Theo dõi Báo Hànộimới trên

Một năm thực hiện phụ cấp thâm niên nhà giáo ra sao?

Theo VGP News| 02/09/2012 22:05

Nghị định 54/2011/NĐ-CP của Chính phủ về chế độ phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo ra đời vừa tròn 1 năm (ngày 1/9/2011) - một nghị định đã mang đến niềm vui cho các thầy cô giáo trước thềm năm học mới, nhưng quá trình thực hiện đến nay cũng còn có những nhà giáo không được hưởng phụ cấp thâm niên bởi “bó”quy định.


Thêm thu nhập cải thiện đời sống


Sau 15 năm gắn bó với nghề, chị Phạm Thị Nga, giáo viên Trường THPT tại TP Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh được lĩnh tiền phụ cấp thâm niên nhà giáo. Không giấu nổi niềm vui, chị Nga chia sẻ: Chế độ phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo đã động viên, khích lệ các thầy cô yên tâm công tác, tập trung vào chuyên môn.

“Khi hay tin được lĩnh và truy lĩnh tiền phụ cấp thâm niên, giáo viên nào cũng phấn khởi”, ông Trần Văn Hiệu, giảng viên Trường Cao đẳng nghề Giao thông vận tải Trung ương 1, Hà Nội cho biết.

Theo ông Hiệu, chính sách này dù với giáo viên ở nông thôn hay thành phố cũng đều rất có ý nghĩa. "Càng có ý nghĩa hơn vì phần phụ cấp thâm niên được tính bảo hiểm xã hội, được thể hiện trong mức lương mà tôi sẽ nhận khi về hưu", ông Hiệu nói.

Chia sẻ cảm xúc khi được nhận phụ cấp thâm niên nhà giáo, chị Vũ Thị Mai Liên, giáo viên Trường THPT Hiệp Hoà 3, huyện Hiệp Hoà, tỉnh Bắc Giang bày tỏ: "Công việc nhà giáo là đặc thù, không phải ai cũng hiểu được sự vất vả của nghề đứng lớp chúng tôi. Trong khi đó, hiện nay giá cả leo thang, các thầy cô giáo với 2-3 triệu/tháng, không có thêm thu nhập gì thì việc lo toan cuộc sống quả là vất vả".

Được hưởng mức phụ cấp 11%, chị Liên cho hay, số tiền phụ cấp hàng tháng khó giúp chị đảm bảo cuộc sống hiện nay nhưng cũng đỡ đần chị phần nào đời sống hàng ngày. Theo chị Liên, phụ cấp thâm niên nhà giáo không chỉ góp phần động viên các giáo viên an tâm công tác, khuyến khích những người có năng lực trình độ ở lại trong ngành mà còn tạo động lực cho những người ngành khác có thâm niên chuyển sang với nghề giáo, nhất là những trường dạy nghề vì không còn phải lo lắng việc mất đi chế độ đó khi chuyển ngành.

Những nhà giáo không hưởng phụ cấp thâm niên

Tuy nhiên, chị Lê Thùy Linh, giáo viên giảng dạy tại tỉnh Thái Nguyên băn khoăn, theo Nghị định 54/2011/NĐ-CP, một số giáo viên tại các trường được điều động về làm việc tại Phòng Giáo dục và Đào tạo quận/huyện không được hưởng phụ cấp thâm niên nhà giáo, vì không trực tiếp giảng dạy.

“Việc áp dụng như vậy sẽ khiến các giáo viên được điều động công tác tại Phòng Giáo dục bị giảm thu nhập, trong khi đó lương của các giáo viên được điều động này rất thấp”, chị Linh cho hay. Theo chị Linh, chính điều này sẽ dẫn đến việc nhiều nhà giáo không muốn về công tác tại các Phòng Giáo dục và Đào tạo. Vì vậy, cơ quan chức năng nên xem xét để họ được hưởng mức phụ cấp thâm niên tương ứng với thời gian họ đã tham gia giảng dạy trước khi được điều chuyển công tác.

