Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bộ trưởng Bộ GDĐT: Việc gì thấy đúng tôi nhất định làm

Theo TTXVN| 10/02/2013 22:13

Nhân dịp đầu Xuân mới Quý Tỵ 2013, giáo sư, tiến sỹ Phạm Vũ Luận, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có cuộc trao đổi với báo chí, đánh giá những chuyển động và sự nỗ lực của toàn ngành năm 2012, đồng thời chỉ rõ phương thức quản lý điều hành và những nhiệm vụ của năm mới 2013.

Giáo sư, tiến sỹ Phạm Vũ Luận, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo


3 kết quả nổi bật về giáo dục đào tạo năm 2012 


- Thưa Bộ trưởng, nhìn lại năm 2012, đâu là điều mà ông tâm đắc nhất và là kết quả nổi bật nhất của ngành giáo dục đào tạo?

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: Điều mà tôi thấy tâm đắc nhất là sự quan tâm và đầu tư của Đảng, Nhà nước và toàn thể nhân dân đối với giáo dục. Năm 2012 là năm rất khó khăn trong bối cảnh suy thoái chung của kinh tế thế giới và trong nước.

Nhiều ngành, nhiều địa phương phải tạm dừng triển khai những công trình rất quan trọng, nhưng phần đầu tư cho giáo dục vẫn được Đảng, nhà nước quan tâm ưu tiên, đảm bảo.

Các gia đình cũng vậy, thu nhập có thể giảm đi nhưng các bậc phụ huynh vẫn tiếp tục chăm lo duy trì việc học tập cho con em mình, giúp quy mô học sinh cả nước được ổn định. Lúc thuận lợi được quan tâm là rất quý rồi, và khi khó khăn như hiện nay mà vẫn được quan tâm thì những người làm giáo dục như chúng tôi thấy rất ấm lòng.

Điều thứ hai tôi muốn chia sẻ là những kết quả nổi bật về giáo dục mũi nhọn.

Trong năm 2012 có 28 học sinh Việt Nam được tuyển chọn dự thi 31 lượt ở các cuộc thi quốc tế và khu vực, thì tất cả các em đều đoạt giải. Đặc biệt, trong số này có một học sinh lớp 11 của tỉnh Sơn La đoạt Huy chương vàng quốc tế. Đây là kết quả nỗ lực của đội ngũ các thầy cô giáo và các em học sinh.

Bên cạnh đó, trong thành công này có sự đóng góp của các cơ quan chức năng của Bộ. Cụ thể là chúng tôi đã thay đổi nội dung, hình thức thi, cách ra đề thi chọn học sinh giỏi quốc gia theo các phương thức tổ chức thi học sinh giỏi quốc tế.

Đồng thời, chúng tôi tách việc quản lý nhà nước của Bộ (Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục) ra khỏi công việc chuyên môn trong việc tổ chức thi và tuyển chọn học sinh giỏi đi dự thi quốc tế.

Trước đây, các công việc này do Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục thực hiện. Bây giờ Cục tập trung vào việc ban hành các văn bản và chỉ đạo tổ chức triển khai.

Còn việc lựa chọn học sinh, ra đề, chấm thi, bồi dưỡng đội tuyển... do các hội khoa học (như Hội Toán học, Hội Vật lý…) và các nhà giáo giỏi, có uy tín thực hiện. Cần nói thêm là việc thay đổi này do chính các nhà khoa học đề xuất với Bộ.

Các giáo sư nói với tôi rằng không phải học sinh của chúng ta kém đi mà do chúng ta đang đi khác thế giới, do chúng ta chọn và dạy học sinh giỏi không theo tiêu chuẩn quốc tế.

Tôi kiểm tra thực tế thấy đúng như vậy và quyết định phải điều chỉnh. Để hội nhập, chúng ta phải phải tuân theo các quy định của quốc tế.

Cách làm mới này còn tạo ra cơ chế để huy động các lực lượng xã hội tham gia bồi dưỡng học sinh năng khiếu, tạo điều kiện để Bộ tập trung thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước. Tôi hy vọng cơ chế này sẽ cho chúng ta kết quả bền vững hơn, không chỉ là chuyện “bỗng dưng một ngày đẹp trời” được gặt Huy chương mà đây chính là một cách làm để hội nhập và có thể bắt kịp với thế giới.

