Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xây dựng chiến lược phát triển du lịch Việt Nam: Rõ định hướng, rõ hiệu quả lâu dài

Minh An| 26/10/2018 06:59

(HNM) - Hoàn thiện nội dung Đề án “Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” là nhiệm vụ cấp bách của ngành Du lịch Việt Nam trong thời gian tới...

Du khách quốc tế tham quan Thủ đô Hà Nội. Ảnh: Sơn Hà


Phải thực sự là “gậy dẫn đường”

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn, những năm gần đây, du lịch Việt Nam phát triển nhanh. Những chỉ tiêu được đặt ra trong “Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” cơ bản đã hoàn thành vào năm 2017. Năm ngoái, ngành Du lịch Việt Nam đón hơn 12,9 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ gần 73,2 triệu lượt khách nội địa. Năm nay, tính đến hết tháng 9, Việt Nam đã đón hơn 11,6 triệu lượt khách quốc tế, tăng 22,9% so với cùng kỳ năm 2017. Dự báo trong cả năm 2018, lượng khách quốc tế đến Việt Nam sẽ đạt 15,6-15,7 triệu lượt - mức cao nhất từ trước đến nay.

Thu nhập từ du lịch cũng có mức tăng trưởng đáng ghi nhận - mức tăng trung bình cho cả giai đoạn 2011-2017 đạt xấp xỉ 25%/năm. Hai năm gần đây, với sự tăng trưởng mạnh mẽ cả về lượng khách du lịch quốc tế cũng như khách du lịch nội địa, tổng thu từ khách du lịch đã tăng từ 417,3 nghìn tỷ đồng (năm 2016) lên 541 nghìn tỷ đồng (năm 2017).

Cơ sở vật chất kỹ thuật ngành Du lịch cũng có sự phát triển nhanh chóng. Đến hết năm 2017, cả nước có khoảng 25.000 cơ sở lưu trú với 508.000 buồng/phòng các loại, trong đó có khoảng 15.800 cơ sở được xếp hạng. Với sự phát triển nhanh cộng với xu thế phát triển du lịch trong môi trường công nghệ số hiện đại, theo ông Nguyễn Văn Tuấn, việc xây dựng Đề án “Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” là rất quan trọng. Chiến lược, cùng với 4 đề án khác (Tái cơ cấu ngành Du lịch; Ứng dụng tổng thể công nghệ thông tin trong ngành Du lịch; Nâng cao hiệu quả công tác quảng bá, xúc tiến du lịch; Thành lập Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch), được Tổng cục Du lịch đầu tư. Đây đều là những đề án then chốt nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn, góp phần đưa du lịch Việt Nam phát triển nhanh, có sự bứt phá ấn tượng hơn nữa trong thời gian tới.

Nói về việc xây dựng đề án quan trọng nói trên, Phó Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình Bùi Văn Mạnh nhận định: Chiến lược phát triển phải là “cây gậy dẫn đường” đưa ngành Du lịch bứt tốc. Bởi vậy, cần xây dựng nội dung đề án như thế nào đó để hoạt động ngành không "lạc bước" trước thách thức và yêu cầu trong tương lai.

Tính dự báo cao

Theo nhiều chuyên gia về du lịch, đề án nói trên phải bảo đảm tính dự báo, thể hiện tầm nhìn của những người làm quy hoạch phát triển du lịch. PGS.TS Phạm Trung Lương, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch cho rằng, Cách mạng công nghiệp 4.0 đã và sẽ tác động mạnh mẽ đến ngành Du lịch, nơi mà những tiện ích trong giao dịch, trải nghiệm là không thể thiếu. Bởi vậy, đề án không thể chỉ tập trung vào số lượng khách, số cơ sở lưu trú… mà quên đi chất lượng dịch vụ, sản phẩm du lịch. Số lượng khách tăng là tốt, nhưng điều đó không đồng nghĩa với sự tăng về hiệu quả kinh tế. Do đó, khi xây dựng đề án, cần đặt mục tiêu phát triển du lịch Việt Nam trong thời gian tới theo hướng “đẳng cấp và thông minh”. Đẳng cấp thể hiện qua tính chuyên nghiệp trong khâu cung cấp dịch vụ, sự đa dạng về sản phẩm du lịch chất lượng… Thông minh thể hiện qua tiện ích mà du khách được trải nghiệm và thụ hưởng trong toàn bộ quá trình du lịch nhờ ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến…

Còn theo ông Trương Trọng Nghĩa, đại diện Tập đoàn Amanoi, chiến lược phát triển du lịch cần dự báo được tác động của biến đổi khí hậu đối với hoạt động du lịch, từ đó đưa ra định hướng phát triển phù hợp. Lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam và số lượng du khách nội địa đang có xu hướng tăng nhanh, cho số thu đáng kể nhưng cũng gây sức ép lên môi trường. Nếu không dự báo được điều này thì về lâu dài chúng ta rất khó thu hút các nhà đầu tư và du khách.

Đồng tình rằng phải chú ý đúng mức đến vấn đề bảo vệ môi trường nói chung và môi trường du lịch nói riêng, ông Nguyễn Quốc Đoàn (Vụ Khoa học - Công nghệ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho rằng, đề án phải xác định “du lịch bền vững”, “du lịch xanh” là hướng đi chính trong tương lai, qua đó thể hiện quan điểm chỉ đạo và tổ chức hành động có tính nhất quán, xuyên suốt. Chỉ khi có sự thống nhất cao về quan điểm phát triển du lịch bền vững thì mới có thể tạo nên sự ổn định, bước đột phá về hiệu quả kinh tế. Định hướng phát triển du lịch bền vững cần có tiêu chí riêng, có thể khiến thị trường trở nên “kén khách” hơn những hướng đi khác...

Một chiến lược du lịch phù hợp được hình thành và đưa vào triển khai trong thực tế sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến du lịch Việt Nam trong dài hạn. Bởi vậy, khâu dự báo là quan trọng, cần sự đóng góp từ nhiều giới, ngành để chiến lược không bị lạc hậu ngay từ khi mới ra đời. Nhiều chuyên gia đề nghị Tổng cục Du lịch tiếp tục lấy ý kiến để hoàn thiện "Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050" trước khi trình Chính phủ phê duyệt.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng chiến lược phát triển du lịch Việt Nam: Rõ định hướng, rõ hiệu quả lâu dài

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.