh dân gian Việt Nam” và “Hai vị Tổng đốc: Nguyễn Tri Phương - Hoàng Diệu”. Nếu như triển lãm “Tranh dân gian Việt Nam” giới thiệu hơn 50 bức tranh từ cuốn sách “Tranh dân gian Việt Nam sưu tầm và nghiên cứu” của Maruice Durand, mang đến cho du khách cái nhìn toàn cảnh về lịch sử và những mẫu tranh dân gian Việt Nam thì triển lãm “Hai vị Tổng đốc: Nguyễn Tri Phương - Hoàng Diệu” là dịp để người dân ôn lại truyền thống chống giặc ngoại xâm vô cùng bất khuất, dũng cảm và đầy tự hào của dân tộc.

Ngoài ra, dịp này tại Hoàng thành Thăng Long còn diễn ra các hoạt động văn hóa truyền thống như: Chương trình diễn xướng dân gian, múa rối nước vào ngày 1 và 2-9; chương trình giao lưu văn hóa và thể thao truyền thống vào 9h ngày 2-9.


Học sinh có cơ hội tìm hiểu lịch sử tranh dân gian Việt Nam tại Khu di tích Hoàng thành Thăng Long.


Bên cạnh các hoạt động trải nghiệm trong các khu di sản, nhiều điểm vui chơi quen thuộc khu vực nội thành cũng sẵn sàng đón lượng khách lớn trong dịp này như: Công viên nước Hà Nội, Công viên Thủ lệ, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam…

Hấp dẫn những điểm vui chơi ngoại thành


Dịp này, nhiều khu vui chơi ở ngoại thành Hà Nội cũng đã quảng bá những chương trình hấp dẫn, để các gia đình muốn “đổi gió” có thêm lựa chọn vui chơi, giải trí bổ ích.

Từ ngày 31-8 đến 30-9, tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây) sẽ diễn ra nhiều hoạt động văn hóa hấp dẫn với chủ đề “Vui tết Độc Lập”. Điểm nhấn của chuỗi hoạt động là “Chợ phiên vùng cao xứ Lạng”, tái hiện không gian đậm sắc màu văn hóa cùng bức tranh sinh động về sản vật của địa phương, như: Thắng cố, lợn quay, vịt quay, khau nhục… Đồng thời, nhiều lễ hội truyền thống của các dân tộc cũng sẽ được tổ chức cùng với các hoạt động chuyên đề, như chương trình “Ly cà phê Ban Mê”; chương trình biểu diễn nghệ thuật xiếc đặc sắc của Liên đoàn Xiếc Việt Nam…

Khu vui chơi Công viên Biển Hà Nội (thuộc tổ hợp vui chơi Baara Land ở Sài Sơn, Quốc Oai), với nhiều hoạt động hấp dẫn như biển nhân tạo, trình diễn cá heo, đang là một trong những điểm hấp dẫn của Hà Nội.


Công viên Thiên đường Bảo Sơn lần đầu tiên tổ chức lễ hội thổ dân với nhiều hoạt động hấp dẫn từ ngày mùng 1 đến 3-9. Với chủ đề văn hóa thổ dân trên thế giới, lễ hội mô phỏng lại văn hóa thổ dân da đỏ, thổ dân Australia, thổ dân Brazil, thổ dân châu Phi, đặc biệt là làng thổ dân Việt Nam trong bộ phim điện ảnh "Kong: Skull Island".

Để tạo nên một lễ hội đúng chất, khuôn viên Thiên đường Bảo Sơn được đầu tư trang trí từ cổng chào tới các tiểu cảnh bên trong với hàng chục nhà lều Teepee, những bối cảnh trong làng thổ dân trên đảo Đầu Lâu trong bộ phim và các cột tượng Totem đặc trưng. Tại các làng thổ dân, chương trình hoạt náo đường phố sẽ mô phỏng cuộc sống, văn hóa của từng vùng miền. Tại sân khấu chính của lễ hội là chương trình nghệ thuật hằng ngày với nhiều tiết mục đặc sắc như: Nhảy thổ dân, xiếc nghệ thuật, nhạc kịch…

Với công nghệ tạo sóng nhân tạo, du khách có thể trải nghiệm không khí biển ngay tại Hà Nội.