Điều thứ ba tôi muốn nói đến là việc nhóm học sinh trường Hà Nội-Amsterdam tại Hội thi khoa học và kỹ thuật quốc tế (Intel ISEF) 2012 đã vượt lên trên học sinh từ gần 200 quốc gia để đoạt giải nhất.

Cụ thể các em giành giải nhất lĩnh vực Vật liệu và Kỹ sinh học với đề tài “Xử lý nước mặn thành nước ngọt bằng kỹ thuật chân không và năng lượng mặt trời phục vụ cho sinh hoạt.”

Điều này cho thấy hướng đưa các trường đại học gắn với các trường phổ thông, đưa các giáo sư đại học hướng dẫn học sinh phổ thông tìm tòi, sáng tạo và nghiên cứu khoa học.

Trước đây, hai bậc học này tương đối biệt lập, thậm chí trường sư phạm với trường phổ thông cũng gắn bó hạn chế. Nay chúng ta đã tạo được mối liên hệ, đưa các nhà khoa học cùng các phòng thí nghiệm của các trường đại học về gần với các trường phổ thông, không phải chỉ để rèn cho các học sinh giỏi đi thi mà còn tạo điều kiện để các nhà khoa học đầu ngành của các trường đại học gặp gỡ các em học sinh và truyền lửa cho thế hệ sau.

Từ năm 2013, việc tổ chức cho học sinh phổ thông làm nghiên cứu khoa học sẽ được nhân lên, mở rộng hơn trong hệ thống giáo dục cả nước.

Chúng tôi cũng sẽ chuyển hướng, không chỉ bồi dưỡng học sinh giỏi về lý thuyết mà sẽ giúp các em rèn luyện, sáng tạo, có kỹ năng vận dụng kiến thức đã học để giải quyết các vấn đề thực tiễn.

Đổi mới phương thức quản lý giáo dục

- Xin chúc mừng Bộ trưởng về những kết quả không thể phủ nhận trên. Tuy nhiên, thưa Bộ trưởng, bấy lâu nay, người dân vẫn trông đợi ở ngành giáo dục một sự thay đổi mang tính căn bản và toàn diện?

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: Thay đổi căn bản và toàn diện giáo dục cũng chính là nhiệm vụ quan trọng nhất mà chúng tôi đang hướng tới và từng bước triển khai. Trong năm 2012, tư duy và cách thức chỉ đạo quản lý ở cơ quan Bộ Giáo dục đào tạo đã có thay đổi ban đầu, và tôi cho là có ý nghĩa căn bản. Rõ nhất là trong quản lý đại học. Chúng tôi tôn trọng, tin tưởng trao cho các cơ sở giáo dục đại học những quyền lớn, trách nhiệm lớn.

Nếu các bạn theo dõi kỹ sẽ thấy, trước đây, các chuyên viên của Vụ Giáo dục Đại học ngồi duyệt từng luận án tiến sỹ, dò xem danh mục tài liệu tham khảo đã xếp đúng thứ tự ABC chưa. Bây giờ đã thay đổi, các vụ, cục tập trung vào công việc quản lý, thẩm định, kiểm tra một cách thật cụ thể, chặt chẽ theo hướng nâng cao chất lượng.

Ví dụ trước đây Bộ yêu cầu các trường báo cáo danh sách giáo viên giảng dạy tại trường. Do vậy, đã có một số trường lập danh sách “hoành tráng” với hàng loạt giảng viên tên tuổi, nhưng toàn là giảng viên của các trường khác được mời đến thỉnh giảng.

Cá nhân tôi cũng từng có trong danh sách giảng viên của một số trường. Thậm chí, có trường đã kê vào danh sách giảng viên tên các thầy giáo đã mất! Nay chúng tôi yêu cầu các trường phải có đội ngũ giáo viên cơ hữu của mình.

Một ví dụ khác, chúng tôi giao cho các trường quyền chủ động xác định chỉ tiêu tuyển sinh trên cơ sở các định mức do Bộ ban hành. Còn Bộ tập trung vào việc thanh kiểm tra, và sau đó không chỉ rút kinh nghiệm mà là kiên quyết xử lý.

- Thưa Bộ trưởng, để tạo ra sự thay đổi trong phương thức quản lý giáo dục là tập trung vào việc thẩm định, kiểm tra và nhất là xử lý các vi phạm trên thực tế, ông có gặp khó khăn hay sự trợ giúp nào không?

