Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nâng chất lượng văn hóa, chặn bạo lực gia đình

Hà Hiền| 28/06/2016 06:36

(HNM) - Trước tình trạng bạo lực gia đình (BLGĐ) diễn biến phức tạp, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã ký Quyết định số 363/QĐ-TTg ngày 8-3-2016 chọn tháng 6 hằng năm là Tháng hành động quốc gia về phòng, chống BLGĐ nhằm nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội về vấn đề này.


Nâng cao chất lượng gia đình văn hóa

Trong quá trình triển khai thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” hằng năm, TP Hà Nội đặc biệt quan tâm nâng cao chất lượng gia đình văn hóa (GĐVH), coi đó là biện pháp nhằm giải quyết tận gốc tình trạng BLGĐ. Tùy vào tình hình thực tế, các ngành, các địa phương đã đưa ra tiêu chí xây dựng GĐVH sao cho phù hợp. Ủy ban MTTQ triển khai phong trào “Ông bà mẫu mực, con cháu hiếu thảo”; Hội viên Hội Người cao tuổi phát huy tinh thần “Tuổi cao - Gương sáng” từ sinh hoạt, ứng xử trong GĐ đến hoạt động giao tiếp ngoài xã hội; Hội Phụ nữ các cấp thường xuyên tổ chức tọa đàm về vai trò của phụ nữ trong việc phòng, chống BLGĐ, xây dựng GĐ hạnh phúc; quận Đống Đa, Hoàn Kiếm, Cầu Giấy... coi trọng yếu tố GĐ không có BL; huyện Đông Anh đưa nội dung xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, xây dựng GĐVH ở khu dân cư để người dân chủ động bàn bạc và thực hiện. Với tinh thần dân chủ, công khai, nhiều vấn đề dân sinh bức xúc, trong đó có việc đẩy lùi tình trạng BLGĐ khi đưa ra bàn bạc đã được chính người dân Đông Anh tìm ra giải pháp thực hiện. Điển hình như hội nghị của thôn Hà Lỗ, xã Liên Hà trong những năm gần đây với sự tham gia của đại diện các ban, ngành, đoàn thể, đại diện các hộ gia đình đã đưa vấn đề phòng, chống BLGĐ ra bàn bạc công khai và giải pháp được đưa ra là phải nâng cao chất lượng GĐVH. Kết quả, tỷ lệ GĐ đạt chuẩn danh hiệu GĐVH ở thôn Hà Lỗ năm 2015 cao hơn nhiều so với những năm trước đó, nhiều vấn đề bức xúc đã được giải quyết.

Hà Nội đã và đang thực hiện nhiều biện pháp để xây dựng, nâng cao chất lượng gia đình văn hóa.
Ảnh: Linh Ngọc



Cùng là giải pháp đẩy lùi BLGĐ, các câu lạc bộ (CLB) GĐVH trên địa bàn quận Tây Hồ, huyện Phú Xuyên, thị xã Sơn Tây… lại thực hiện theo hình thức duy trì sinh hoạt đều đặn 1 lần/quý với nhiều nội dung về GĐ như: Tìm hiểu về GĐ Việt Nam xưa và nay; những mâu thuẫn nảy sinh ở từng giai đoạn hôn nhân; cách phòng, chống BLGĐ; cách ứng xử khi không may bị BLGĐ...

Dù thực hiện theo giải pháp nào thì theo ông Nguyễn Khắc Lợi, Phó Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội, việc siết chặt các tiêu chí xây dựng GĐVH, từng bước nâng cao chất lượng danh hiệu GĐVH vẫn là giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn tình trạng BLGĐ từ trong trứng nước. Nếu như những năm trước, số vụ BLGĐ trên địa bàn Hà Nội được thống kê lên đến hàng trăm vụ mỗi năm, hiện mỗi quận, huyện, thị xã chỉ có vài vụ, số vụ có tính chất nghiêm trọng giảm hẳn.

