Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giảm gánh nặng mưu sinh trên con đường học vấn

Đỗ Tâm| 22/02/2013 07:18

(HNM) - Chương trình tín dụng đối với HSSV được triển khai thực hiện từ tháng 3-1998 song chỉ thực sự đi vào cuộc sống từ cuối năm 2007 khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 157/2007/ QĐ-TTg ngày 27-9-2007 về tín dụng đối với HSSV. Sau hơn 5 năm đi vào cuộc sống, chính sách này trở thành chỗ dựa cho hàng triệu HSSV trên con đường học vấn, lập nghiệp.

* 2,8 triệu học sinh, sinh viên được vay hơn 43.000 tỷ đồng
* Không để sinh viên phải ngừng học vì thiếu kinh phí
(HNM) - Chương trình tín dụng đối với HSSV được triển khai thực hiện từ tháng 3-1998 song chỉ thực sự đi vào cuộc sống từ cuối năm 2007 khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 157/2007/ QĐ-TTg ngày 27-9-2007 về tín dụng đối với HSSV. Sau hơn 5 năm đi vào cuộc sống, chính sách này trở thành chỗ dựa cho hàng triệu HSSV trên con đường học vấn, lập nghiệp.

Với nguồn vốn tín dụng ưu đãi, nhiều học sinh, sinh viên nghèo được theo đuổi ước mơ học tập của mình. Ảnh: Trần Việt

Ông Đinh Văn Huy (Minh Hòa, Tân Lập, Phú Thọ) có 4 con. Ở vùng quê nghèo, đông con đã cực, lo được cho con ăn học đến nơi đến chốn càng khó khăn hơn. Vậy mà cả 4 con ông đều được học đại học, đã tốt nghiệp, đi làm, với nhiều người, quả là điều không tưởng. Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 5 năm thực hiện chương trình tín dụng đối với học sinh, sinh viên (2007-2012) vừa diễn ra sáng 21-2, ông Huy cho biết đó là do vay và sử dụng có hiệu quả đồng tiền vay từ chương trình tín dụng đối với HSSV.

Với nhiều giải pháp quyết liệt của Chính phủ và các bộ, ngành, tính đến hết năm 2012, tổng nguồn vốn chương trình là 36.125 tỷ đồng, đáp ứng đủ, kịp thời nhu cầu vay vốn của đối tượng thụ hưởng theo quy định, trong đó nguồn vốn ngân sách cấp là 1.495 tỷ đồng (bằng 4,1%), vốn đi vay và phát hành trái phiếu Chính phủ bảo lãnh là 34.630 tỷ đồng (chiếm 95,9% tổng nguồn vốn). Tổng doanh số cho vay đạt 43.362 tỷ đồng (bình quân 7.227 tỷ đồng/năm) với hơn 2,8 triệu lượt HSSV được vay vốn.

Hiện đang còn 1,9 triệu hộ gia đình đang vay vốn cho trên 2,3 triệu HSSV đi học, trong đó đối tượng hộ nghèo là 532.000 hộ, dư nợ là 10.116 tỷ đồng; đối tượng hộ có hoàn cảnh khó khăn đột xuất về tài chính là 672.000 hộ, dư nợ 11.853 tỷ đồng; đối tượng là HSSV mồ côi, lao động nông thôn học nghề, bộ đội xuất ngũ học nghề là gần 5.000 hộ, dư nợ 66 tỷ đồng... Cơ cấu cho vay theo trình độ đào tạo: Sinh viên học đại học dư nợ là 16.559 tỷ đồng, với 924.000 người (chiếm 39,9% tổng số HSSV đang dư nợ); sinh viên học cao đẳng dư nợ là 12.146 tỷ đồng, với 802.000 SV (chiếm 34,6%); học sinh học trung cấp dư nợ là 6.005 tỷ đồng, với 503.000 học sinh (chiếm 21,7%); học sinh học nghề (bao gồm cả cao đẳng nghề, trung cấp nghề, học nghề dưới 1 năm) dư nợ là 1.091 tỷ đồng, với 86.000 học sinh (chiếm 3,8%).