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: Phải nói thật là trong việc xử lý các vụ sai phạm mà Bộ làm được trong thời gian qua có công lớn của báo chí. Tôi đã từng chất vấn tại sao Vụ, Cục nào cũng phân công cán bộ theo dõi từng khối trường nhưng về các vi phạm của cơ sở thì tôi không nhận được qua báo cáo từ Vụ, Cục, mà chỉ nhận được thông tin qua báo chí?

Mình là cán bộ, có nhiệm vụ chính là theo dõi xem các cơ sở có thực hiện đúng không mà không làm được. Trong khi báo chí người ta không có kinh phí, không biên chế mà phát hiện ra được các sai phạm. Cách quản lý như vậy là không bình thường, cần thay đổi.

Đó là những thay đổi bước đầu, nhưng xin chia sẻ thật với các nhà báo là khó khăn lắm mới đạt được đấy (cười)... Có người lo lắng cho tôi và khuyên không nên quyết liệt quá, nhưng tính tôi là vậy. Việc gì mình đã thấy đúng và có đủ điều kiện triển khai thì kiên quyết làm. Mình là cán bộ có chức, có quyền, có công cụ trong tay mà thấy đúng không làm thì không thể chấp nhận được. Đã thấy đúng mà không làm thì bứt dứt không yên!

Kiên quyết xử lý người đứng đầu

- Còn đối với những căn bệnh trầm kha của giáo dục như lạm thu, dạy thêm học thêm, tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích kéo dài - Bộ trưởng có thể cho biết kết quả giải quyết những bức xúc nêu trên?

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: Năm 2012, chúng tôi đã chủ động tìm giải pháp để cải thiện một bước tình hình nêu trên.

Năm 2012, Bộ đã có văn bản hướng dẫn về chống “dạy thêm, học thêm tràn lan,” chống lạm thu. Quan điểm của chúng tôi là phải tiến hành mọi hoạt động trong khuôn khổ pháp luật.

Chúng tôi đang chăm chú theo dõi các địa phương, dư luận xã hội để tiếp tục chỉ đạo và nếu thấy cần thiết sẽ điều chỉnh bổ sung. Tôi vui mừng vì các quy định này bước đầu đã vào được cuộc sống.

Ví dụ Hội đồng Nhân dân Hà Nội đã vào cuộc, chỉ đạo trả lại các khoản tiền đã thu sai quy định. Đà Nẵng đã miễn nhiệm ngay chức vụ của một hiệu trưởng để xảy ra lạm thu...

Cũng có hiện tượng một vài Sở làm mạnh tay quá, có phần cứng nhắc như báo chí đã phản ánh là “bắt dạy thêm như bắt trộm,” chúng tôi đã gọi điện và hướng dẫn, giải thích cho rõ là mình chống dạy thêm tràn lan chứ không phải chống dạy thêm học thêm nói chung.

Các vấn đề nhức nhối này đã có những bước chuyển, nhưng kết quả sẽ phụ thuộc vào công tác tổ chức, triển khai thực hiện của cả hệ thống chính trị, sự chuyển biến trong nhận thức, hành động của các thầy cô giáo và các bậc phụ huynh.

Về tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích, đây là một thực trạng tồn tại dai dẳng. Quan điểm của chúng tôi là nỗ lực phòng ngừa và khi đã phát hiện tiêu cực thì cần xử lý dứt điểm, nghiêm túc, kể cả hiệu trưởng. Chúng tôi sẽ làm theo đúng tinh thần nghị quyết Trung ương 4 là xử lý trách nhiệm người đứng đầu. Nếu nhà trường vi phạm về tuyển sinh, chúng tôi không dừng lại ở việc phạt tiền (vi phạm hành chính) mà kiến nghị xử lý hiệu trưởng.

Lần đầu tiên, năm 2012 chúng tôi cho chấm thanh tra 17.000 bài thi tốt nghiệp trung học phổ thông ở 16 tỉnh những nơi có kết quả tăng đột biến.

Sau khi chấm lại, chúng tôi gửi lại kết quả này cho Bí thư, Chủ tịch của 16 tỉnh đó với số liệu và nhận xét cụ thể mặt tốt, mặt chưa tốt và những vấn đề cần rút kinh nghiệm của từng tỉnh.

Chúng tôi chỉ rõ những hạn chế, ví dụ như coi thi chưa tốt vì có bài thi sai giống nhau, chấm không nghiêm túc: sai cũng cho điểm, không làm được cũng cho điểm… công tác chỉ đạo , quản lý chưa sâu sát, không phát hiện ra cái sai.