Cách trung tâm Hà Nội chừng 30 phút di chuyển bằng ô tô, tổ hợp vui chơi giải trí Baara Land (Sài Sơn -Quốc Oai) do Tập đoàn Tuần Châu đầu tư sẵn sàng mở cửa đón khách với nhiều ưu đãi hấp dẫn sau thời gian bảo dưỡng và nâng cấp chất lượng dịch vụ. Đây  được xem là khu vui chơi mới của người dân Hà Nội với Công viên Biển Hà Nội, gồm các hoạt động như: Biển nhân tạo đầu tiên ở miền Bắc, hệ thống vui chơi dưới nước độc đáo và trình diễn cá heo, hải cẩu đặc sắc. Để đáp ứng nhu cầu của du khách, Công viên Biển Hà Nội sẽ mở cửa xuyên suốt dịp nghỉ lễ 2-9 (đến hết thứ hai, ngày 3-9), thay vì đóng cửa thứ hai như thường lệ. Với chủ đề “Ngày hội gia đình”, Công viên Biển Hà Nội sẽ có các chương trình team building và nhiều hoạt động vui chơi hấp dẫn cho các gia đình cùng các bé.

Chương trình thực cảnh "Tinh hoa Bắc Bộ".


Đại diện khu vui chơi Baara Land cho biết, dịp 2-9 dự kiến sẽ đón lượng khách tăng, khoảng 5.000 lượt khách mỗi ngày, nên vào những ngày nghỉ lễ, Baara Land sẽ hoạt động hết công suất. Nhân sự và bộ phận kỹ thuật được huy động tối đa để bảo đảm chất lượng phục vụ cho du khách.

Bên cạnh khu biển nhân tạo, trình diễn cá heo, chương trình thực cảnh “Tinh hoa Bắc Bộ” thuộc tổ hợp Baara Land cũng được xem là “đặc sản” nghệ thuật mới của Hà Nội. Với sân khấu ngoài trời gần gũi thiên nhiên và sân khấu mặt nước lớn nhất Việt Nam (4.300m2) cùng số lượng diễn viên là nông dân đông nhất Việt Nam (150 diễn viên), chương trình thực cảnh “Tinh hoa Bắc Bộ” đang đón nhận nhiều lời khen từ du khách trong nước và quốc tế. Mới đây, chương trình thực cảnh này nhận được hai kỷ lục Guiness Việt Nam vì những sáng tạo hiếm có và duy nhất đến thời điểm này.

Để chuẩn bị cho những suất diễn tăng cường dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2-9, các nghệ sĩ, diễn viên là nông dân tham gia “Tinh hoa Bắc Bộ” đã tăng cường luyện tập, sẵn sàng đón khách. Ban tổ chức chương trình “Tinh hoa Bắc Bộ” cho biết, nhân dịp này, sẽ có ưu đãi hấp dẫn như “Mua vé người lớn, tặng vé trẻ em” và nhiều chính sách giảm giá lớn khi du khách đặt vé sớm.


Dịp nghỉ lễ Quốc khánh kéo dài 3 ngày, nhiều “điểm đến” của Hà Nội đã sẵn sàng mở cửa đón khách với nhiều hoạt động vui chơi hấp dẫn. Tuy nhiên, để việc đón khách được chu đáo, an toàn, tránh chộp giật, Sở Du lịch Hà Nội cũng đã có những văn bản yêu cầu các đơn vị tổ chức, những điểm lưu trú phải nâng cao chất lượng dịch vụ, nghiêm chỉnh thực hiện giữ gìn vệ sinh môi trường, bảo đảm an toàn thực phẩm, không được để xảy ra tình trạng “chặt chém”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những “điểm đến” không thể bỏ lỡ ở Hà Nội dịp 2-9

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.