Theo dõi Báo Hànộimới trên

Năm học mới, nỗi lo cũ!

Minh Đức - Tùng Linh| 14/08/2011 06:37

(HNM) - Ngày mai (15-8), hơn một triệu học sinh các cấp học mầm non, phổ thông trên địa bàn TP Hà Nội chính thức bước vào năm học mới 2011-2012. Việc chưa tăng học phí theo quy định của ngành giáo dục vào thời điểm này dường như chỉ mới giúp các bậc phụ huynh an lòng phần nào. Nỗi lo lớn nhất vẫn là các khoản thu phát sinh mang tên gọi "thỏa thuận", tiếp sau đó là những căn bệnh học đường do điều kiện cơ sở vật chất còn nhiều thiếu thốn, lạc hậu, nhất là ở vùng ngoại thành, vùng núi.

Những khoản tiền hỗ trợ phục vụ học tập và sinh hoạt của học sinh cần thu hợp lý để phụ huynh bớt gánh nặng đóng góp dịp đầu năm học. Ảnh: Bảo Lâm

Phụ huynh bớt gánh nặng, nỗi lo?

Nhận thức rõ đây là vấn đề nhạy cảm với dư luận và từ thực tế một số vụ việc từng xảy ra gây bức xúc trong phụ huynh, lãnh đạo Sở GD-ĐT đã yêu cầu các nhà trường phải đặc biệt lưu ý khi triển khai việc thu - chi dịp đầu năm học. Để giúp các trường thuận tiện khi triển khai, văn bản hướng dẫn gửi các phòng GD-ĐT và các trường trực thuộc, ngày 12-8-2011 của Sở GD-ĐT đã nêu rõ đâu là những khoản thu theo quy định, đâu là khoản thu hộ, thu theo thỏa thuận; ai chịu trách nhiệm thu; việc sử dụng các nguồn thu như thế nào; tổ chức thực hiện ra sao…

Yêu cầu này không phải là mới, vì đã được quán triệt tới thủ trưởng các đơn vị, các trường học trên địa bàn TP từ vài năm qua, song việc thực hiện còn khiến dư luận băn khoăn. Thực tế tại các trường cho thấy, khoản thu theo thỏa thuận thường gây nhiều tai tiếng nhất. Đã là thỏa thuận sao lại gây tai tiếng? Tại sao tình trạng lạm thu vẫn luôn "nóng" mỗi dịp đầu năm học? Nguyên do một phần xuất phát từ mức thu học phí và các khoản thu theo quy định của TP đã quá lạc hậu (được ban hành từ năm 2000) khiến các trường không đủ xoay xở để phục vụ cho việc dạy - học theo yêu cầu mới. Vì thế mới có các khoản thu hợp lý nhưng không hợp pháp (vì không có trong quy định), song lại cần thiết để phục vụ cho việc học tập, sinh hoạt của HS (tiền ăn trưa, hỗ trợ mua sắm thiết bị phục vụ bán trú, tiền điện, nước sạch…). Nguyên tắc thu đủ chi trên tinh thần tự nguyện được áp dụng, song cũng có nơi mượn danh nghĩa thỏa thuận hay tự nguyện để thu nhiều thu sai quy định, gây ra bức xúc.

Để phụ huynh bớt gánh lo dịp đầu năm học, năm nay, lãnh đạo Sở GD-ĐT đã yêu cầu các trường phải thông báo công khai bằng văn bản tới từng cha mẹ HS về các khoản thu, không được thu gộp nhiều khoản vào đầu năm học. Quy định bắt buộc về nguyên tắc tổ chức Ban đại diện cha mẹ HS; những hoạt động trực tiếp, phối hợp trong các hoạt động giáo dục; quản lý và sử dụng nguồn thu… đã được cụ thể hóa tại văn bản hướng dẫn hoạt động của Ban đại diện cha mẹ HS các trường phổ thông TP Hà Nội, giúp cho hoạt động này ngày càng minh bạch, hiệu quả hơn. Theo đó, cha mẹ HS có quyền từ chối những khoản đóng góp mà Ban đại diện cha mẹ HS lớp, trường yêu cầu nếu không bảo đảm nguyên tắc tự nguyện và không đúng nội dung chi mà cha mẹ HS đã thỏa thuận. Vấn đề còn lại là trách nhiệm của hiệu trưởng từng đơn vị thực hiện nghiêm túc như thế nào và các bậc phụ huynh có dũng cảm phản ứng lại khi thấy "có vấn đề" hay không?

