Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nâng chất lượng để giảm lãng phí ngân sách cho giáo dục - đào tạo

Quỳnh Phạm| 31/12/2012 06:34

(HNM) - Trong bối cảnh kinh tế suy giảm, gây khó khăn cho ngân sách nhà nước, Bộ GD-ĐT khẳng định sẽ triệt để tiết kiệm, tránh lãng phí. Việc tiết giảm chi phí sẽ được thực hiện thông qua các biện pháp nâng cao chất lượng đào tạo, giảm chỉ tiêu ở những ngành đang thừa "đầu ra", siết chặt đào tạo một số ngành không bảo đảm chất lượng.

Các ngành học cần nâng cao chất lượng đào tạo để sử dụng hiệu quả nguồn đầu tư từ ngân sách giáo dục. Ảnh: Trung Kiên

Giảm chỉ tiêu đối với ngành thừa nhân lực

Theo Vụ Tài chính, Bộ GD-ĐT, năm 2013 sẽ ưu tiên kinh phí để triển khai các công tác quản lý, chỉ đạo thực hiện các nghị quyết của Quốc hội và các quyết định của Thủ tướng Chính phủ về các đề án, chương trình trọng điểm của ngành như: xây dựng Đề án đổi mới căn bản toàn diện nền giáo dục Việt Nam; Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân; Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển toán học; Đề án đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử...

Việc tăng quy mô đào tạo sau ĐH trong những năm gần đây được cho là phù hợp với xu hướng tập trung đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao. Tuy nhiên, việc tăng quy mô đào tạo diễn ra trong khi đội ngũ giảng viên có trình độ tiến sĩ chưa tăng tương ứng và điều đó đã ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng đào tạo sau ĐH nói chung. Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết trước tiên sẽ bắt đầu cắt giảm chỉ tiêu đào tạo thạc sĩ quản lý giáo dục. "Không thể có chuyện người ít biết về giáo dục lại làm thạc sĩ, tiến sĩ về quản lý giáo dục. Rất lạ và rất buồn là cuối cùng họ lại có được bằng khá, giỏi. Với tình trạng này, nếu không điều chỉnh, ngành giáo dục không những không mạnh lên mà còn bị yếu đi" - Bộ trưởng phân tích.

Trước tình trạng dư thừa giáo viên trong thời gian qua, năm 2013, dự kiến chỉ tiêu đào tạo giáo viên cũng giảm so với kế hoạch của những năm trước: trình độ ĐH giảm 5%, trình độ CĐ giảm 2,5%. Bộ GD-ĐT cho biết: những ngành như tài chính, quản trị kinh doanh, kế toán... cũng đang thừa "đầu ra", năm nay, mặc dù Bộ GD-ĐT không đưa ra quyết định điều chỉnh chỉ tiêu cụ thể với trường này hay trường kia, song các trường phải tự xác định. Các trường, cả với trường công lập lẫn ngoài công lập, đều không được mở mới các ngành này nữa. Như vậy, cách này hay cách khác, Bộ GD-ĐT đã phát tín hiệu cho thấy nhân lực các ngành đó đã đạt điểm bão hòa để phụ huynh và học sinh cân nhắc.

Bộ GD-ĐT khẳng định sẽ siết rất chặt việc mở phân hiệu cho các trường ĐH. Việc xem xét mở phân hiệu sẽ chỉ được thực hiện sau khi Thủ tướng phê duyệt quy hoạch mạng lưới các trường ĐH, CĐ. Theo Vụ Kế hoạch tài chính, từ nay đến năm 2015 Bộ chỉ giải quyết những hồ sơ, đề án thành lập trường đã có sự đồng ý về chủ trương của Thủ tướng, không giải quyết việc thành lập mới các trường, giữ ổn định quy mô đào tạo đến năm 2020.

Cấp ngân sách dựa trên cơ sở "đầu ra"

Về dự toán thu - chi ngân sách trong năm 2013, Bộ GD-ĐT cho biết, để tránh lãng phí nguồn ngân sách trong năm tới, với những ngành nghề đào tạo ít có khả năng xã hội hóa mà Nhà nước cần đào tạo (sư phạm, kỹ thuật, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn, nông, lâm, ngư, nghệ thuật…), Nhà nước sẽ thực hiện đặt hàng bằng việc cấp kinh phí trên cơ sở tính đủ chi phí đào tạo và có cơ chế sử dụng để bảo đảm hiệu quả nguồn đầu tư từ ngân sách nhà nước. Sinh viên sẽ đóng học phí theo mức thông thường.

Những ngành nghệ thuật sẽ được cấp kinh phí trên cơ sở tính đủ chi phí đào tạo và có cơ chế sử dụng. Ảnh: Phương Thanh

Những ngành đào tạo có khả năng xã hội hóa cao (kinh tế, tài chính, luật...) sẽ thực hiện giảm dần sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, đồng thời cho phép các cơ sở đào tạo tự xác định mức học phí, đa dạng hóa các nguồn thu của cơ sở đào tạo, tiến tới cơ sở đào tạo tự bảo đảm bù đắp chi phí đào tạo từ nguồn thu học phí, các nguồn thu về nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và các nguồn xã hội hóa khác. Dự kiến mức học phí cho các nhóm này sẽ tăng dần, bảo đảm từ 50% đến 90% chi phí đào tạo trong khoảng thời gian từ năm học 2012 đến 2016.

Đối với các hoạt động đào tạo cung cấp dịch vụ gắn với nhu cầu xã hội, các trường được quyết định mức thu dịch vụ trên cơ sở tính đủ các chi phí cần thiết cho việc cung cấp dịch vụ, từng bước tiến tới thực hiện cơ chế tài chính hạch toán đầy đủ chi phí "đầu vào", "đầu ra". Trường cũng được quyết định chế độ chi trả tiền lương đối với giảng viên và cán bộ, gắn với năng suất, chất lượng hiệu quả công việc.

Về định hướng nói trên, ông Nguyễn Trường Giang, đại diện Bộ Tài chính cho rằng học phí phải được tính dựa trên cơ sở "đầu ra", song muốn làm được thì phải có định mức kinh tế, kỹ thuật cụ thể. Đồng tình với điều này, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận yêu cầu Vụ Kế hoạch tài chính chú ý xây dựng các định mức kinh tế, kỹ thuật để có phương án chi cho đào tạo một cách hợp lý, không "cào bằng" theo đầu vào như hiện nay. Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết: "Nếu việc xây dựng định mức không thay đổi thì nhân sự của Vụ Kế hoạch tài chính có thể sẽ phải thay đổi".

Bên cạnh nguồn cung ngân sách, lãnh đạo Bộ GD-ĐT cũng kêu gọi các trường, nhất là các trường đa ngành thường có những ngành khó tuyển sinh, nghiên cứu xem ngành nào có thể xã hội hóa để lấy thu bù chi. Để xây dựng chi phí cho đào tạo, Thứ trưởng Bùi Văn Ga yêu cầu các trường báo cáo "chi phí thật" của một số ngành để có cơ sở đề xuất mức học phí cho hợp lý, "chứ không thể cứ ngồi đó, nói một con số không dựa trên cơ sở nào cả".
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nâng chất lượng để giảm lãng phí ngân sách cho giáo dục - đào tạo

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.