Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đưa bút chấm đọc vào trường phải làm rõ nguồn gốc

Văn Chung| 03/09/2012 10:24


Gần đây NXB có tổ chức lựa chọn, đánh giá và giới thiệu một số công ty có thiết bị đảm bảo chất lượng âm thanh đi kèm với SGK. Tuy nhiên đối chiếu ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng đáp ứng yêu cầu có bản quyền, nguồn gốc xuất xứ còn phải đánh giá thêm (?!)

TS Nguyễn Ngọc Hùng (đứng) trả lời thông tin liên quan đến bút chấm đọc hỗ trợ dạy tiếng Anh ở tiểu học tại buổi họp báo chiều 30/8


Trong kết luận chỉ đạo về sử dụng bút chấm đọc hỗ trợ giáo viên, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển nêu rõ: Thời gian trước mắt, NXB chỉ giới thiệu sản phẩm của Viện Vật lí - Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam. Nhưng tới nay, có thêm một số sản phẩm được giới thiệu xuống các trường.

Theo ông Hùng: “Ở TP.HCM, bút chấm đọc dùng dạy học tiếng Anh tại nhà trường đã làm 10 năm nay. Ngày 6/9/2011 bắt đầu triển khai chương trình của đề án dạy học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân thì Cục cơ sở vật chất – Thiết bị nhà trường đã có văn bản hướng dẫn về việc mua sắm các trang thiết bị tối thiểu cho cấp tiểu học, đặc biệt là ngoại ngữ.

Bút hỗ trợ chấm đọc là 1 trong danh mục 14 trang thiết bị cần thiết tối thiểu. Nơi nào có đài cassette rồi có thể thôi vì xem xét điều kiện kinh tế của từng địa phương”.

Ngày 17/10/2011, NXB Giáo dục Việt Nam đã có công thư gửi GĐ sở giáo dục các tỉnh thành nêu rõ: Viện Vật lí- Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam có sản phẩm bút hỗ trợ dạy tiếng Anh có đăng ký bản quyền, có nguồn gốc xuất xứ. Sản phẩm đã được sử dụng thử nghiệm trong năm học 2010-2011 đáp ứng được yêu cầu kĩ thuật cơ bản và chức năng cơ bản trong danh mục các thiết bị tối thiểu.

Ngoài sản phẩm này gắn với số hóa SGK đến nay NXB sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị sản xuất bút hỗ trợ dạy tiếng Anh khác để hoàn chỉnh sản phẩm và giới thiệu đến các cơ sở giáo dục có nhu cầu để lựa chọn phù hợp.

Trả lời câu hỏi như vậy NXB có làm sai khi đã giới thiệu tới các trường thêm một số sản phẩm bút chấm đọc của các đơn vị khác ngoài sản phẩm của Viện Vật lí - Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam, ông Hùng cho biết:

“Ngày 14/3/2012, Thông báo số 179 về kết luận của Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển về chỉ đạo dạy tiếng Anh thí điểm trong hệ thống giáo dục phổ thông, tại điểm 3 về SGK và thiết bị dạy học tiếng Anh có nêu rõ NXB Giáo dục Việt Nam in SGK có phụ mã mở với các thiết bị phụ trợ để các đơn vị cùng khai thác. Các đơn vị tham gia số hóa thiết bị tài liệu phải có thiết bị nhận dạng sản xuất, sản phẩm phải đọc được 64.000 mã trên SGK”.

"Qua kiểm tra 5 sản phẩm được giới thiệu thì 2 sản phẩm có giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, bản quyền. Một trong số này là sản phẩm của Viện Vật lí. Còn lại có bằng độc quyền sáng chế, giấy đăng ký nhãn hiệu, giấy đăng ký kiểu dáng công nghiệp do Cục sở hữu trí tuệ cấp” - ông Hùng cho biết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đưa bút chấm đọc vào trường phải làm rõ nguồn gốc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.