Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phân hóa sâu qua từng cấp học

Thống Nhất| 27/12/2012 06:48

(HNM) - Thực tế cho thấy chương trình giáo dục phổ thông (CTGDPT) còn nặng, nhiều môn học mang tính hàn lâm và nghiêng về dạy chữ… Đề án đổi mới chương trình - sách giáo khoa phổ thông (CT-SGK) sau năm 2015 sẽ được thiết kế, triển khai ra sao để khắc phục những tồn tại này?


Không còn học thụ động

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển khẳng định, thời gian qua CTGDPT đã góp phần đào tạo nhân lực, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp CNH-HĐH. Tuy nhiên, nó cũng bộc lộ nhiều bất cập về cách tiếp cận, xác định mục tiêu, nội dung, đặc biệt là phương pháp, hình thức tổ chức dạy học. Trên cơ sở đánh giá CTGDPT hiện hành và tham khảo các nước, việc đổi mới CTGDPT sau năm 2015 sẽ được triển khai theo hướng phát triển năng lực của người học thay vì tập trung vào việc truyền thụ kiến thức như hiện nay. Chuẩn giáo dục phổ thông cũng sẽ không chỉ được đo bằng lượng kiến thức của người học mà được xét trên 3 phương diện là phẩm chất đạo đức; năng lực nền tảng về học tập, tư duy, giao tiếp, giải quyết vấn đề; kiến thức phổ thông về các lĩnh vực khoa học và đời sống.


Một giờ học tại Trường Tiểu học thị trấn Đông Anh.Ảnh: Khánh Nguyên

Để khắc phục tình trạng HS phải học nhiều môn với khối lượng kiến thức lớn, hình thức tổ chức dạy học phân hóa là định hướng được nhiều nhà nghiên cứu giáo dục và các giáo viên trực tiếp đứng lớp đồng tình. Đây cũng là xu thế tất yếu diễn ra ở nhiều nước nhằm đáp ứng khả năng, nhu cầu học tập của từng HS, trên cơ sở đó phát triển tối đa năng lực cá nhân. Theo đó, CTGDPT mới sẽ được xây dựng theo hướng tích hợp, giảm số môn học bắt buộc, tăng các môn học/chủ đề tự chọn và thực hiện phân hóa sâu dần qua từng cấp học, mạnh nhất ở THPT.

Đại diện nhóm nghiên cứu của Viện Khoa học giáo dục Việt Nam cho biết, trong số các môn tự chọn của CTGDPT mới sẽ có danh mục môn nghề phù hợp với thực tế địa phương. Các trường có thể chủ động lựa chọn nghề, liên kết với các đơn vị, DN trên địa bàn để dạy nghề, góp phần làm tăng hiệu quả của việc phân luồng HS sau THPT.

Kết quả khảo sát nhiều nhà quản lý giáo dục ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Nam Định và ban giám hiệu của gần 100 trường THPT về phương án dạy học phân hóa sâu đã thể hiện rõ tính khả thi. Hơn 96% ý kiến thống nhất với việc HS THPT chỉ phải học ba môn bắt buộc là ngữ văn, toán, ngoại ngữ; gần 54% cho rằng nên thêm môn giáo dục công dân để trang bị các yếu tố nền tảng về đạo đức, phẩm chất. Về các môn tự chọn, đa số ý kiến đồng tình việc HS sẽ được chọn 3 trong số các môn (lý, hóa, sinh, sử, địa, tin, môi trường, công nghệ, kinh doanh, nghề…) để học. Tổng cộng, HS THPT sẽ học 4 môn bắt buộc và 3 môn tự chọn.

Bỏ lối dạy nhồi nhét

GS Đinh Quang Báo, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, trưởng nhóm nghiên cứu về đổi mới CT-SGK sau năm 2015, cho rằng, thiết kế CT-SGK đáp ứng được yêu cầu thực tiễn hiện nay đã khó, triển khai đạt hiệu quả như mong muốn còn khó hơn nhiều. CT-SGK là yếu tố "tĩnh" là "kịch bản" được dựng sẵn. Điều khiến các nhà quản lý giáo dục còn trăn trở là làm sao để "kịch bản" ấy diễn ra trên bục giảng bởi những "diễn viên" - giáo viên (GV) chuyên nghiệp. Họ phải vừa dạy, vừa quan sát các "khán giả" - HS của mình - xem khả năng tiếp nhận đến đâu để kịp thời điều chỉnh liều lượng kiến thức cho phù hợp. Cách dạy nhồi nhét, dạy tất cả những gì có trong SGK, sẽ không thể tồn tại.

Để thay đổi thực trạng này chắc chắn không thể chỉ trong thời gian ngắn mà phải triển khai có hệ thống, bắt đầu từ khâu đào tạo sinh viên sư phạm đến việc đánh giá GV ở các trường. Theo nhận xét của nhiều nhà quản lý giáo dục, yếu kém lớn nhất của hệ thống các trường sư phạm hiện nay là mới chỉ đào tạo được những người dạy, chưa đào tạo được những nhà giáo dục. Việc bồi dưỡng GV, trang bị cho đội ngũ này những kỹ năng cần thiết để xử lý các vấn đề, tình huống giáo dục nảy sinh trong thực tế còn nhiều hạn chế. Việc đánh giá GV cũng chỉ ở bề nổi, phần nhiều là qua dự giờ, các hội thi. Đa số trường phổ thông vẫn tồn tại kiểu "dự giờ có báo trước". Các tiết dạy này thường được GV "luyện tập" kỹ với HS, vì vậy kết quả đánh giá chưa thực chất, mang tính hình thức.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phân hóa sâu qua từng cấp học

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.