Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhiều nhu cầu, lắm thách thức

Th.s Nguyễn Thế Đại| 10/03/2012 07:23

(HNM) - Giáo dục cần đáp ứng nhu cầu người học, nhu cầu xã hội. Nhà trường cần dạy cái mà người học và xã hội cần - đó là quan điểm mà những nhà quản lý giáo dục phải quan tâm để chương trình giáo dục Việt Nam phong phú, đa dạng tương thích với các mô hình giáo dục đang hiện hữu.

Giáo viên và học sinh Trường Hanoi Academy trong một giờ học.

Thực hiện chủ trương xã hội hóa giáo dục nhằm huy động nhân lực, vật lực, tài lực của toàn xã hội, giáo dục đã có bước phát triển mạnh và đạt được những kết quả đáng phấn khởi, đặc biệt là ở những nơi có điều kiện kinh tế, xã hội thuận lợi. Hệ thống các trường ngoài công lập (NCL) hình thành và phát triển mạnh mẽ, góp phần đáng kể thực hiện công tác phổ cập giáo dục toàn dân. Mô hình giáo dục cũng ngày càng phong phú đa dạng, đáp ứng nhu cầu thiết thực của phụ huynh. Hiện các trường NCL đang tổ chức dạy và học theo nhiều loại chương trình: dạy và học 2 buổi/ngày; liên kết với các cơ sở giáo dục quốc tế đưa vào nội dung giảng dạy các chương trình giáo dục có yếu tố nước ngoài với các mức độ khác nhau; chương trình song ngữ; chương trình quốc tế…

Hiện nay một bộ phận không nhỏ gia đình thành đạt trong cuộc sống có khả năng tài chính, mong muốn đầu tư cho con được theo học chương trình giáo dục phổ thông chất lượng cao ngay tại Việt Nam. Họ không muốn gửi con đi du học ngay từ bậc học phổ thông, độ tuổi vẫn cần được sự chăm sóc, chia sẻ tình cảm của cha mẹ và người thân để hình thành và phát triển đầy đủ nhân cách của con người Việt. Họ mong muốn con em mình được học chương trình giáo dục Việt Nam với những chuẩn kiến thức, kỹ năng một cách cơ bản và toàn diện. Song họ cũng muốn con được theo học một chương trình quốc tế để được tiếp cận những ưu việt của giáo dục quốc tế, sử dụng thành thạo tiếng Anh, chuẩn bị cho bước tiếp theo sau khi học xong THPT. Chương trình giáo dục song ngữ là một trong những sự lựa chọn thỏa mãn nhu cầu ấy.

Đây là mô hình đáp ứng được nhu cầu của nhiều gia đình HS trong thời kỳ hội nhập quốc tế và được phát triển tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh… Chương trình giáo dục song ngữ được đánh giá là một chương trình giáo dục trình độ chất lượng cao, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực trong thời kỳ hội nhập. Tuy nhiên, để đáp ứng được nhu cầu của người học, chương trình này cần được linh hoạt điều chỉnh trên cơ sở bảo đảm mục tiêu về chuẩn kiến thức, kỹ năng và thái độ. Thời lượng để thực hiện chương trình cũng cần được điều chỉnh phù hợp với nhu cầu và khả năng học tập của HS, điều kiện về cơ sở vật chất, sĩ số HS/lớp của từng trường. Các trường song ngữ hiện nay thường được tổ chức học 2 buổi/ngày; từ 7 đến 8 tiết/ngày; học 5 ngày/tuần; số tiết học từ 35 đến 40 tiết/tuần; quy mô sĩ số lớp không quá 25 học sinh/lớp. Với sĩ số học sinh/lớp ít, đội ngũ giáo viên có chất lượng cao, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học đầy đủ, hiện đại, chất lượng tuyển sinh cao, các trường song ngữ có thể thực hiện chương trình giáo dục Việt Nam với thời lượng ít hơn quy định, để dành thời gian thực hiện chương trình quốc tế.

Các trường tổ chức dạy học theo chương trình song ngữ đang gặp một vấn đề khó khăn là còn thiếu các văn bản chỉ đạo của các cấp quản lý ngành về việc xây dựng chương trình tích hợp song ngữ khi thực hiện cùng một lúc hai chương trình giáo dục Việt Nam và quốc tế. Cũng do hình thành và phát triển tự phát nhằm thỏa mãn nhu cầu của phụ huynh HS nên cho tới nay vẫn chưa có một mô hình trường song ngữ chuẩn nào để các trường học tập. Các đơn vị đều phải tự mày mò, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, từ cách thức tổ chức, nội dung chương trình… HS phải học đồng thời cả hai chương trình giáo dục Việt Nam và quốc tế trong một thời lượng có hạn, nếu không có sự nghiên cứu đầy đủ để tích hợp 2 chương trình giáo dục thành một "chương trình song ngữ" hợp lý thì sẽ gây áp lực lớn cho HS trong quá trình học tập.

Để tạo điều kiện cho học sinh có thể theo học chương trình song ngữ có hiệu quả, nhằm nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo tại các trường song ngữ, một mô hình giáo dục đang được phát triển, Bộ GD-ĐT và các cấp quản lý giáo dục cần quan tâm đầu tư chỉ đạo các trường song ngữ xây dựng một chương trình dạy và học có chất lượng với một thời lượng hợp lý, đáp ứng nhu cầu người học và nhu cầu phát triển xã hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều nhu cầu, lắm thách thức

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.