Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đề thi, đáp án môn Văn: 3 điều bất ổn

HA OANH| 13/07/2007 06:49

"Đề thi không bao quát và đáp ứng được yêu cầu toàn diện của chương trình. Nội dung câu hỏi thiếu chuẩn xác. Đáp án không phù hợp với yêu cầu của đề".


Thí sinh làm bài thi môn Văn chiều 9/7. Ảnh: Lê Anh Dũng

TS Đỗ Ngọc Thống, Viện Chiến lược và Chương trình Giáo dục, Chủ biên phần Làm văn THPT (sách nâng cao) cho biết như vậy khi phân tích một số đề thi tốt nghiệp, ĐH năm nay.

Trước dư luận về đề thi Văn vừa qua,chúng tôi tìm tới TS. Đỗ Ngọc Thống và ông đã trình bày ý kiến với bài viết sau đây - bài viết được tác giả đặt tựa đề: "Đề thi môn Văn (2007) và những điều bất ổn".

Trong vài tháng qua, học sinh lớp 12 trong toàn quốc phải trải qua hai kì thi hết sức quan trọng: thi tốt nghiệp THPT và thi CĐ, ĐH. Trong hai kì thi ấy, mặc dù Bộ GD-ĐT đã hết sức cố gắng nhằm thay đổi cách ra đề, nhất là đối với các môn khoa học tự nhiên nhưng theo chúng tôi, vẫn còn khá nhiều vấn đề cần trao đổi và rút kinh nghiệm. Trong phạm vi hiểu biết của mình, chúng tôi chỉ nêu lên một số điểm bất ổn của đề thi môn Văn (nay gọi là môn Ngữ văn) ở cả hai kì thi vừa nêu trên.

Nội dung câu hỏi thiếu chuẩn xác (nếu không muốn nói là không đúng)

Một trong những yêu cầu quan trọng nhất của đề thi là tính chuẩn xác. Đề có thể chưa hay, có thể dễ hoặc khó, nhưng không được sai sót... Điều này không có gì mới, nhưng tiếc rằng khi thực hiện vẫn mắc phải, dù không nhiều nhưng vẫn rất đáng tiếc.

Chẳng hạn, trong đề thi tốt nghiệp THPT vừa qua, câu 2 của đề II (Giải thích ý nghĩa nhan đề truyện ngắn Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành), theo chúng tôi, câu này thiếu chuẩn xác.

Chúng ta đều biết, đối với nhiều tác phẩm văn học, nhan đề của chúng rất quan trọng; chẳng hạn: Tắt đèn (Ngô Tất Tố); Bước đường cùng (Nguyễn Công Hoan); Sống mòn (Nam Cao) Người mẹ cầm súng (Nguyễn Thi); Vợ nhặt (Kim Lân); Đất nước đứng lên (Nguyên Ngọc); Từ ấy (Tố Hữu); Tràng giang (Huy Cận)...

Nhưng không phải nhan đề của tác phẩm văn học nào cũng có một ý nghĩa sâu sắc; có những nhan đề không gợi lên điều gì cả, tác giả không nhằm gửi gắm gì ở nhan đề ấy... Chúng chỉ là những nhan đề bình thường, như là các chi tiết, hình ảnh, ngôn từ... bình thường trong tác phẩm, không cần phân tích, giải mã gì cả; chẳng hạn: Vũ Như Tô (Nguyễn Huy Tưởng); Chí Phèo (Nam Cao); Vợ chồng A Phủ (Tô Hoài); Làng (Kim Lân); Hòn Đất (Anh Đức); Mưa (Trần Đăng Khoa); Chiều xuân (Anh Thơ); Lai Tân (Hồ Chí Minh)...

Nhan đề Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành thuộc loại thứ hai. Cần nói rõ là sau khi đọc xong tác phẩm này, người đọc mới thấy hình tượng hoặc hình ảnh cây/rừng xà nu trong tác phẩm rất có ý nghĩa. Như thế bản thân nhan đề của tác phẩm này không có ý nghĩa mà chỉ có hình tượng/hình ảnh cây/ rừng xà nu trong tác phẩm mới hàm chứa một ý nghĩa sâu sắc mà thôi. Người ra đề làm đáp án hoàn toàn theo yêu cầu phân tích ý nghĩa hình tượng cây/rừng xà nu trong tác phẩm cùng tên của Nguyễn Trung Thành, chứ không phải đáp án cho câu hỏi giải thích ý nghĩa nhan đề tác phẩm như đề đã nêu lên.

Đáp án không phù hợp với yêu cầu của đề

Làm đáp án cho đề thi môn văn là hết sức vất vả và khó khăn do đặc trưng của bộ môn này. Đáp án vừa phải nêu lên được các chuẩn để người chấm (GV) thực hiện, vừa phải chừa ra một khoảng trống để dành cho sự sáng tạo của người viết (HS). Văn học lại có nhiều cách hiểu rất khác nhau và có thể cùng được chấp nhận... vì thế đáp án khó khuôn vào một cách cứng nhắc. Tuy nhiên, nhìn chung đáp án vẫn phải bảo đảm các yêu cầu cơ bản, logic và phù hợp với đề. Tránh tình trạng đề yêu cầu một đường, đáp án nêu một nẻo.

