Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giúp học sinh khởi tạo cuộc sống

Thống Nhất| 10/01/2013 06:32

(HNM) - Công tác hướng nghiệp, trang bị kiến thức, kỹ năng cơ bản để khởi tạo cuộc sống cho HS phổ thông đã trở thành nhiệm vụ trọng tâm của ngành GD-ĐT vài năm gần đây

.

Để nâng cao hiệu quả trong việc định hướng nghề nghiệp, ngày 8-1, tại Hà Nội, Bộ GD-ĐT tổ chức hội thảo về giáo dục kinh doanh (GDKD) trong trường trung học ở Việt Nam với sự tham gia của các nhà quản lý giáo dục, giáo viên (GV) phổ thông nhiều tỉnh, thành phố.

Đẩy mạnh hiệu quả phân luồng

Luật Giáo dục năm 2005 xác định một trong những mục tiêu của giáo dục trung học là giúp HS có những hiểu biết ban đầu về kỹ thuật và hướng nghiệp, có điều kiện phát huy năng lực cá nhân để lựa chọn hướng phát triển... Tầm quan trọng của việc trang bị kiến thức, kỹ năng về hướng nghiệp cũng được khẳng định trong Chiến lược phát triển giáo dục 2011-2020 là thực hiện phân luồng và đổi mới chương trình SGK sau năm 2015 theo định hướng phát triển năng lực HS, vừa bảo đảm tính thống nhất trong toàn quốc, vừa phù hợp với đặc thù mỗi địa phương.


Đưa nội dung GDKD vào giảng dạy trong trường học sẽ giúp các em học sinh có thêm kỹ năng tự tạo việc làm, nhận thức đúng và đầy đủ hơn về vai trò của giới trẻ trong việc định hình tương lai của bản thân.Ảnh: Bảo Kha

Ở Việt Nam, hằng năm có khoảng 30% HS tốt nghiệp THCS không học tiếp THPT mà tham gia lao động sản xuất. Tỷ lệ này ở cấp THPT cũng khoảng 30-40%. Chủ trương của Bộ GD-ĐT là đẩy mạnh phân luồng, góp phần cân đối tỷ lệ "thừa thầy, thiếu thợ" trong bức tranh nguồn nhân lực hiện nay. Rõ ràng, nếu được định hướng, trang bị sớm những kiến thức, kỹ năng cần thiết về nghề nghiệp khi còn ngồi trên ghế nhà trường, việc khởi nghiệp của những chủ nhân tương lai sẽ thuận lợi hơn nhiều.

Từ năm 2007, nội dung GDKD đã được đưa vào giảng dạy thí điểm cho HS tại các trường THPT và trung tâm giáo dục kỹ thuật tổng hợp của bốn tỉnh: Thanh Hóa, Quảng Ngãi, Bình Phước, Trà Vinh. Kết quả cho thấy sự cần thiết của nội dung này với HS phổ thông. Theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục thường xuyên (Bộ GD-ĐT) Nguyễn Công Hinh: Sau khi học, HS không chỉ có được các khái niệm về kinh doanh mà quan trọng hơn, các em có thêm nhiều kỹ năng vận dụng sau này, như kỹ năng tìm kiếm giải pháp giải quyết các vấn đề thực tế, kỹ năng tự tạo việc làm. Các em cũng có nhận thức đúng và đầy đủ hơn về vai trò của giới trẻ trong việc định hình tương lai của bản thân, cũng như đóng góp vào sự phát triển kinh tế của đất nước... Đây cũng là những tiền đề thuận lợi cho việc đẩy mạnh công tác phân luồng HS sau khi tốt nghiệp phổ thông.

Theo dự kiến, từ năm học 2013-2014, nội dung GDKD sẽ được triển khai tại các trường THPT của 15 tỉnh, TP. Giai đoạn này, GDKD là nội dung tự chọn đối với HS lớp 11 với thời lượng 105 tiết (bằng với thời lượng của môn nghề phổ thông hiện nay). Việc giảng dạy đại trà sẽ tiến hành từ năm học 2015-2016.

Học sinh phổ thông sẽ thêm môn học mới?


Vấn đề được tập trung bàn thảo là đưa nội dung GDKD vào giảng dạy đại trà tại các trường phổ thông Việt Nam như thế nào để đạt hiệu quả như mong muốn, nhất là trong điều kiện có quá nhiều môn học như hiện nay. PGS.TS Nguyễn Văn Khôi (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) cho rằng, không nên coi đây là môn học độc lập trong trường phổ thông mà nên tích hợp vào các môn học hiện có, có thể là môn công nghệ. Về GV, nếu tính mỗi trường có một GV dạy về kinh doanh thì cả nước cần thêm khoảng 2.000 người. Tuy nhiên, thực tế cho thấy các trường khó có thể tuyển hẳn một biên chế chỉ để đảm nhiệm nội dung này. Vì vậy, khả thi nhất là nên tổ chức bồi dưỡng cho đội ngũ GV hiện có.

Đồng quan điểm này, bà Vũ Thị Hồng Nga (Sở GD-ĐT Ninh Bình) cho rằng chỉ nên đưa GDKD vào giảng dạy như một môn học tích hợp với các nội dung giáo dục như hướng nghiệp, hoạt động ngoài giờ... chứ coi đây là một môn học thì quá nặng nề, bởi HS đang phải học quá nhiều môn, thậm chí quá tải. Hơn nữa, các trường không thể đào tạo, tuyển GV chỉ để dạy một môn GDKD vì còn liên quan đến nhiều vấn đề khác như biên chế, kinh phí...

Ý kiến của PGS.TS Lê Huy Hoàng (ĐH Sư phạm Hà Nội) được nhiều đại biểu đồng tình. Theo ông, cấp học phổ thông hiện nay có ba nội dung quan trọng, nhưng chưa làm tốt, chưa nhận được sự quan tâm cần thiết từ phía các cấp quản lý và xã hội, là giáo dục công nghệ, GDKD và hướng nghiệp. Phần lớn GV hướng nghiệp hiện nay đều là trái ngành. Thực tế cũng chưa có GV nào được đào tạo bài bản về giáo dục hướng nghiệp. Vì vậy, nếu đưa GDKD vào nhà trường thì nên lồng ghép cả ba nội dung này với nhau, việc đào tạo GV cũng nên triển khai theo hướng này, vừa hiệu quả, vừa tránh lãng phí.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển khẳng định: Việc triển khai giảng dạy đại trà nội dung GDKD là phù hợp với nhiệm vụ, mục tiêu của đổi mới chương trình giáo dục phổ thông sau năm 2015. Đây sẽ là môn tự chọn trong chương trình THPT sắp tới. Trước mắt, Thứ trưởng yêu cầu các trường cần quan tâm bồi dưỡng đội ngũ GV đảm nhận nội dung này. Các trường sư phạm cũng chuẩn bị để đưa GDKD thành nội dung đào tạo sinh viên.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giúp học sinh khởi tạo cuộc sống

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.