Theo dõi Báo Hànộimới trên

Người lớn thiếu kỹ năng

Lâm Vũ| 20/06/2011 06:54

(HNM) - Tuổi học sinh THCS xuất hiện sự thay đổi, có thể kéo theo những xung đột trong mối quan hệ cha mẹ và con, nếu không giải quyết tốt sẽ gây hậu quả nặng nề. Thực tế cho thấy, xung đột tâm lý là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng phạm pháp ở thanh,  thiếu niên, đặc biệt là ở độ tuổi THCS.

Tâm lý và nhu cầu độc lập của lứa tuổi học sinh THCS là điều mà các bậc phụ huynh cần quan tâm. Ảnh: Trung Kiên


Thiếu kỹ năng giải quyết xung đột
Nghiên cứu của TS. Đỗ Hạnh Nga, Trường Đại học KHXH&NV TP Hồ Chí Minh đối với 1.460 học sinh THCS và cha mẹ các em cho thấy khi xảy ra xung đột, loại hành vi áp đặt được cha mẹ sử dụng nhiều nhất. Để giải quyết xung đột, cha mẹ thường hay la mắng, cấm đoán, đe dọa (nhốt, bắt nhịn ăn, đuổi khỏi nhà), thậm chí là đánh đập con.

Hành vi tránh né xung đột, lảng tránh sự bất đồng ý kiến giữa cha mẹ và con hoặc bỏ qua những tình huống gây nên xung đột tâm lý với hy vọng xung đột sẽ tự mất đi được cha mẹ sử dụng ít hơn. Rất ít người tìm cách thương lượng để đạt được một sự thỏa mãn tương đối của mỗi bên. Trong gia đình, con cái hay đòi hỏi cha mẹ điều gì đó, nếu cha mẹ không đồng ý và tỏ thái độ cương quyết thì xung đột ở mức độ nhẹ có thể xảy ra, nhưng con sẽ thôi không tiếp tục đòi hỏi nữa. Còn ngược lại, trẻ sẽ tiếp tục đòi hỏi vì nó biết rằng đến một lúc nào đó, cha mẹ sẽ phải xiêu lòng và chiều theo ý chúng.

Tốt nhất là hiểu nhau
TS. Đỗ Hạnh Nga cho biết, trong quan hệ cha mẹ với con, hành vi thương lượng khó có hiệu quả nếu xét từ góc độ giáo dục. Việc thương lượng chỉ có tác dụng tạm thời thỏa mãn đòi hỏi của con chứ không giải quyết được tận gốc nguyên nhân sâu xa của xung đột và do đó, xung đột càng về sau càng trầm trọng hơn. Một khi trẻ con đã quen với cách thỏa hiệp theo kiểu "nếu con làm được điều này thì cha mẹ sẽ đáp ứng cho con điều kia"… thì chúng sẽ lấn lướt và càng nảy sinh nhiều tình huống xung đột mới với cha mẹ.

Việc cha mẹ tránh né khi có xung đột tâm lý với con có thể tránh gây cho con những tổn thương tâm lý nhưng cũng không phải là cách ứng xử hay. Kết quả phỏng vấn sâu những trường hợp xung đột nặng giữa cha mẹ và con cho thấy, nhiều cha mẹ biết con hư (trốn học đi chơi, chơi với bạn xấu, xem phim cấm...) nhưng đã bỏ qua. Đến khi con mắc sai phạm nghiêm trọng hơn, khiến cha mẹ không thể né tránh được nữa, bắt đầu dạy dỗ thì xung đột tâm lý trở nên rất nặng nề và việc giải quyết xung đột khó khăn hơn rất nhiều.

Bốn loại hành vi áp đặt, tránh né, điều chỉnh và thương lượng đều đưa lại những hậu quả không tốt vì không giải quyết được một cách cơ bản vấn đề xung đột giữa cha mẹ và con. Chỉ có hành vi hiểu biết lẫn nhau là giải quyết được tận gốc vấn đề và phù hợp với đặc điểm tâm lý lứa tuổi học sinh THCS. Hiểu biết lẫn nhau nghĩa là cả cha mẹ và con đều đối diện trực tiếp với xung đột để tìm hiểu nguyên nhân và lắng nghe lẫn nhau. Nhưng, kết quả nghiên cứu cho thấy cha mẹ đang thiếu những kỹ năng cần thiết để giải quyết vấn đề khi xung đột xảy ra. Cách ứng xử của đa số cha mẹ hiện nay chỉ càng khiến cho xung đột nặng nề thêm.

Theo TS. Đỗ Hạnh Nga, cha mẹ nên trang bị kiến thức về cách giáo dục con và các biện pháp giải quyết xung đột một cách hiệu quả. Hiểu rõ đặc điểm tâm sinh lý và nhu cầu độc lập của con, đồng thời đặt mình vào vị trí, hoàn cảnh của con khi xem xét và giải quyết vấn đề, cha mẹ sẽ tránh được xung đột tâm lý từ cả hai phía. Nhà trường cũng có thể góp sức với việc thành lập phòng tư vấn tâm lý cho học sinh, cha mẹ và thầy cô giáo để giúp họ cùng nhận diện, xác định và giải quyết tốt những xung đột nảy sinh trong cuộc sống.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Người lớn thiếu kỹ năng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.