Rất tiếc là đáp án cho đề thi đại học khối D, câu số 2 đã mắc phải lỗi này. Câu số 2 yêu cầu như sau: "Phân tích bài thơ Tràng giang của Huy Cận để làm nổi bật rõ vẻ đẹp vừa cổ điển vừa hiện đại".

Với đề văn như thế, chỉ có thể hiểu trọng tâm bài viết mà người ra đề yêu cầu là: làm sáng tỏ được vẻ đẹp vừa cổ điển, vừa hiện đại của bài thơ Tràng giang. Vẻ đẹp vừa cổ điển, vừa hiện đại là đích hướng tới của sự phân tích. Cùng một đối tượng (bài thơ), nhưng phân tích nhằm làm sáng tỏ điều gì là rất quan trọng.

Cũng với bài Tràng giang nhưng có thể phân tích để làm sáng tỏ rất nhiều yêu cầu khác nhau. Chẳng hạn phân tích để thấy vẻ đẹp của ngôn ngữ nghệ thuật; phân tích để thấy lòng yêu quê hương đất nước của tác giả; phân tích để thấy nỗi sầu và cái tôi cô đơn, bơ vơ trước đất trời của Huy Cận; phân tích để tìm hiểu không gian, thời gian và quan hệ của chúng trong bài thơ... phân tích để thấy vẻ đẹp vừa cổ điển vừa hiện đại của bài thơ chỉ là một yêu cầu như các vấn đề vừa nêu. 

XEM ĐIM THI ĐH, CĐ QUA SMS

Tra điểm thi, soạn tin:DT số báo danh gửi tới 998

(SBD ghi giống trong phiếu báo thi, bao gồm cả mã trường). 

Tra điểm chuẩn, soạntin: DC mã trường gửi tới 998

Trong trường hợp này người viết không cần phân tích toàn bộ bài thơ mà chỉ "nhặt ra" những gì liên quan và làm sáng tỏ cho vấn đề mà đề bài yêu cầu. Trong khi đó, đáp án của Ban ra đề lại dành phần lớn điểm (3/5) cho việc phân tích toàn bộ bài thơ; phần chỉ ra "vẻ đẹp vừa cổ điển vừa hiện đại, trọng tâm của bài, thì chỉ được 1/5 số điểm (giới thiệu chung và kết luận 1/5 số điểm còn lại). Theo tôi đáp án này không đáp ứng đúng yêu cầu của đề, lệch trọng tâm và thừa một cách không cần thiết. Nếu đáp án như thế thì đề phải sửa lại như sau: Phân tích bài thơ Tràng giang của Huy Cận và chỉ ra vẻ đẹp vừa cổ điển vừa hiện đại của thi phẩm. Thay một chữ (để bằng chữ và) trong đề nhưng là hai quan niệm, hai yêu cầu, hai cách làm bài rất khác nhau.

Với câu số 2 của đề văn khối D, về cách làm và yêu cầu đáp án, tôi hoàn toàn tán thành với ý kiến của em HS, đại diện cho nhiều HS trường Hà Nội - Amsterdam. Nghĩa là có hai cách làm, "Cách 1: Phân tích từng khổ theo đúng trình tự và làm đến đâu chỉ ra vẻ đẹp cổ điển và hiện đại ngay chỗ đó. Cách 2: Nêu ra 2 luận điểm riêng về nột đẹp cổ điển và hiện đại rồi dựng ý trong bài thơ để chứng minh". Đáp án phải xây dựng theo hai hướng này mới đáp ứng đúng yêu cầu của đề.

Rất tiếc là đáp án của Ban ra đề không theo hai cách trên đây. Tuy nhiên điều đáng quan tâm hơn là với đáp án như thế, theo chúng tôi, các em HS giỏi sẽ bị thiệt thòi rất nhiều. Có thể nói, với đề thi như thế, nếu người chấm bám sát đáp án của ban ra đề thì chỉ có thể tuyển được những HS trung bình và kém. Các HS giỏi cùng lắm chỉ được 1 hoặc 2 điểm ở câu này (tổng 5 điểm). Liệu như thế có đáng quan tâm không? Trong khi, ai cũng biết, với thi ĐH và CĐ mỗi HS chỉ cần hơn nhau 0,5 điểm là số phận đã khác rồi!

Đề thi: Không bao quát và đáp ứng được yêu cầu toàn diện của chương trình

Một trong những hạn chế rất lớn của chương trình (CT) và sách giáo khoa (SGK) Văn cải cách giáo dục (CCGD) là coi nhẹ văn nghị luận xã hội (NLXH). Biểu hiện rõ nhất là ở các kì thi tốt nghiệp, thi vào ĐH, CĐ, đề thi chỉ tập trung vào nghị luận văn học (NLVH). Nghị luận xã hội dường như bị bỏ quên từ lâu, mặc dù nó vẫn có trong CT và SGK. Ở nước ta, một khi không bao giờ thi thì có nghĩa là giáo viên (GV) và học sinh (HS) không bao giờ dạy và học.