Nhân rộng mô hình phòng, chống BLGĐ tại cộng đồng

Song song với nâng cao chất lượng GĐVH, các ngành chức năng của TP Hà Nội còn khuyến khích, tạo điều kiện cho các địa phương nhân rộng mô hình phòng, chống BLGĐ tại cộng đồng. Tại quận Hà Đông, 17 phường trên địa bàn đã thành lập được hơn 40 CLB phòng, chống BLGĐ và 170 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng. Các CLB hoạt động trên tinh thần tự nguyện, tự giác nhưng kết quả thu được khá tích cực. Bà Phạm Thị Ngọc Lan, Chủ tịch Hội Phụ nữ phường Yết Kiêu (Hà Đông) cho biết: CLB phòng, chống BLGĐ phường Yết Kiêu được thành lập từ năm 2009 đến nay đã trở thành nơi hàn gắn hạnh phúc cho nhiều cặp vợ chồng. Đó là trường hợp của chị Nguyễn Thị T. có chồng nghiện rượu hay chị Nguyễn Thị B. có chồng hay ghen, thường xuyên bạo hành, khiến các chị luôn mệt mỏi, lo lắng. Biết được hoàn cảnh đó, thành viên CLB đã lựa lời động viên, phân tích để chồng và các chị thấy rõ mình sai ở điểm nào, điểm nào cần khắc phục để có thể chung tay giữ gìn mái ấm gia đình. Khi mọi người đã hiểu ra, cuộc sống êm ấm đã trở lại với gia đình các chị. Cũng ở phường Yết Kiêu, địa chỉ tin cậy tại gia đình bà Phạm Thị Ngọc Lan, số 14, phố Cao Thắng và số nhà 13, phố Yết Kiêu là nơi tạm lánh của các trường hợp bị bạo hành. “Thời gian mới thành lập, hoạt động của CLB phòng, chống BLGĐ gặp rất nhiều khó khăn vì phụ nữ thường không muốn “vạch áo cho người xem lưng”. Những người mang tiền nhà đi làm việc xã hội như chúng tôi bị cho là rắc rối, nhưng chúng tôi không nản. Qua kênh tư vấn trực tiếp này, số vụ BLGĐ trên địa bàn phường Yết Kiêu giảm đáng kể. Năm 2015 và 6 tháng đầu năm 2016, phường không có vụ BLGĐ nào xảy ra”, bà Phạm Thị Ngọc Lan cho biết. Ông Phạm Đức Hòa, Trưởng phòng VH-TT quận Hà Đông chia sẻ, nhờ mạng lưới phòng, chống BLGĐ hoạt động hiệu quả tại cộng đồng, năm 2015 quận Hà Đông chỉ xảy ra 7 vụ BLGĐ.

Ngoài quận Hà Đông, 29 quận, huyện, thị xã còn lại trên địa bàn TP Hà Nội cũng đã thành lập được hơn 200 CLB phòng, chống BLGĐ trong cộng đồng. Song do thiếu nguồn kinh phí duy trì hoạt động, thiếu các địa chỉ tạm lánh, thiếu sự phối hợp chặt chẽ của các ngành, đoàn thể chức năng và đặc biệt thái độ cam chịu của những người bị bạo hành khiến một số CLB hoạt động chưa hiệu quả. Từ kinh nghiệm thực tế cho thấy, nếu các ngành, đoàn thể chức năng, đặc biệt là lực lượng an ninh tại các khu dân cư chủ động, tích cực tham gia vào công tác phòng, chống BLGĐ thì hiện tượng BLGĐ sẽ bị đẩy lui. Đặc biệt, nếu không may bị bạo hành, nạn nhân nên chủ động tìm đến những địa chỉ tin cậy để được giúp đỡ, không nên cam chịu. “Nếu tất cả các vụ BLGĐ được phơi bày, nếu các cơ quan cùng vào cuộc, tôi tin tình trạng BLGĐ sẽ không còn tái diễn”, bà Phạm Thị Ngọc Lan khẳng định.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nâng chất lượng văn hóa, chặn bạo lực gia đình

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.