Nguồn vốn cho vay của chương trình đã được các bộ, ngành cân đối các nguồn từ ngân sách và các nguồn vốn khác để ưu tiên cho việc giải ngân, đáp ứng nhu cầu vay vốn của HSSV trong từng thời kỳ. Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đã tích cực huy động nguồn vốn, đặc biệt là nguồn trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh, để đáp ứng đủ nhu cầu vay vốn cho đối tượng thụ hưởng theo quy định. Các bộ, ngành và chính quyền địa phương các cấp đã có sự phối hợp chặt chẽ trong suốt quá trình triển khai thực hiện chương trình.

Điều đáng nói nhất là chương trình đã được triển khai sâu rộng ở các địa phương trên toàn quốc với sự vào cuộc và tham gia tích cực của các cấp Hội Phụ nữ, Nông dân, Cựu Chiến binh và Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Phương thức cho vay ủy thác từng phần giữa NHCSXH với các tổ chức hội, đoàn thể này đã tập hợp được sức mạnh của cả hệ thống chính trị ở cơ sở, góp phần thực hiện xã hội hóa công tác cho vay, dân chủ, công khai trong việc bình xét về đối tượng thụ hưởng cũng như quản lý, sử dụng vốn vay, đã hạn chế được thấp nhất các hiện tượng tiêu cực, giúp đồng vốn đến được đúng đối tượng thụ hưởng.

Đánh giá kết quả 5 năm thực hiện Quyết định 157/2007/QĐ - TTg của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, Chương trình tín dụng đối với HSSV có ý nghĩa cả về kinh tế, chính trị và xã hội, hợp lòng dân, tạo được sự đồng thuận cao của cộng đồng xã hội. Đây là chương trình có tính nhân văn sâu sắc, tính xã hội hóa cao; đã tạo được sự gắn kết trong công tác xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, sự bình đẳng trong giáo dục, góp phần tạo nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Theo NHCSXH Việt Nam, để đáp ứng nhu cầu vay vốn của HSSV hằng năm, dự kiến tổng nguồn vốn chương trình giai đoạn 2013 - 2017 cần khoảng 45.000 tỷ đồng. Khẳng định thực hiện Chương trình tiếp tục là quyết tâm chính trị của Chính phủ, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã giao cho NHCSXH Việt Nam chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành bàn biện pháp tiếp tục tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để tạo lập nguồn vốn cho vay theo hướng ổn định và bền vững.

Trên cơ sở kiến nghị từ các địa phương, Chính phủ cũng sẽ xem xét việc nâng mức cho vay cho phù hợp với điều kiện giá cả thị trường có nhiều biến động hiện nay; bổ sung đối tượng cho vay đối với gia đình có từ 2 HSSV trở lên đang theo học tại các trường, cơ sở đào tạo chưa thuộc đối tượng vay vốn; tiếp tục gia hạn nợ thêm đối với những HSSV học xong nhưng chưa tìm được việc làm phù hợp, chưa có khả năng trả nợ trong khi gia đình vẫn thuộc diện hộ nghèo, hộ khó khăn... kiên quyết không để HSSV phải bỏ học, nghỉ học giữa chừng vì lý do không có tiền đóng học phí và trang trải các chi phí học tập, cuộc sống hằng ngày.

Năm năm thực hiện Chương trình tín dụng đối với học sinh, sinh viên (HSSV) theo Quyết định 157/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, nguồn vốn giải ngân qua Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Hà Nội đã tạo điều kiện cho trên 100.000 hộ nghèo và đối tượng chính sách được vay vốn để cho con em học tập, học nghề. Đến nay, Ngân hàng Chính sách xã hội Hà Nội đã cho vay được 1.317 tỷ đồng, trong đó đối tượng hộ nghèo có dư nợ 488,4 tỷ đồng với 27.300 hộ; đối tượng hộ gia đình có mức thu nhập bình quân đầu người tối đa bằng 150% mức thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo có dư nợ 366 tỷ đồng, 21.200 hộ; đối tượng hộ có hoàn cảnh khó khăn đột xuất về tài chính có dư nợ 167,5 tỷ đồng, 12.300 hộ; ngoài ra còn 311 HSSV thuộc diện mồ côi, lao động nông thôn đi học nghề với dư nợ hơn 4 tỷ đồng…
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giảm gánh nặng mưu sinh trên con đường học vấn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.