Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phụ nữ Trung Quốc bỏ hàng chục nghìn đô la học giao tiếp

Mai Chi| 15/03/2016 11:47

(HNMO) - Các lớp học giao tiếp không hề rẻ chút nào. Một khóa học cơ bản trong 10 ngày “ngốn” của học viên khoảng 12.200 USD.


Rất nhiều quyển sách đã rớt xuống, nhưng cũng có những người hoàn thành nhiệm vụ và tiến về vạch đích trong ánh mắt hài lòng và nụ cười của người hướng dẫn.

Tuy nhiên, khung cảnh này không phải là bất kỳ lớp học nổi tiếng nào tại châu Âu mà chính là trường học về nghi thức giao tiếp đầu tiên của Trung Quốc - học viện Sarita. Đây là đứa con tinh thần của Sara Jane Ho, một người gốc Hồng Kông từng học tập và sinh sống tại Mỹ. 

Vốn từng có cơ hội theo học ở một trường dạy nghi thức giao tiếp của Thụy Sĩ, cô quyết định trở lại Trung Quốc và vận dụng những gì mình đã học được để thành lập ngôi trường của riêng mình.

Theo quan điểm của cô, “nghi thức giao tiếp không phải là chuẩn mực của Trung Quốc hay Pháp, cũng không dành riêng cho người giàu hay người nghèo. Điều cốt lõi của giao tiếp là việc bạn tôn trọng và quan tâm đến những người khác, khiến họ cảm thấy thoải mái khi tiếp xúc với bạn”.

“Cư xử đúng mực”

Trường Sarita cung cấp hai khóa học chính – một cho các thiếu nữ và một cho những phụ nữ đã kết hôn về quản lý công việc gia đình và chủ trì các bữa tiệc tại gia. Một trong những môn học quan trọng nhất là thái độ cư xử.

Rebecca Li - Giám đốc học viện Sarita cho biết: “Mấu chốt để có được thiện cảm của người khác chính là biểu hiện của bản thân và cảm giác mà bạn mang lại cho họ. Bạn nên thể hiện mình là một người tự tin và đáng tin cậy. Cách bạn đi, đứng, bước vào phòng hay bắt tay đều có ảnh hưởng nhất định tới hình ảnh của bạn và cảm nhận của những người xung quanh. Chính vì vậy, hãy ghi nhớ những quy tắc cư xử chuẩn mực”.

Rebecca Li - Giám đốc học viện Sarita


Những bài học khác bao gồm việc ăn uống lịch sự (cách sử dụng dao và dĩa), sắp bàn và sắp xếp vị trí ngồi cho khách trong các bữa tiệc.

Ăn cam một cách "lịch thiệp" theo hướng dẫn của học viện Sarita


Hầu hết học viên của trường Sarita là phụ nữ. Nam giới thường tham gia các lớp học cho những người lớn tuổi hơn về cách quản lý các mối quan hệ xã hội.

Jane tin rằng nhu cầu đối với các khóa học như vậy ngày càng tăng lên một phần do những biến đổi nhanh chóng trong xã hội Trung Quốc.

“Mao Trạch Đông từng nói phụ nữ nắm giữ một nửa bầu trời. Ông ấy giải phóng phụ nữ bằng việc khuyến khích họ tham gia vào các công việc xã hội. Bạn có thể thấy đó là một hành động có ý nghĩa như thế nào. Nhưng những giá trị Nho giáo tồn tại hơn 2000 năm cũng đã nhấn mạnh phụ nữ phải là người quán xuyến gia đình và nuôi dạy con cái.

Phần lớn học viên là phụ nữ


Giới thượng lưu Trung Quốc bắt đầu gửi con em họ tới các trường nước ngoài. Họ học hỏi rất nhanh và dần trở thành những công dân toàn cầu. Đó cũng chính là lý do vì sao các nghi thức xã giao càng trở nên cần thiết”.

Một khoản đầu tư

Candice Li đang điều hành một công ty riêng hướng tới thị trường hàng xa xỉ, vì vậy cô có cơ hội đến rất nhiều nơi trên thế giới. Candice cũng chia sẻ bản thân đã trở nên tự tin hơn trong giao thiệp với người nước ngoài sau khi tham gia một khóa học giao tiếp.

Tuy nhiên, giá cả tại các lớp học như vậy không hề rẻ chút nào. Một khóa học cơ bản trong 10 ngày “ngốn” của học viên khoảng 12.200 USD.

Nhưng đối với họ, “chi bao nhiều tiền không thành vấn đề, quan trọng nhất là bạn học được những gì sau đó” – một học viên có tên Chelsea Chen chia sẻ. Chelsea coi khóa học này là một “sự đầu tư cho gia đình và cho cả những người xung quanh”. Cô cũng hi vọng có thể truyền lại kiến thức đã được học cho con mình trong tương lai”.

Học viện Sarita đang phải đối mặt với một sự cạnh tranh khá lớn bởi đây không còn là ngôi trường duy nhất cung cấp dịch vụ này tại Trung Quốc. Jane cho biết: “Dẫu sao đó cũng chỉ là một hình thức kinh doanh nhỏ. Chúng tôi đặt giá cao và số lượng đăng ký lại rất thấp, đồng nghĩa với việc quy mô các lớp học bị thu hẹp và chi phí ban đầu sẽ lớn hơn. Do vậy tôi luôn nghĩ đến việc mở rộng kinh doanh để đạt được hiệu quả tốt hơn".

Mở rộng kinh doanh là mong muốn bấy lâu của Jane


Thần tượng của Jane chính là Martha Stewart – tác giả kiêm người dẫn chương trình nổi tiếng của Mỹ. Martha đã thực hiện chương trình hướng dẫn nấu nướng, trang trí nhà cửa và giải trí cho các phụ nữ ở vùng ngoại ô.

Từ hình mẫu ấy, Jane luôn muốn làm một điều gì đó tương tự cho phụ nữ Trung Quốc trong xã hội hiện đại. "Các học viên sẽ trở thành những người vợ, người mẹ tuyệt vời nhất. Ngôi nhà phải là nơi họ có thể tự tin tiếp đãi bạn bè và những người thân yêu. Bên cạnh đó, họ cũng sẽ học được cách tồn tại trong xã hội này”.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Phụ nữ Trung Quốc bỏ hàng chục nghìn đô la học giao tiếp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.