Theo dõi Báo Hànộimới trên

Danh hiệu gia đình văn hóa: Quá dễ sẽ làm giảm giá trị!

Hà Hiền| 13/01/2016 07:06

(HNM) - Quá trình thực hiện, bình xét danh hiệu GĐVH còn nhiều bất cập khiến cho kết quả xây dựng GĐVH chưa phản ánh đúng thực chất, danh hiệu GĐVH chưa được coi trọng.


Thống kê mới nhất cho thấy, cả nước có gần 18,8 triệu hộ GĐ (bằng 85,03% tổng số hộ GĐ của cả nước) đạt danh hiệu GĐVH, tăng 2% so với năm 2014 và tăng 9,03% so với năm 2012. Theo tiêu chí đưa ra, các GĐVH là những GĐ gương mẫu chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia các phong trào thi đua của địa phương; các thành viên không vi phạm pháp luật, quy định của địa phương, hương ước, quy ước của cộng đồng. Trong GĐ, ông bà, cha mẹ gương mẫu, con cháu thảo hiền, vợ chồng yêu thương, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ; không có bạo lực GĐ dưới mọi hình thức, thực hiện bình đẳng giới… Chiếu theo tiêu chí, tỷ lệ GĐVH tăng đều hằng năm là tín hiệu đáng mừng.

Gia đình hạnh phúc là nền tảng cho sự phát triển ổn định của xã hội.


Đáng buồn là tỷ lệ GĐVH theo thống kê tăng lên trong khi tình trạng bạo lực GĐ chưa giảm, đời sống văn hóa còn nhiều điều đáng bàn, đạo đức xã hội còn nhiều chuyện nhức nhối. Cụ thể, kết quả điều tra quốc gia về bạo lực GĐ cho thấy, 58% số phụ nữ từng kết hôn cho biết họ đã trải qua ít nhất một hình thức bạo lực (thể chất, tình dục và tinh thần) từ người thân tại một thời điểm nào đó trong cuộc sống. Đáng nói hơn, 50% số nạn nhân của nạn bạo lực GĐ và tình dục chưa từng nói với ai về tình trạng bạo lực mà họ phải chịu đựng; 87% nạn nhân bạo lực GĐ chưa tìm kiếm sự hỗ trợ từ các dịch vụ công. Chỉ tính riêng 3 năm trở lại đây, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh xảy ra gần 1.100 vụ bạo lực GĐ, nạn nhân của các vụ bạo lực chủ yếu là phụ nữ và trẻ em. Trung bình mỗi năm, các tỉnh, thành phố khác cũng xảy ra từ vài chục đến vài trăm vụ bạo lực GĐ.

"Bệnh" hình thức của phong trào xây dựng GĐVH còn thể hiện ở tỷ lệ GĐ đăng ký xây dựng GĐVH hằng năm lên tới hơn 90%, nhưng theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu gia đình và giới, chỉ có 29,5% số người được hỏi biết rõ về các tiêu chí xây dựng GĐVH, 55,2% có nghe nói và 15,2% số người không biết gì về những tiêu chí này. Còn theo khảo sát của Viện Tâm lý học (Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam), 29,4% số hộ GĐ đăng ký xây dựng GĐVH với tâm lý thụ động, thấy người khác đăng ký cũng đăng ký mà không hiểu nội dung, ý nghĩa của phong trào. "Tỷ lệ người dân biết đến nội dung, tiêu chuẩn GĐVH chưa cao phản ánh tình trạng ít người dân quan tâm đến phong trào này. Nói cách khác, tỷ lệ GĐVH quá cao trong khi các vấn đề xã hội là những điều kiện cần và đủ để xét công nhận GĐVH còn nhức nhối chứng tỏ phong trào nặng tính hình thức", bà Nguyễn Thị Hoa (Viện Tâm lý học) nhận định. Không chỉ mâu thuẫn từ những con số, trên thực tế rất nhiều GĐ được gắn biển hoặc trao giấy chứng nhận GĐVH cũng không coi trọng "thành quả" đạt được. Phát biểu tại hội nghị triển khai công tác năm 2016 của ngành VH,TT&DL mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết: "Tôi thấy biển hiệu GĐVH ở nhiều nơi được làm bằng inox rất đẹp, nhưng bên cạnh tấm biển là đống rác. Phong trào xây dựng GĐVH cần phải đi vào thực chất, dễ dãi quá sẽ không còn "thiêng".

Cần đi vào thực chất

Không phải đến bây giờ thì "bệnh" thành tích, hình thức trong phong trào xây dựng GĐVH mới được đề cập. Nhiều địa phương đã nhận ra điều này nhưng chưa có giải pháp khả thi. Năm nào ngành Văn hóa cũng đề ra mục tiêu tỷ lệ GĐVH năm sau phải cao hơn năm trước, đồng thời coi việc các địa phương, cơ quan, đơn vị hoàn thành chỉ tiêu xây dựng GĐVH là điều kiện cần và đủ để bình xét các danh hiệu, các phong trào thi đua khiến cho nhiều đơn vị, địa phương báo cáo không trung thực hoặc cố tình trao danh hiệu cho cả những hộ không đủ tiêu chuẩn nhằm hoàn thành chỉ tiêu. Quy trình bình xét danh hiệu GĐVH cũng rất hình thức khi có địa phương phát động đăng ký từ đầu năm, tổ chức bình xét cuối năm, có địa phương trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố thay mặt dân làm hết, cuối năm phát cho các GĐ giấy chứng nhận GĐVH là xong. Bất cập khác nữa là việc phát huy danh hiệu GĐVH hiện chưa được quan tâm đúng mức. "Do tỷ lệ GĐVH quá nhiều, phần lớn các GĐ chỉ được khen mà không được thưởng. Với tâm lý "một miếng giữa đàng hơn sàng xó bếp" của người Việt Nam, việc lặng lẽ gửi giấy chứng nhận GĐVH đến từng gia đình sẽ ít phát huy được giá trị của danh hiệu", bà Nguyễn Thị Hoa phân tích.

Để phong trào xây dựng GĐVH phản ánh đúng thực chất, có sức lan tỏa sâu rộng, bà Trần Tuyết Ánh (Vụ trưởng Vụ Gia đình, Bộ VH,TT&DL) kiến nghị các cơ quan chức năng tạo điều kiện thuận lợi cho các GĐ có cơ hội tiếp cận với kiến thức về kinh tế, văn hóa, xã hội; phát triển hệ thống dịch vụ hỗ trợ GĐ giúp các GĐ có kỹ năng sống, chủ động phòng, chống sự xâm nhập của các tệ nạn xã hội… Cho rằng việc xây dựng GĐVH có vai trò đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển văn hóa, con người Việt Nam, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ VH,TT&DL phối hợp với các bộ, ngành chức năng rà soát, xây dựng các tiêu chí GĐVH, làng văn hóa sao cho phù hợp với thực tiễn, dễ nhớ, dễ thực hiện.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Danh hiệu gia đình văn hóa: Quá dễ sẽ làm giảm giá trị!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.