Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thiếu trường chuyên biệt cho trẻ

Duy Biên| 25/07/2012 06:46

(HNM) - Những năm gần đây, tại TP số lượng trẻ tự kỷ ngày càng gia tăng, trong khi đó trường học và giáo viên dành chuyên dạy trẻ mắc căn bệnh này còn hạn chế.


Hồ bơi cho trẻ tự kỷ tại Trường chuyên biệt Bim Bim (TP Hồ Chí Minh).

Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo TP, tại địa bàn các quận: 4, 7, 9, Bình Tân, Thủ Đức, huyện Nhà Bè, Hóc Môn hiện vẫn chưa có trường chuyên biệt công lập dành cho trẻ tự kỷ. Các trường chuyên biệt dân lập thì hầu hết khó khăn, thiếu thốn từ đồ dùng học tập, đồ chơi, sách vở cũng như nguồn giáo viên, cán bộ y tế, bảo mẫu... Tại các địa phương "trắng" trường chuyên biệt, các bậc phụ huynh phải khổ sở tìm nơi cho con em vào học.

Chị Nguyễn Thị Hằng ở quận Bình Tân có con trai 4 tuổi bị tự kỷ. Ban đầu chị gửi con ở một trường mầm non công lập, nhưng chỉ vài tháng trường phải trả bé về vì bé luôn lặp lại các hành vi cũ và không có biểu hiện tiến bộ. Gia đình chị đã cất công tìm trường chuyên biệt phù hợp cho con học tiếp, nhưng quận Bình Tân chưa có loại trường này. Được một người bạn giới thiệu chị tìm được vài cơ sở tư nhân, nhưng học phí lại quá cao, ít nhất 5-6 triệu đồng/tháng, quá sức so với đồng lương công nhân của hai vợ chồng. Cực chẳng đã chị đành để con ở nhà nhờ bố mẹ chồng trông giúp.

Tương tự, chị Phạm Thị Tâm ở quận 7 có con 3 tuổi mắc chứng tự kỷ. Quận 7 không có trường học chuyên biệt, chị phải đưa con sang học ở một trường bên quận Bình Thạnh. "Vợ chồng tôi luôn tìm mọi cách để con mình bớt thiệt thòi, được thụ hưởng mọi quyền lợi trẻ thơ như những đứa trẻ bình thường khác. Chỉ có điều trong khi trẻ bị down, khiếm thính, khiếm thị, trẻ nhiễm chất độc da cam/dioxin… đều có trường lớp riêng, nhưng trẻ tự kỷ thì lại không" - chị Tâm buồn rầu!

Những năm gần đây, số ca chẩn đoán mắc bệnh tự kỷ ngày càng tăng. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay của bệnh này là không dùng thuốc điều trị mà bệnh chủ yếu phục hồi bằng tâm lý. Trẻ tự kỷ thường có biểu hiện la hét khiến giáo viên rất vất vả, nên ít thí sinh đăng ký nộp hồ sơ thi tuyển vào ngành học này. Bà Lê Thị Minh Hà, Trưởng khoa Giáo dục đặc biệt của Trường ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh cho hay, những năm gần đây khoa đã đào tạo giáo viên chuyên về giáo dục đặc biệt, ngoài tuyển sinh chính quy còn mở những lớp tại chức và các khóa bồi dưỡng ngay tại các trường nhưng vẫn rất thiếu so với nhu cầu. "Sinh viên giáo dục đặc biệt sau khi tốt nghiệp, nếu được về dạy tại các trường chuyên biệt thì mới có ngạch lương riêng, còn ở các trường khác thì không. Trường nào muốn nhận họ thì phải tự trích quỹ trả lương. Do đó, chỉ một số trường có điều kiện mới dám nhận, số sinh viên còn lại phải sang các trường tư. Mặc dù tiêu chuẩn đầu vào khá thấp nhưng ít người mặn mà với ngành học này. Tình trạng thiếu giáo viên giáo dục đặc biệt sẽ tiếp tục kéo dài nếu không có sự thay đổi về chế độ đãi ngộ". Bà Hà nói.

Việc giúp trẻ tự kỷ được học tập, vui chơi, được hòa nhập cộng đồng để các em có thể phát triển như những đứa trẻ bình thường khác, ngoài sự quan tâm của các bậc phụ huynh, còn là trách nhiệm của toàn xã hội nói chung và ngành giáo dục TP nói riêng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thiếu trường chuyên biệt cho trẻ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.