Theo dõi Báo Hànộimới trên

Dạy tiếng Anh trong trường tiểu học ở Hà Nội: Thiếu nguồn lực

Thống Nhất| 21/03/2013 06:02

(HNM) - Kết quả khảo sát của Ban Văn hóa - Xã hội (HĐND TP Hà Nội) tại các trường cho thấy, cơ sở vật chất và chất lượng đội ngũ giáo viên là rào cản lớn trên chặng đường đi đến mục tiêu.

Kết quả khảo sát của Ban Văn hóa - Xã hội (HĐND TP Hà Nội) tại các trường từ ngày 11 đến ngày 20-3 cho thấy, cơ sở vật chất và chất lượng đội ngũ giáo viên (GV) là rào cản lớn trên chặng đường đi đến mục tiêu.

Giờ học tiếng Anh của học sinh Trường Tiểu học Cát Linh. Ảnh: Khánh Nguyên


Thiếu thiết bị

Để triển khai đề án Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020, từ năm học 2010-2011, Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) đã triển khai dạy tiếng Anh thí điểm cho HS lớp 3. Đến năm học này, việc thí điểm đang thực hiện đối với HS khối 5 và tiếp tục mở rộng đối với HS các khối 3, 4 ở những địa phương có điều kiện. Tại Hà Nội, việc dạy học ngoại ngữ đã được triển khai từ năm học 2008-2009. Dù vậy, cho tới nay, việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị để phục vụ việc dạy học tiếng Anh ở nhiều trường còn thiếu thốn.

Kết quả khảo sát chất lượng học tập của HS cho thấy, hầu hết mới chỉ đạt yêu cầu về kỹ năng đọc - viết, còn kỹ năng nghe - nói rất yếu, nhất là đối với HS ở những trường ngoại thành. Một trong những nguyên nhân cơ bản là dạy "chay". Huyện Mê Linh có 32/32 trường tiểu học dạy ngoại ngữ song mới chỉ có 9 phòng học đạt chuẩn, còn lại đều chắp vá, thiếu đồng bộ. Ngay quận trung tâm Ba Đình cũng mới chỉ có 3/17 trường tiểu học có đủ thiết bị và phòng học ngoại ngữ. Hầu hết trường trên địa bàn quận Hai Bà Trưng đều thiếu những điều kiện cần thiết như phòng học tiếng, phòng đa phương tiện... Tính chung toàn thành phố, số trường có phòng học ngoại ngữ chiếm chưa đầy 16%, trong đó thấp nhất là ở cấp tiểu học với 10/687 trường (1,4%).

Để hỗ trợ các trường triển khai dạy học ngoại ngữ, Hà Nội đã xây dựng kế hoạch với lộ trình đầu tư rõ ràng từ nay đến năm 2015 để bảo đảm mỗi trường có tối thiểu 1 phòng học ngoại ngữ. Theo thống kê, năm 2012, các trường đã được đầu tư hơn 50 tỷ đồng để mua sắm trang thiết bị dạy học ngoại ngữ. Số kinh phí này dự kiến sẽ được tăng lên gấp đôi trong năm nay.

Một tiết học tiếng Anh do giáo viên nước ngoài dạy tại Trường Tiểu học Tây Sơn (Hà Nội). Ảnh: Hồng Vĩnh


Yếu nhân lực

Không chỉ thiếu về cơ sở vật chất, thiết bị, việc triển khai dạy học ngoại ngữ trong các trường tiểu học khó khăn còn bởi trình độ nhiều giáo viên (GV) không đạt chuẩn. Theo quy định của Bộ GD-ĐT, GV dạy ngoại ngữ ở tiểu học phải đạt trình độ B2 (tương đương đạt điểm 6.0 chứng chỉ IELTS) của khung năng lực ngôn ngữ Châu Âu. Do số lượng đạt yêu cầu quá ít nên từ năm học 2011-2012, Bộ đã "gọt chân cho vừa giày" bằng cách cho phép các địa phương được sử dụng GV có trình độ B1.

Hà Nội vừa tiến hành rà soát hiện trạng GV dạy ngoại ngữ. Dù chưa có kết quả chính thức song thực tế khảo sát cho thấy, chất lượng đội ngũ này còn hạn chế. Gần 800 GV dạy ngoại ngữ ở các trường tiểu học hiện đều có trình độ đào tạo từ CĐ trở lên song tỷ lệ xếp loại khá và tốt mới đạt 55%, 37% xếp loại trung bình và còn 8% xếp loại yếu. Về kỹ năng, có khoảng 40% GV nghe được và hiểu bài do chuyên gia giảng dạy, còn tới 30% gần như không hiểu bài, phải học qua phiên dịch. Theo thống kê của quận Ba Đình, tính đến năm học 2012-2013, mới có 6/41 GV ngoại ngữ đạt chuẩn, con số này ở huyện Đan Phượng là 15/37 GV.

Đội ngũ GV ngoại ngữ không chỉ yếu về trình độ mà còn thiếu về số lượng. Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thành Công B (quận Ba Đình) Phạm Thị Yến cho biết: "Thời lượng dạy tiếng Anh theo quy định của Bộ GD-ĐT là 4 tiết/tuần. Ước tính, để triển khai cho 21 lớp (từ lớp 3 đến lớp 5), mỗi tuần có 84 tiết, cần ít nhất 4 GV. Trong khi đó, định biên theo quy định chỉ là 1 GV nên trường phải ký hợp đồng thêm 3 người. Không thuộc biên chế nên hầu hết GV hợp đồng đều đứng lớp trong tình trạng nhấp nhổm, thiếu chuyên tâm với công việc. Con số 40% GV quận Ba Đình bỏ thi tại cuộc khảo sát trình độ B1, B2 tháng 2 vừa qua là minh chứng cho sự ít mặn mà với việc đi dạy. Nguyên nhân vẫn là chuyện đãi ngộ. Yêu cầu đặt ra với GV ngoại ngữ quá cao trong khi thu nhập không tương xứng. Nếu có đủ các điều kiện về năng lực và trình độ như yêu cầu hiện nay của ngành GD-ĐT thì họ hoàn toàn có thể tìm được những cơ hội việc làm với mức thu nhập cao hơn nhiều so với nghề dạy học".

- Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2015 có 50% GV tiểu học đạt trình độ B2 theo khung năng lực ngôn ngữ Châu Âu và đạt 100% vào năm 2020.

- Đến năm 2020 toàn thành phố không còn GV ngoại ngữ xếp loại yếu. Tỷ lệ GV đạt loại khá và tốt chiếm 80%.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dạy tiếng Anh trong trường tiểu học ở Hà Nội: Thiếu nguồn lực

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.