Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Ông lớn” Michael Kors - Chuyện về một con người, một “đế chế”

Theo Vietnamplus| 17/10/2018 07:31

Ông lớn” Michael Kors (Mỹ) mới đây đã khuấy đảo ngành thời trang toàn cầu khi mua lại đối thủ lừng danh Versace của Italia, qua đó thể hiện tham vọng chinh phục làng thời trang thế giới cũng như thách thức những tên tuổi lớn trong ngành.


Michael Kors Holdings Limited là công ty thiết kế trang phục, phụ kiện và giày dép nổi tiếng toàn cầu của Mỹ với sự hiện diện tại hơn 100 quốc gia trên khắp thế giới.

“Cha đẻ” của Michael Kors là Karl Anderson Junior, sinh ngày 9-8-1959, tại New York. Mẹ ông, từng làm người mẫu, đã tái hôn khi Karl lên 5 và đây là lý do ông có cơ hội lựa chọn một cái tên khác. Từ đó, Michael Kors được sinh ra (một lần nữa).

Nữ diễn viên Blake Lively, nhà thiết kế Michael Kors và nữ diễn viên Elaine Lively. (Nguồn: Getty Images/Independent)


Năm 1997, Michael Kors nhập học tại Viện Thời trang Công nghệ ở New York rồi bỏ ngang 9 tháng sau đó khi ông nhận được cơ hội bán thiết kế riêng của mình tại cửa hàng Lothars nơi ông làm việc.

Năm 1981, thiết kế của Kors lọt vào “mắt xanh” của Dawn Mello - nguyên giám đốc thời trang tại Fifth Avenue Bergdorf Goodman - người đã giúp Kors giới thiệu thành công bộ sưu tập trang phục nữ đến khách hàng, để trong 3 năm sau đó, bộ sưu tập của Kors đã có mặt trong kho hàng của các “ông lớn” trong ngành thời trang bấy giờ như Saks Fifth Avenue, Neiman Marcus và Bloomingdale’s.

Năm 1984 Michael Kors mở buổi trình diễn thời trang đầu tiên. Năm 1998, Michael Kors được bổ nhiệm làm giám đốc sáng tạo tại hãng thời trang Pháp Céline.

Năm 1999, LVMH mua 33% cổ phần của Michael Kors, cùng với đó, Hội đồng các nhà thiết kế thời trang Mỹ (CFDA) vinh danh Kors là Nhà thiết kế trang phục nữ của năm.

Năm 2003, Kors nhận danh hiệu Nhà thiết kế trang phục nam của năm của CFDA; Sportswear Holdings Limited đầu tư vào Michael Kors.

Năm 2004, Michael Kors rời Céline để độc lập xây dựng thương hiệu. Ông tham gia show truyền hình nổi tiếng Mỹ Project Runway với vai trò giám khảo và giữ “chiếc ghế” này trong 10 mùa.

Các bộ sưu tập phụ kiện và trang phục Michael Kors được ra mắt tại khắp các cửa hàng ở Mỹ, danh mục sản phẩm được mở rộng sang đồ bơi, quần bò, giày dép.

Thành tựu của Michael Kors còn phải kể đến việc năm 2013 ông lọt vào danh sách 100 người có ảnh hưởng nhiều nhất thế giới của tạp chí Time, danh sách 100 người New York tạo ảnh hưởng nhiều nhất của New York Observer và danh sách 50 người quyền lực của tạp chí Out.

Năm 2015, Kors được đề cử là Đại sứ Toàn cầu chống nạn đói của Chương trình Lương thực Thế giới của Liên hợp quốc.

Michael Kors được biết đến với những vụ thâu tóm bạc tỷ, bao gồm hãng thời trang Versace với giá 2,1 tỷ USD, hãng sản xuất giày Jimmy Choo PLC với giá 1,2 tỷ USD vào năm 2017.

Trải qua gần 40 năm hình thành và phát triển, Michael Kors hiện mở rộng cửa hàng tại các kinh đô về thời trang trong đó có New York, Beverly Hills, Chicago, London, Milan, Paris, Munich, Istanbul, Dubai, Seoul, Tokyo, Hong Kong, Thượng Hải, Rio de Janeiro…

Michael Kors có được thành công ngày hôm nay, ngoài các yếu tố “lõi” như chất lượng và thiết kế, không thể không nhắc đến chiến lược tiếp thị của công ty.

Một trong những điều đặc biệt trong chiến lược tiếp thị của Michael Kors là nhắm đến HENRY (viết tắt của “những người có thu nhập cao nhưng chưa giàu”).

Phân khúc khách hàng này kiếm ra 100.000 đến 250.000 USD và đang gia tăng đều đặn về mặt số lượng tại không chỉ Mỹ mà còn trên toàn cầu. Đối với Michael Kors, bí mật làm nên thành công của công ty còn là “biết khách hàng của bạn và thứ họ muốn...”.

Michael Kors từng nói: “Nếu tôi không nghĩ thứ gì đó đáng để tôi tiêu tiền, tại sao tôi lại nghĩ bất kỳ ai nên tiêu tiền?”

Trong ba tháng kết thúc vào tháng 6 vừa qua, tổng doanh thu của Michael Kors tăng 26,3% lên 1,2 tỷ USD và lợi nhuận tăng 30,6% lên 750,8 triệu USD.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
“Ông lớn” Michael Kors - Chuyện về một con người, một “đế chế”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.