Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tật khúc xạ ở học sinh: Bệnh của thói quen xấu

Tùng Linh| 20/08/2012 07:05

(HNM) - Cứ đến mùa tựu trường, các bệnh học đường luôn là điều khiến các phụ huynh quan tâm, lo lắng. Theo số liệu của Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, cong vẹo cột sống chiếm tỷ lệ 10,1% học sinh (HS), bệnh răng miệng chiếm 58%, các tật khúc xạ chung chiếm 13,48%.


80% là do thói quen xấu

Hiện chưa có một đánh giá, điều tra riêng trên phạm vi toàn quốc về tật khúc xạ học đường. Song, theo số liệu điều tra về phòng chống mù lòa của Bệnh viện Mắt trung ương vừa công bố tuần qua, ước tính Việt Nam có gần 3 triệu HS dưới 15 tuổi mắc các tật khúc xạ cần được chỉnh kính, trong đó cận thị chiếm 2/3 và tập trung ở các đô thị. Chỉ riêng tại các quận nội thành Hà Nội, tỷ lệ học sinh mắc các tật khúc xạ lên tới 50-60%. Trong số đó, hơn 30% các em bị cận, 32% bị lệch khúc xạ và các loại tật khác. Chỉ có khoảng 20% các em bị tật khúc xạ do yếu tố di truyền, còn hơn 80% là do các thói quen xấu, khiến mắt làm việc quá tải như học quá nhiều với bàn ghế và ánh sáng không chuẩn, mê chơi game, xem TV, ngồi không đúng cự ly...


Khám sức khỏe định kỳ cho học sinh tại Trường THCS Thành Công (Ba Đình).Ảnh: Bảo Lâm

Là căn bệnh phổ biến, song nhìn chung việc quan tâm kịp thời tới tật khúc xạ còn nhiều hạn chế vì biểu hiện của nó thường đến từ từ, không để ý sẽ khó nhận thấy, lại không phải căn bệnh "chết người". Trừ trường hợp mang tính bẩm sinh, tiến triển nhanh, trẻ bị cận thị ở tuổi mẫu giáo và tiểu học rất dễ bị bỏ qua. Khi lên các lớp lớn hơn, các triệu chứng đã rõ rệt để nhận biết thì nhiều em đã bị suy nhược thị lực và có những biến chứng rất đáng tiếc. Lúc này, bệnh đã có thể khiến sức học của trẻ giảm sút. Biến chứng nặng còn có khả năng gây lác, rách võng mạc, bong võng mạc, bong dịch kính… dẫn tới mù lòa.

Coi chừng cận thị giả

Ngành mắt Việt Nam cũng đã triển khai nhiều hoạt động can thiệp phòng chống các tật khúc xạ tại trường học ở các thành phố lớn. Tuy nhiên, rào cản lớn hiện nay là việc xem nhẹ tật khúc xạ học đường của xã hội, cũng như của chính các bậc phụ huynh và bản thân HS. Bên cạnh đó, công tác chăm sóc mắt cho trẻ mới đang thực hiện được ở các trung tâm lớn tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Huế và một số tỉnh lớn có bệnh viện chuyên khoa nhi của tỉnh như Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hóa. Tại các tỉnh còn lại, việc chăm lo đôi mắt cho trẻ đang phải lồng ghép trong công tác chăm sóc mắt cho nhân dân nói chung vì chưa có đủ số lượng bác sĩ chuyên khoa mắt trẻ em cho từng tỉnh. Hiện các bệnh viện chỉ có hơn 40 bác sĩ, hơn 30 phẫu thuật viên mắt trẻ em...

Bên cạnh việc thiếu thói quen khám mắt định kỳ khiến các bệnh về mắt không được phát hiện sớm, có một tình trạng đáng lo ngại là trẻ thường được bố mẹ cho đeo kính một cách vội vàng sau khi đi đo mắt tại một cửa hàng kính thuốc. Trong khi đó, theo các chuyên gia, việc cho trẻ đeo kính cần tuân thủ một quy trình rất nghiêm ngặt mà không phải cơ sở y tế nào cũng thực hiện được. Quy trình này bao gồm nhiều công đoạn với những chuyên gia được đào tạo chuyên môn và trên các thiết bị đồng bộ. Nếu phát hiện trẻ chỉ bị rối loạn điều tiết, hay còn gọi là cận thị giả, các bác sĩ sẽ điều chỉnh chế độ thị lực và sử dụng các thuốc điều trị nội khoa, giúp phục hồi khả năng nhìn xa của trẻ mà không cần đeo kính. Việc cho trẻ đeo kính vô tội vạ có thể biến cận thị giả thành cận thị thật và trẻ sẽ phải đeo kính suốt đời. Ngoài ra, tại các cửa hàng kính thuốc, người bệnh hầu như không được tư vấn cách chăm sóc mắt như thế nào.

Theo khuyến cáo của các bác sĩ chuyên khoa, muốn phòng bệnh về mắt cho trẻ, đặc biệt là bệnh cận thị, cha mẹ nên hướng dẫn trẻ ngồi học bài đúng tư thế với việc giữ khoảng cách từ mắt đến mặt bàn là 30-40cm; học, đọc sách ở nơi có đủ ánh sáng; không đọc sách khi ngồi trên tàu, xe; khoảng cách an toàn khi ngồi xem ti vi được ước tính bằng 7 lần chiều rộng của chiếc ti vi đó. Khi dùng máy vi tính, cứ khoảng 30 phút nên dừng lại cho mắt nghỉ ngơi. Thấy trẻ xuất hiện các biểu hiện hay nheo mắt, chảy nước mắt khi nhìn, xem ti vi hoặc đọc sách... cha mẹ cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế chuyên khoa để được điều trị kịp thời. Đồng thời, hãy có thói quen đưa trẻ đi khám mắt định kỳ ngay từ khi mắt còn tốt là cách giúp phụ huynh chăm sóc "cửa sổ tâm hồn" cho con một cách hữu hiệu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tật khúc xạ ở học sinh: Bệnh của thói quen xấu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.