Do nhu cầu công việc, ông Tiết Minh Quân được điều chuyển về công tác tại Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang. Ông Quân chia sẻ: "Những nhà giáo có nhiều kinh nghiệm trong quản lý, không bị kỷ luật… nên mới được điều về công tác tại Phòng Giáo dục và Đào tạo. Cùng phục vụ cho ngành Giáo dục, hơn nữa đã có nhiều năm trực tiếp giảng dạy, nay chúng tôi đã bị cắt phụ cấp đứng lớp, phụ cấp thâm niên cũng không được hưởng nữa thì thực sự thiệt thòi".

Nhìn từ góc độ nhà quản lý, ông Đỗ Văn Thuấn, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ninh cho hay, hiện nay, theo định mức, biên chế công chức Phòng Giáo dục và Đào tạo chỉ từ 5-7 người. Tuy nhiên, để đáp ứng được yêu cầu công việc thì Phòng phải cần từ 10-15 người, vì họ không chỉ làm công tác quản lý nhà nước mà còn kiêm cả chỉ đạo công tác chuyên môn. Do vậy, một số địa phương đã trưng dụng giáo viên từ các trường về công tác tại Phòng Giáo dục và Đào tạo. Số giáo viên này tuy có được bảo lưu phụ cấp ưu đãi (tối đa 36 tháng), nhưng sẽ không được hưởng phụ cấp đứng lớp cũng như phụ cấp thâm niên, và vì là viên chức nên cũng không được hưởng phụ cấp công vụ.

“Đây là vấn đề cần được xem xét, giải quyết. Bộ Giáo dục và Đào tạo và các địa phương cần có hướng tháo gỡ", ông Thuấn nói.

Quy định thời gian giảng dạy theo hợp đồng không được tính vào thời gian để hưởng phụ cấp thâm niên cũng khiến không ít giáo viên trăn trở.

Bà Trần Lan Ngọc sau khi tốt nghiệp cấp 3 năm 1997 đã tham gia lớp cấp tốc sư phạm 12 + 6 tháng tại Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt và được Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng ký hợp đồng giảng dạy. Đến năm 2011, bà Ngọc mới có bằng tốt nghiệp và được vào biên chế. Khi xét hưởng phụ cấp thâm niên, địa phương chỉ tính phụ cấp thâm niên từ thời điểm bà Ngọc được tuyển dụng chính thức.

"Quy định như vậy quả thực thiệt thòi, gần 15 năm giảng dạy tôi mới được vào biên chế. Lương thấp, hợp đồng chỉ được kí năm một cho nên cuộc sống và công việc của tôi rất bấp bênh và vất vả", bà Ngọc bày tỏ.

Chia sẻ với những băn khoăn của các đồng nghiệp, ông Nguyễn Xuân Ngọc, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lâm Đồng cũng nói: “Đây cũng là một vấn đề đang đặt ra khi triển khai chế độ phụ cấp thâm niên. Cùng là nhà giáo, cùng đứng trên bục giảng giảng dạy nhưng các giáo viên dạy hợp đồng đã chịu thiệt thòi về lương, nay lại thêm thiệt thòi khi không được hưởng phụ cấp thâm niên nhà giáo so với các giáo viên trong biên chế".

Từ 1/9/2011, chế độ phụ cấp thâm niên nhà giáo theo Nghị định số 54/2011/NĐ-CP được thực thi.

Ông Bùi Mạnh Nhị, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, khi được hưởng phụ cấp thâm niên, ước tính thu nhập của nhà giáo bình quân tăng khoảng 465.000 đồng/người/tháng.

Chính sách này thể hiện sự quan tâm, động viên và giao trách nhiệm của Nhà nước, của nhân dân đối với đội ngũ hơn 1 triệu nhà giáo đang làm nhiệm vụ giáo dục cho hơn 22 triệu học sinh, sinh viên cả nước, từ mầm non đến đại học.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Một năm thực hiện phụ cấp thâm niên nhà giáo ra sao?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.