Theo dõi Báo Hànộimới trên

Những “đêm trắng” hạnh phúc

Trà Giang| 02/10/2015 16:01

Lần đầu tiên “bay show” tại trời Âu của Nhà hát Kịch Hà Nội vừa qua là một chuyến đi thành công trên cả mong đợi bởi các nghệ sĩ được thực sự sống trong không khí của sự hâm mộ nhiệt thành, điều từ lâu đã nguội dần ở khán giả với sân khấu trong nước.

Và quan trọng hơn, các nghệ sĩ được tiếp thêm cảm hứng để bước đi trên một ngã rẽ mới: Đem kịch Việt phiêu du xứ người...

NSUT Trung Hiếu, Phó Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội đã giãi bày cùng Hànộimới Cuối tuần về chuyến lưu diễn đáng nhớ này


- Cuối tháng 8 vừa qua, Nhà hát Kịch Hà Nội được mời sang biểu diễn tại Ba Lan nhân kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9 và 65 năm Quan hệ ngoại giao Việt Năm- Ba Lan, đồng thời diễn phục vụ kiều bào tại Cộng hoà Séc và Pháp. Đoàn mang sang diễn vở Cát bụi của cố nhà văn Triệu Huấn và đạo diễn NSND Xuân Huyền. Đây là một trong những vở diễn thành công nhất của Nhà hát, tác phẩm nổi tiếng của sân khấu Việt Nam đầu thế kỷ XXI. Được Nhà hát dàn dựng biểu diễn từ năm 2003, đến nay đã 12 năm mà sức sống của vở Cát bụi vẫn rất mạnh mẽ, hấp dẫn khán giả, vấn đề đặt ra vẫn luôn mới, đó là đề tài về chống tham nhũng, về gia đình xã hội. Do visa chỉ vỏn vẹn hơn chục ngày nên lịch diễn kín, di chuyển khá gấp gáp, liên tục bằng đường bộ dù mỗi nước cách nhau trên dưới nghìn cây số, mệt nhưng vui vô cùng!

- Dư âm chuyến đi dường như vẫn khiến anh rất hân hoan!

- Khi hay tin đoàn sang, kiều bào nhiệt tình, háo hức đón chờ trước cả mấy tháng. Đại sứ Việt Nam tại Ba Lan cho biết, 30- 40 năm nay chưa có một đoàn kịch nói nào của Việt Nam sang Ba Lan biểu diễn. Những năm trước kiều bào chủ yếu chỉ xem các chương trình ca múa nhạc tạp kỹ, bởi vậy vở diễn là món ăn tinh thần rất đáng quý và trân trọng. Khán giả vui lắm, tưng bừng, kịch kết thúc mà vẫn đứng chào rất lâu. Bên đó lệch múi giờ mình khoảng 5-6 tiếng, lúc biểu diễn thì ở Việt Nam đang là khoảng 1h-1h30 đêm. Diễn xong khoảng 2 tiếng, rồi lại giao lưu liên tục đến 7-8h sáng, nghĩa là khoảng 7-8 tiếng đồng hồ triền miên trên sân khấu. Mệt nhưng mà vui lắm. Bà con từ rất nhiều nơi, có người đi hàng nghìn cây số, đủ loại phương tiện đến Warszawa và Praha để xem kịch. Khán giả háo hức, anh em nghệ sĩ quên hết cả mệt mỏi, diễn tưng bừng. Bà con vui lắm, ngồi nói chuyện tâm tình, mọi người hỏi han nhiều. Có thể nói là một chuyến đi đầy ắp kỷ niệm vui!

- Tuy đã lâu không được xem kịch nhưng những gương mặt của Nhà hát Kịch Hà Nội lại rất quen thuộc với kiều bào qua màn ảnh nhỏ...

- Người ở xa luôn hướng về Tổ quốc, bởi vậy mọi người xem phim truyền hình Việt Nam rất nhiều và những gương mặt của đoàn lần này: NSND Hoàng Dũng, NSƯT Tiến Đạt, NSƯT Thu Hà, NSƯT Bích Thủy, Hồng Đăng, Ngọc Quỳnh, ca sĩ nhạc sĩ Tiến Minh... đều rất quen thuộc với khán giả bên đó. Họ trân trọng nghệ sĩ vô cùng, có những người đi cả nghìn cây số, xem xong nán lại rất lâu để chào hỏi các diễn viên, hay như gia đình anh chị Trinh – Hoa dành luôn biệt thự mới xây để tiếp đoàn,… Có quá nhiều tình cảm của kiều bào khiến anh em xúc động, bao nhiêu mệt mỏi chẳng thấm tháp gì!


- Cát bụi là một vở diễn rất xuất sắc, từng gây “chấn động” hội diễn sân khấu năm 2004 với giải Vở diễn ấn tượng nhất và nhiều giải thưởng cá nhân. Nhà hát mang vở chính kịch gai góc này tới kiều bào, hẳn cũng tạo không ít “dư chấn”?

- Khi xem xong vở, cũng có khán giả phản hồi lo lắng một chút vì vở về đề tài tham nhũng và những mặt tối của gia đình, xã hội thì sợ kiều bào nghĩ gì về xã hội nước mình hiện nay. Nhưng rồi cũng chính những khán giả lại đứng lên trả lời luôn thắc mắc đó. Họ cho rằng vở kịch tuyệt vời, cho thấy quan điểm của chúng ta hiện nay rất thoáng, cởi mở, dám nhìn thẳng vào sự thật. Tôi mượn lời một nhà văn viết về vở diễn để trả lời thắc mắc ấy rằng: “Cả vở diễn là sự độc hành của cái ác, nhưng khi cái ác cứ càng ngày càng lớn lên trong vở diễn thì nó trở thành tấm gương mờ phản chiếu hiện thực cuộc sống để nhen nhóm lên trong mỗi khán giả ngọn lửa hy vọng để chúng ta biết nhìn thấy nó mà tránh, nhìn thấy những điều xấu xa để tự tẩy rửa tâm hồn mình. Đó là điều tuyệt vời”. Mọi người vỗ tay rầm rĩ, tuyệt vời quá, đó là một triết lý sống chuẩn mực lắm và nó cũng khiến kiều bào thêm vững tin vào đời sống ở quê nhà.

- Đây là lần đầu tiên Nhà hát Kịch Hà Nội đưa đoàn sang Châu Âu biểu diễn. Sự háo hức đón nhận của kiều bào sẽ là động lực cho những chuyến đi sau và anh đã nhìn thấy nhiều chưa những cơ hội quảng bá kịch Hà Nội?

- Nhà hát đã chuẩn bị kế hoạch cho sang năm và những năm tới để đưa kịch đi lưu diễn phục vụ kiều bào. Chắc chắn đây sẽ là một kênh quảng bá và mang lại nguồn thu hiệu quả, mở ra một hướng đi rất tốt cho nhà hát. Bên cạnh đó còn tạo cho anh em nghệ sĩ cơ hội mở mang, được xem các đoàn nghệ thuật đỉnh cao của thế giới biểu diễn. Quan trọng nhất là mình đi để biết mình là ai, xu hướng của sân khấu thế giới như thế nào, trào lưu ra làm sao chứ không thể mãi cứ mình chỉ diễn với mình! Phải xem xu hướng của công chúng thế giới ra sao, họ đi theo hướng nào, kịch đương đại cách thể hiện ra làm sao, họ cũng có những thử nghiệm, có cái thành công, có cái thất bại thì mình xem để học hỏi.

- Cảm ơn những chia sẻ của anh!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những “đêm trắng” hạnh phúc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.