Đồng thời, chúng tôi cũng có văn bản gửi cho lãnh đạo 63 tỉnh thành phố thông báo kết quả chung và chủ trương của Bộ sẽ tiếp tục việc thanh kiểm tra, công khai trong 2013 và những năm tiếp theo.

Chúng tôi làm tất cả việc này với tinh thần trung thực với chính mình, trung thực với Đảng và nhân dân, và với tinh thần trách nhiệm cao với ngành và với tương lai đất nước.

- Trong năm 2012 nhiều tiêu cực tập thể đã được phát hiện và xử lý, Bộ trưởng nhìn nhận vấn đề này như thế nào và có định hướng nguyên tắc chung nào khi giải quyết những vấn đề tiêu cực này?

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: Nguyên tắc của chúng tôi là kiên quyết xử lý dứt điểm các vi phạm và tiêu cực, không để kéo dài. Quán triệt các nghị quyết trung ương, nhất là nghị quyết Trung ương 4 của Đảng, chúng tôi xử lý nghiêm túc theo đúng quy chế, kết hợp xử lý tập thể vi phạm với xử lý trách nhiệm người đứng đầu.

Việc này sẽ được tiếp tục rút kinh nghiệm và sẽ làm định kỳ, thường xuyên, đột xuất nếu có tình hình đặc biệt trong năm 2013 để chấn chỉnh kỷ cương kỷ luật, khẳng định một cách chắc chắn trên thực tế quan điểm tôn trọng pháp luật và giữ kỷ cương, uy tín trong ngành giáo dục.

Năm 2012 là năm đầu tiên một hiệu trưởng (Trung học phổ thông Đồi Ngô, Bắc Giang) để xảy ra gian lận trong thi tốt nghiệp bị kỷ luật ngay. Không né tránh và kiên quyết xử lý các sai phạm do báo chí, các lực lượng xã hội phát hiện.

Bên cạnh đó năm 2012 Bộ còn chủ động tiến hành nhiều cuộc thanh tra để tìm ra sai phạm và xử lý mạnh. Đây là năm đầu Bộ quyết liệt kiểm tra tình hình vi phạm về tuyển sinh và đào tạo liên kết với nước ngoài.

Những cơ sở đào tạo liên kết với nước ngoài vi phạm tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đã được Ủy ban Nhân dân hai thành phố có những quyết định xử lý mạnh là đóng cửa.|

Đây cũng là năm Bộ tổ chức thanh tra trên diện rộng và kiến nghị xử lý tám hiệu trưởng đại học không thực hiện đúng quy định của Bộ về tuyển sinh.

Sẽ hoàn chỉnh Đề án Đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đào tạo

- Cuối cùng, xin Bộ trưởng cho biết những nhiệm vụ trọng tâm của toàn ngành trong năm 2013?

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: Trong năm 2013 nhiệm vụ tổng quát là trên cơ sở những kết quả thành quả đã đạt được những năm trước, toàn ngành phấn đấu đạt được những bước chuyển mình mạnh hơn theo hướng tăng cường kỷ cương kỷ luật; phát triển giáo dục đào tạo theo hướng nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu xã hội.

Chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ với Ban tuyên giáo Trung ương và các cơ quan khác hoàn chỉnh Đề án đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo để trình Hội nghị Trung ương 8.

Ở bậc phổ thông sẽ tập trung giải quyết những tồn tại, bức xúc xã hội mà trong 2012 mới khắc phục được bước đầu, chưa dứt điểm như lạm thu, học thêm dạy thêm tràn lan, bạo lực học đường, nâng cao đạo đức và ý thức trách nhiệm của học sinh; tập trung chuẩn bị các nội dung của đề án đổi mới chương trình sách giáo khoa sau năm 2015.

Đối với giáo dục đại học, chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh công tác soạn thảo để ban hành hoặc trình cấp trên ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật giáo dục đại học, nhanh chóng đưa Luật vào cuộc sống; hoàn thiện cơ chế tự chủ của các trường, đồng thời tăng cường và hoàn thiện cơ chế thanh kiểm tra của Bộ Giáo dục và Đào tạo, của Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh, của các bộ, ngành liên quan để đảm bảo tính tự chủ và tự chịu trách nhiệm của các cơ sở đào tạo, ưu tiên việc nâng cao chất lượng…

- Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bộ trưởng Bộ GDĐT: Việc gì thấy đúng tôi nhất định làm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.