Theo dõi Báo Hànộimới trên

Trẻ em chuẩn bị vào lớp 1 học trước chương trình: Phản khoa học và có hại

Thống Nhất| 26/03/2013 05:49

(HNM) - Trước tình trạng nhiều phụ huynh cho trẻ 5 tuổi đi học trước chương trình để chuẩn bị vào học lớp 1 gây nên những lo lắng, bức xúc trong dư luận...

- Quan điểm của Bộ GD-ĐT như thế nào về việc ngày càng nhiều phụ huynh hối hả cho con 5 tuổi đi học chữ, thưa ông?

- Trước tiên, tôi xin khẳng định, việc cho trẻ học chữ trước khi vào lớp 1 là phản khoa học. Có 3 lý do cơ bản. Thứ nhất là làm mất đi tâm lý hào hứng, háo hức của HS và cả của phụ huynh trước khi bước vào môi trường học tập mới. Thứ hai, nếu người dạy không chu đáo, hoặc hạn chế về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ thì sẽ hướng dẫn trẻ cầm bút sai, tư thế ngồi, cách viết chữ không đạt chuẩn mực. Thực tế cho thấy, nếu HS mắc phải những tật này thì sẽ rất khó sửa. Thứ ba, nếu đạt được những chuẩn mực như đã nêu trên thì việc cho trẻ đi học trước như vậy là ép sớm, không phù hợp với lứa tuổi, ảnh hưởng không tốt đến quá trình phát triển về tâm lý, nhận thức. Kết quả nghiên cứu cho thấy, khi bị ép học sớm, trẻ không chỉ bị ảnh hưởng về mặt tâm lý, mà còn bị ảnh hưởng đến hệ cơ, xương. Quan trọng nhất với trẻ 5 tuổi là tạo cho trẻ hứng thú khi tới trường.

Học đúng chương trình, trẻ em sẽ hào hứng, phấn khởi và phát triển tốt. Ảnh: Bá Hoạt


- Bộ đã từng khảo sát về những tác hại như vừa đề cập hay chưa?

- Để có căn cứ, chúng tôi đã khảo sát tại một số trường. Hầu hết giáo viên đều khẳng định việc học trước khiến cho HS dễ chủ quan, ảo tưởng với tâm lý đã biết hết những điều cô dạy rồi. Thực tế khảo sát còn cho thấy, những HS biết đọc, biết viết trước thì hăng hái thời gian đầu còn về sau thì đuối dần.

- Quy định không dạy trước chương trình với HS lớp 1 đã được ban hành từ nhiều năm nay, song thực tế tình trạng này vẫn tái diễn. Nhiều trường mầm non còn thuê cả giáo viên tiểu học vào dạy. Bộ có giải pháp nào để giải quyết tận gốc thực trạng này?

- Ngoài tăng cường kiểm soát việc thực hiện quy chế chuyên môn của các trường mầm non, chúng tôi cũng chỉ đạo các trường tiểu học quản lý chặt chẽ giáo viên với yêu cầu không được dạy thêm. Nếu để xảy ra sai phạm, theo phân cấp, hiệu trưởng các trường phải chịu trách nhiệm. Năm ngoái, khi kiểm tra tại Hà Nội, chúng tôi đã phát hiện trường hợp giáo viên dạy trước chương trình, và đã phê bình, nhắc nhở. Tới đây, để ngăn chặn tình trạng này, chúng tôi đang nghiên cứu để ban hành một số giải pháp quyết liệt hơn.

- Thực tế tại các trường cho thấy, điểm số tạo tâm lý và sức ép rất lớn khiến phụ huynh lo lắng nên luôn muốn cho con học trước. Bộ có chỉ đạo gì về việc này?

- Từ năm học 2010-2011, Bộ đã thực hiện đổi mới đánh giá bằng nhận xét, thay vì bằng điểm số ở một số môn học đối với HS tiểu học. Tuy nhiên, việc thực hiện chưa thống nhất. Từ năm học 2013-2014, Bộ GD-ĐT dự kiến sẽ áp dụng cách đánh giá riêng cho HS lớp 1 theo hướng động viên, tạo tâm thế cho các em hứng khởi trong học tập. Bộ GD-ĐT sẽ cấm giáo viên không được chấm điểm cho HS lớp 1 trong suốt học kỳ 1. Chúng tôi cũng dự kiến ban hành hướng dẫn các tiêu chí chọn giáo viên lớp 1 để các trường lựa chọn giáo viên cho phù hợp.

Trẻ em 5 tuổi học trước chương trình để chuẩn bị vào lớp 1 đã gây lo lắng và bức xúc trong dư luận. Ảnh: Mạnh Hà


- Ý kiến cho rằng chương trình giáo dục mầm non và tiểu học hiện thiếu liên thông khiến cho nhu cầu học trước có xu hướng gia tăng có đúng không, thưa ông?

- Hoạt động chủ đạo để phát triển tâm lý, nhận thức ở mỗi lứa tuổi khác nhau. Lứa tuổi mầm non thì chơi là chính. Còn ở tiểu học thì hoạt động chủ đạo là học. Để làm tốt hoạt động học, theo quy định của Bộ GD-ĐT, các trường đều phải dành ra một tuần trước ngày khai giảng để hướng dẫn HS chuẩn bị tâm thế, làm quen với nền nếp học tập, sinh hoạt trước khi bắt đầu vào học lớp 1. Trong chương trình giáo dục mầm non cũng đã có chủ đề làm quen với trường tiểu học. Việc cho con đi học trước là do nhận thức của phụ huynh, hoặc ganh đua, hoặc quá kỳ vọng…

- Yêu cầu về nội dung chương trình, cách đánh giá hiện nay liệu có phải là quá cao nên tạo áp lực học tập cho HS lớp 1 hay không, thưa ông?

- Như đã nói, quan trọng nhất đối với trẻ vào lớp 1 là tạo tâm thế hào hứng, phấn khởi để trẻ thích đến lớp. Bên cạnh đó là việc rèn cho HS các kỹ năng cơ bản về giao tiếp, biết thực hiện các nền nếp sinh hoạt, học tập. Rõ ràng, nội dung chương trình và yêu cầu kiến thức đối với HS lớp 1 không cao, nhưng phải kiên trì, không nóng vội. Theo tôi, để giải quyết triệt để việc tạo áp lực cho HS cần có những giải pháp đồng bộ như tăng cường tổ chức học 2 buổi/ngày, bồi dưỡng về phương pháp dạy cho giáo viên lớp 1. Với những trường ở thành phố lớn, đông HS, chúng tôi sẽ có văn bản hướng dẫn giáo viên phương pháp tổ chức dạy - học ở những lớp có sĩ số đông.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Trẻ em chuẩn bị vào lớp 1 học trước chương trình: Phản khoa học và có hại

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.