Do nhận thấy sự mất cân đối và phiến diện trong dạy học làm văn cấp Trung học vừa nêu, nên CT và SGK Ngữ văn mới (sau 2000) cả THCS và THPT đã kịp thời điều chỉnh. Văn NLXH đã được chú ý và coi trọng không chỉ ở phần làm văn mà cả ở phần Văn học, tiếng Việt. Trong năm học số bài kiểm tra NLVH và NLXH là bằng nhau, tỉ lệ giữa NLXH và NLVH là 50/50. Sau một vài năm thực hiện CT và SGK Ngữ văn mới, nhiều HS đã viết được những bài văn NLXH rất sâu sắc, được dư luận báo chí đăng tải, đồng tình và biểu dương, khen ngợi...

Thế nhưng, điều quan trọng nhất là kiểu văn NLXH vẫn chưa được đưa vào thành một yêu cầu trong các kì thi quan trọng. Cho đến kì thi này, HS học CT và SGK Ngữ văn THPT (thí điểm phân ban) đã thi tốt nghiệp và ĐH, CĐ năm thứ hai... Nhưng cả 2 năm qua ,các đề thi tốt nghiệp và thi ĐH, CĐ đều làm ngơ trước yêu cầu về NLXH.

Trong các đợt bồi dưỡng GV dạy theo CT và sách Ngữ văn mới, rất nhiều thầy, cô giáo tỏ ra bất bình trước cách ra đề cũ mòn của Bộ, trong khi chính các tác giả sách cứ yêu cầu họ thực hiện cách học, cách dạy, cách kiểm tra, thi cử, đánh giá mới... Đối với môn Ngữ văn, một trong điểm đổi mới ấy là cần đưa một phần NLXH vào đề thi. Ngay cả với hệ đại trà, học theo CT và sách CCGD, yêu cầu này cũng cần được chú ý. Chúng tôi cho rằng trong 3 câu (10 điểm) cần có 1 câu NLXH chiếm từ 3-4 điểm mới phù hợp.

Trong khi môn Ngữ văn chưa thực hiện được một phần thi trắc nghiệm khách quan, thì càng nên đổi mới cách ra đề thi tự luận. Kết hợp NLXH với NLVH; coi trọng và chú ý vấn đề ra như thế nào hơn ra cái gì, tác phẩm nào... Ngoài các ý nghĩa về nội dung tư tưởng, trình độ tư duy, cách lí giải và lập luận; cách chứng minh và phản bác một vấn đề xã hội, đạo lí nào đó; ra đề NLXH còn là một hình thức chống sao chép, chống "phao" thi một cách hữu hiệu nhất. Có thể nói, với đề NLXH, dù HS mang tài liệu vào phòng thi cũng... vô ích.

Rất tiếc là cả 2 năm qua, ban soạn thảo đề thi, không hiểu vì lí do gì, đã không hề chú ý đến yêu cầu về NLXH, trừ kỳ thi HS giỏi quốc gia năm 2007 vừa qua (Đề thi HSG 20 điểm, trong đó có 1 câu NLXH chiếm 8 điểm, NLVH chiếm 12 điểm).

Những điều băn khoăn

Ngoài những vấn đề nêu trên, xem xét kĩ các câu hỏi và đáp án cho đề thi (Tốt nghiệp THPT và ĐH-CĐ) môn văn 2007, chúng tôi thấy còn nhiều điểm cần trao đổi. Tuy nhiên, những điểm ấy không ảnh hưởng lớn đến kết quả đánh giá bài viết của HS.

Với những vấn đề vừa nêu trên, điều chúng tôi băn khoăn vẫn là:

- Làm thế nào để các em HS giỏi không bị thiệt thòi trong kì thi vừa qua?

- Chương trình và SGK Ngữ văn đã thay đổi nhiều, cách ra đề của nhiều nước trên thế giới ở môn học này cũng đã thay đổi rất mạnh mẽ, nhất là Trung Quốc - một nước có nền GD rất gần với GD Việt Nam. Trong khi cách ra đề thi Văn của ta vẫn còn quá cũ mòn, không những thế còn vấp phải những sai sót không đáng có ở các kì thi quan trọng như trên thì thật là một điều đáng tiếc!

Cũng biết rằng đây chỉ là ý kiến cá nhân, nhưng chúng tôi vẫn nêu lên để các cơ quan và những người có trách nhiệm xem xét, trao đổi lại để cùng rút kinh nghiệm.

Hà Nội, 12/7/2007

Đỗ Ngọc Thống

Theo VNN

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đề thi, đáp án môn Văn: 3 điều bất ổn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.