Theo dõi Báo Hànộimới trên

Coi giáo dục là quốc sách

Vân Vũ| 15/11/2012 06:47

(HNM) - Sau 15 năm kể từ ngày quận Cầu Giấy được thành lập, ngành giáo dục đào tạo ở vùng đất Tứ danh hương của đất kinh kỳ Thăng Long xưa đã đi từng bước vững chắc để trở thành một trong những đơn vị dẫn đầu của giáo dục Hà Nội.


Điểm nổi bật của GD-ĐT quận Cầu Giấy mà ai cũng có thể nhận ra đó là độ đồng đều của các nhà trường. Sự đồng đều đó thể hiện trước hết ở diện mạo khang trang của những ngôi trường mới, hiện đại và đồng bộ. Theo đánh giá của lãnh đạo ngành GD-ĐT thành phố, Cầu Giấy là nơi mà giáo dục thực sự được coi là quốc sách hàng đầu bằng những việc làm cụ thể. Một vài con số để chứng minh cho nhận định này: Trong 15 năm quận đã dành hàng nghìn tỷ đồng để xây mới 25 trường công lập; hằng năm dành 35% ngân sách của quận cho việc đầu tư, sửa chữa, mua sắm đồ dùng, trang thiết bị phục vụ cho việc nâng cao chất lượng dạy và học; dành hơn 100 nghìn mét vuông đất, thu hút hơn 500 tỷ đồng từ hoạt động xã hội hóa giáo dục để phát triển quy mô giáo dục từ 28 trường, 17 nghìn học sinh vào năm 1997 lên 69 trường với hơn 46 nghìn học sinh hiện nay, trong đó có 51% trường ngoài công lập. Không chỉ tăng số lượng cơ sở giáo dục mà các trường của quận đều được xây dựng theo hướng đạt chuẩn, đến nay đã có 28 trường (trong đó có 22 trường công lập) đạt chuẩn quốc gia, chiếm 66,6%. Hiện nay, quận đang chuẩn bị đầu tư cho Trường THCS Nghĩa Tân theo hướng chuẩn khu vực với tổng kinh phí hơn 300 tỷ đồng.


Học sinh Trường THCS Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy đọc sách tại thư viện.Ảnh: Linh Tâm

Bên cạnh việc đầu tư đều và đồng bộ cho cơ sở vật chất trường học, quận còn có nhiều chính sách để thu hút người giỏi về với giáo dục, cũng như tạo mọi điều kiện để các thầy cô giáo tham quan, bồi dưỡng, học tập để nâng cao trình độ. Gần 800 giáo viên giỏi chuyển về công tác tại quận đã góp phần xây dựng nguồn nhân lực có chất lượng cho ngành giáo dục. Những chuyến đi đến những nước có nền giáo dục phát triển và việc tham gia các dự án với nước ngoài, điển hình như Dự án Giáo dục phát triển bền vững với Thụy Điển, đã giúp cán bộ, giáo viên của quận hình dung và hiểu rõ phải làm gì để nâng cao chất lượng dạy và học. Bởi thế, đội ngũ cán bộ giáo dục của Cầu Giấy không chỉ vượt chuẩn về trình độ đào tạo về mặt bằng cấp, với 83,4% giáo viên đạt trình độ trên chuẩn tăng 61,9% so với năm 1997, mà còn đạt được sự chuẩn mực trong thực tế triển khai các hoạt động giáo dục. Lực lượng này lại được phân bố đồng đều về các nhà trường đã làm nên sự phát triển đồng đều của toàn ngành, thể hiện rõ nhất qua con số 12 trong 15 trường THCS của quận nằm trong số 50 trường dẫn đầu về kết quả thi vào lớp 10 toàn thành phố.

Giải pháp tốt, hiệu quả cao

Nâng cao chất lượng giáo dục là mục tiêu chung nhưng cách làm của Cầu Giấy lại rất riêng. Quan tâm đến số đông - học sinh đại trà và diện rộng - mọi cơ sở giáo dục là một trong nhiều giải pháp quan trọng mà Cầu Giấy đã áp dụng thành công. Nhờ đó, bên cạnh 97 học sinh đoạt giải quốc tế, 116 học sinh đoạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp quốc gia, 2.089 học sinh giỏi thành phố, thì học sinh lớp 9 của quận luôn dẫn đầu thành phố về kết quả thi vào lớp 10 trong suốt 4 năm qua.

Để có được hiệu quả giáo dục thể hiện trên kết quả học tập của học sinh như vậy, ngoài những biện pháp truyền thống như tập trung xây dựng đội ngũ giỏi chuyên môn, tâm huyết với nghề, ngành GD-ĐT Cầu Giấy còn xây dựng được một cơ chế dân chủ thực sự để huy động mọi lực lượng xã hội tham gia công tác giáo dục. Trưởng phòng GD-ĐT quận Bùi Thị Vân Anh chia sẻ, "chúng tôi đã xây dựng một cơ chế dân chủ thực sự để mọi lực lượng đều có thể tham gia quản lý và góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Tính dân chủ thể hiện không chỉ trong mối quan hệ giữa cán bộ quản lý và giáo viên, mà còn giữa nhà trường và cha mẹ học sinh, giữa thầy cô và học trò". Đã nhiều năm nay, tại các trường trong quận đều có hòm thư để phụ huynh thoải mái đóng góp ý kiến, hằng năm phòng GD-ĐT đều phát phiếu khảo sát để học sinh có cơ hội bày tỏ tâm tư, nguyện vọng đối với nhà trường và thầy cô; ý kiến nhận xét của học sinh còn được xem xét trong việc bình xét thi đua của giáo viên. Dù đây là những công việc không dễ triển khai bởi tính nhạy cảm của nó nhưng với cách làm khoa học, bài bản, công khai và dân chủ nên được cả giáo viên, phụ huynh và học sinh đồng tình ủng hộ. Không chỉ quản lý bằng hệ thống của mình, ngành GD-ĐT Cầu Giấy còn huy động được sự tham gia quản lý chất lượng giáo dục của chính quyền cơ sở và nhân dân nên những khu vực khó kiểm soát như lớp mầm non ngoài công lập, trung tâm học tập cộng đồng đều đã được kiểm tra, giám sát chặt chẽ để hoạt động đúng quy định và bảo đảm chất lượng.

Thành công của GD-ĐT Cầu Giấy hôm nay là nhờ sức mạnh tổng hợp có được từ ý chí, quyết tâm đầu tư của chính quyền; sự lao động nghiêm túc, sáng tạo và không ngừng nỗ lực của đội ngũ nhà giáo; sự chung tay, góp sức của các lực lượng xã hội. Không ai ngạc nhiên khi 8/15 năm, lá cờ thi đua xuất sắc của ngành GD-ĐT Thủ đô đã được trao cho Cầu Giấy, bởi nơi này thực sự là điển hình về giáo dục hiệu quả.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Coi giáo dục là quốc sách

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.