Học sinh có được chăm chút hơn?

Việc phòng tránh cho các em những căn bệnh học đường do ảnh hưởng từ điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị trong nhà trường luôn được coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành. Qua kiểm tra, giám sát về vệ sinh y tế học đường hai năm học trước đây tại 45 trường tiểu học, THCS, THPT trên địa bàn phía tây TP cho thấy, phòng học của 13,3% trường không đạt độ chiếu sáng theo quy định. Về nguồn nước sinh hoạt, 53,3% số trường sử dụng nguồn nước giếng khoan có lọc và 22,2% số trường sử dụng nước máy. Đáng lưu ý, chỉ có 22,2% số trường thực hiện xét nghiệm nước sinh hoạt định kỳ. Vẫn còn hàng trăm trường chỉ được xếp loại trung bình và không xếp loại về  công tác vệ sinh học đường do các điều kiện về vệ sinh học đường, vệ sinh an toàn thực phẩm chưa bảo đảm. Trong đó có các điều kiện rất cần thiết như bảng viết chưa đúng tiêu chuẩn, bàn ghế chưa phù hợp với lứa tuổi, bếp ăn chưa đúng quy định, không có vòi nước rửa tay, thiếu nhà vệ sinh, diện tích sân trường, lớp học còn chật chội...

Việc khám sức khỏe toàn diện cho học sinh đầu năm học tránh cho các em những căn bệnh học đường. Ảnh: Bảo Lâm

Thực trạng ấy dẫn đến sự gia tăng một số bệnh tật, điển hình ở lứa tuổi học đường như cận thị, cong vẹo cột sống, bệnh răng miệng, nhiễm giun sán... Kết quả khám sức khỏe toàn diện cho HS của 12 trường, đại diện cho các địa bàn tại Hà Nội đã phản ánh tỷ lệ mắc bệnh học đường vẫn cao: 73,5% HS mắc bệnh hoặc có những triệu chứng bất thường cần đến cơ sở y tế để theo dõi; 41,2% HS bị sâu răng; 31,7% HS mắc bệnh về tai mũi họng; 6,78% HS có nguy cơ béo phì. Đặc biệt, có 32,9% HS bị tật khúc xạ, trong đó cận thị chiếm 30,2% và tăng dần theo từng cấp học. Đây là nỗi lo thường trực của nhiều phụ huynh.

Với kinh phí 1 tỷ 199 triệu đồng, năm học 2011-2012 chương trình y tế học đường phấn đấu 80% trường mầm non, phổ thông có cán bộ chuyên trách và 55% trường có phòng y tế theo quy định. Sẽ có 15 trường được triển khai thí điểm mô hình đăng ký chuẩn y tế học đường; 100% HS phổ thông được khám sức khỏe định kỳ, trong đó chú trọng tới các bệnh về răng miệng, mắt, tim mạch, hen phế quản và cong vẹo cột sống... Tất cả các trường hợp phát hiện mắc bệnh sẽ được thông báo cho gia đình để cùng phối hợp điều trị cho các em. Năm học này, các em sẽ tiếp tục được khám sàng lọc một số dị tật thị giác, trường hợp khúc xạ nặng sẽ được điều trị bằng phẫu thuật. Việc kiểm tra công tác bảo đảm VSATTP tại các trường học ngoại thành có tổ chức bếp ăn bán trú cho HS để hạn chế các bệnh lây truyền qua đường thực phẩm cũng sẽ được tổ chức thường xuyên hơn, góp phần giúp các em yên tâm học tập.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Năm học mới, nỗi lo cũ!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.