Theo dõi Báo Hànộimới trên

"Mọt sách" ở Hà Nội

Thi Thi| 05/09/2012 07:52

(HNM) - Cái bookshop chuyên về sách ngoại văn (tiếng Anh) này nằm trong con ngõ nhỏ ở phố Châu Long, tên nghe cũng ngộ


Ảnh minh họa

Ông chủ trẻ Hoàng Văn Trường thuộc thế hệ 8X, người gốc xứ Thanh, đã kể lại câu chuyện thú vị về quá trình ra đời Bookworm. Quãng đầu năm 2000, ở Hà Nội chưa có một địa chỉ trao đổi sách (cả cũ và mới) phục vụ người nước ngoài. Một bookshop (cửa hàng sách) như thế xuất hiện tại 15 Ngô Văn Sở do một nữ nhà văn, nhà nghiên cứu người Ôxtraylia tên là Pam Scott lập ra sau đó. Sau khi về nước, bà nhượng lại cho một cặp vợ chồng cũng ở xứ sở Kangaroo đang nghiên cứu về kinh tế nông nghiệp ở Hà Nội. Hai ông bà mua lại bookshop này và giao cho Trường quản lý. Đơn giản là họ đã biết, quý mến và nhận Trường làm con nuôi từ thuở anh còn là sinh viên ngoại ngữ, dạy tiếng Việt cho ông bà.

Phải nói, đầu những năm 2000 là thời điểm có giao lưu mạnh mẽ giữa thanh niên Việt Nam với người nước ngoài. Tuy nhiên, một cuộc gặp gỡ để lại nhiều tình cảm tốt đẹp như vậy hẳn cũng là một cái duyên trời cho của Trường.

Bắt đầu từ 2.500 đầu sách lúc mới nhận cửa hàng, đến nay chú "Mọt sách" của Trường đã có trên 15.000 tên sách tiếng Anh về các lĩnh vực. "Bookworm" cũng vừa có thêm một địa chỉ nữa ở Nghi Tàm phục vụ bạn đọc. Tuy nhiên, sự khác biệt tạo nên sức hút cho hiệu sách này chính là ở nguồn sách. Ngoài việc nhập tác phẩm mới từ một số đơn vị, NXB chuyên về ngoại văn, cửa hàng thường xuyên trao đổi một lượng lớn sách cũ do chính những bạn đọc người nước ngoài hiện đang sống và làm việc tại Hà Nội cung cấp. Cơ chế nhập sách linh hoạt gồm cả đổi sách cũ lấy sách mới, hoặc trả tiền mặt cho người bán sách.

Cái lối trao đổi này không đơn thuần là hoạt động kinh doanh, nó đã thực sự tạo thành cơ sở giao lưu cho bookshop của Trường. Người nước ngoài khi hết thời gian công tác có nhu cầu để lại sách ở Việt Nam, nhiều người khác muốn có sách mới để đọc nhưng không muốn giữ lại sách cũ… Bạn đọc nước ngoài đa số có nhu cầu trao đổi sách để đọc nhiều hơn giữ sách. Và họ đến mua, bán, đọc sách, cũng là để giao lưu với nhau. Trường nhận thấy có một mảng sách mà cầu có nhưng cung thì ít. Khá nhiều người nước ngoài muốn tìm tác phẩm văn học Việt Nam bằng tiếng Anh, mà tiếc thay đầu sách về lĩnh vực này quá ít, ngoại trừ một vài tác phẩm đã quá quen thuộc của Bảo Ninh, Nguyễn Huy Thiệp…

Bù lại những thiếu hụt ấy, Bookworm cố gắng tạo ra một không gian với sách một cách thư thái, thân mật như đôi ba chiếc ghế nhỏ ngồi đọc sách ở khu sách Việt Nam tầng 2, nơi có ánh nắng lọt vào tận thư phòng. Nhiều bạn sinh viên còn coi đây là nơi hẹn hò. Nhiều đôi lại chọn những giá sách của Bookworm làm nền cho bức ảnh cưới của mình…Và đáng chú ý nhất là những cuộc tọa đàm với giới văn sĩ. Các nhà văn, nhà nghiên cứu văn hóa có uy tín như Hữu Ngọc, Bảo Ninh, Lady Borton, Y Ban… đều đã từng có mặt ở không gian này để trò chuyện, giao lưu với bạn đọc của "Mọt sách".

Có thể nói, truyền thông không ít lần kể chuyện "Bookworm" dưới góc nhìn văn hóa. Nhưng cái cửa hàng sách này dường như vẫn giữ được cho mình sự trầm tĩnh, sôi nổi vừa đủ để trở thành một phần nho nhỏ góp cho Hà Nội cái duyên ngầm làm mê đắm bạn bè quốc tế.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
"Mọt sách" ở Hà Nội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.