Theo dõi Báo Hànộimới trên

Gian nan chặng cuối Đề án nâng cao chất lượng giáo dục mầm non

Thống Nhất| 31/03/2013 06:22

(HNM) - Phản ánh từ các quận, huyện, thị xã cho thấy, việc hoàn thành mục tiêu phổ cập cho trẻ 5 tuổi, tăng tỷ lệ trẻ từ 3 tuổi trở lên đến trường ở mức 95%, còn tỷ lệ trẻ dưới 3 tuổi đạt mức 29% như hiện nay đã là một áp lực lớn trong điều kiện trường lớp còn hạn hẹp.

Thành phố Hà Nội đã và đang áp dụng nhiều giải pháp đẩy nhanh tiến độ hoàn thành Đề án nâng cao chất lượng giáo dục mầm non. Ảnh: Bảo Kha


Thành công nhờ chọn đúng "điểm nhấn"

Cách đây vài năm, nhiều phụ huynh đưa con đến trường MN chỉ vì bí người trông trẻ, thậm chí coi đó là việc bất đắc dĩ, thì nay, nhu cầu gửi trẻ ở trường MN ngày càng cao. "Cầu" phát triển, kéo theo yêu cầu nâng quy mô của mạng lưới giáo dục MN lên một bước mới. Tới nay, toàn thành phố có gần 430 nghìn trẻ được chăm sóc, giáo dục trong các cơ sở giáo dục MN. Chỉ tính từ năm 2009 đến nay, tỷ lệ trẻ 3-5 tuổi ra lớp đã tăng thêm 10%, đạt mức 95% - "về đích" trước 2 năm so với thời hạn - mục tiêu của đề án. Tính đến hết học kỳ I năm học 2012-2013, tỷ lệ trẻ 5 tuổi đến trường đã đạt mức 100%, hoàn thành mục tiêu phổ cập giáo dục trẻ 5 tuổi theo yêu cầu của đề án.

Để đáp ứng nhu cầu đi học MN ngày càng tăng, mạng lưới trường MN ở hầu khắp các quận, huyện, thị xã đều mở rộng. 3 năm qua, thành phố có thêm 113 trường MN, tăng số lượng trường MN trên toàn địa bàn lên hơn 900 trường. Đáng chú ý là sự vào cuộc quyết liệt của lãnh đạo thành phố để xóa "điểm trắng" trường MN ở 6 phường của quận Đống Đa và Hai Bà Trưng. Đến nay, 4/6 phường đã có trường MN của riêng mình. Những bức xúc, lo lắng của phụ huynh vào mỗi mùa tuyển sinh, khi phải nghĩ chuyện cho trẻ đi học nhờ ở phường bên cạnh, giờ đã không còn. Hai phường còn lại của quận Đống Đa tưởng chừng không thể xoay xở, bởi hết quỹ đất trống, nay cũng đã rục rịch khởi công xây trường MN để kịp đón trẻ vào dịp khai giảng năm học 2014-2015. Ở ngoại thành, từ chỗ có tới hơn 2.300 điểm trường lẻ, hầu hết đều xập xệ, nay được đầu tư quy mô và tập trung còn 1.600 điểm, tạo điều kiện cho trẻ được chăm sóc ở những trung tâm khang trang, sạch sẽ.

Góp phần vào kết quả chung ấy có sự nỗ lực của chính quyền nhiều địa phương. Tất nhiên, mỗi nơi cần phải xác định trọng tâm, "điểm nhấn" phù hợp với điều kiện và khả năng. Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy Nguyễn Thị Vân Anh cho biết: Trọng tâm của quận là tập trung chăm lo cho đội ngũ giáo viên, trong đó giáo viên (GV) MN được hưởng chính sách tốt nhất. Ngoài chính sách chung, tùy theo điều kiện từng trường, mỗi GV có thêm từ 1 đến 3 tháng lương thứ 13; GV được tính thêm 1 giờ làm thêm mỗi ngày… Vì vậy mà vài năm nay Cầu Giấy không có tình trạng GV MN chuyển đi. Trong khi đó, huyện Thanh Trì chọn việc thu gom điểm trường lẻ để đầu tư tập trung, xây dựng đồng bộ các trường MN theo hướng chuẩn. Năm 2009, toàn huyện có 54 điểm trường, nay giảm còn 43. Huyện đã dành hơn 500 tỷ đồng để cải tạo, xây mới toàn bộ trường MN trên địa bàn. Đây là một trong số ít những đơn vị có tỷ lệ trường MN đạt chuẩn cao (57%), trong đó có 2 trường đạt chuẩn mức độ 2. Còn huyện Đan Phượng lại chú ý xây dựng quy hoạch mạng lưới trường lớp, bảo đảm 100% xã, thị trấn đều có quỹ đất đạt chuẩn cho hệ thống trường MN trên địa bàn.

Bữa ăn của trẻ em Trường Mầm non xã Song Phượng (huyện Đan Phượng). Ảnh: Bá Hoạt


Chặng cuối gian nan

"Có 50-55% số trường MN đạt chuẩn vào năm 2015" là một trong những mục tiêu khó đối với nhiều đơn vị trong chặng đường cuối. Hết quý I năm 2013, toàn thành phố có chưa đầy 18% trường MN đạt chuẩn - xếp ở vị trí áp chót trong số các cấp học hiện nay, chỉ trên cấp học THPT. Khó khăn chung ở khu vực nội thành là thiếu đất, các trường ngoại thành chủ yếu thiếu kinh phí đầu tư trang thiết bị. Tuy nhiên, trong quá trình "mổ xẻ" nguyên nhân chậm tiến độ ở từng khu vực, thấy lộ rõ một yếu tố khác: Sự quan tâm, đầu tư cho hệ thống giáo dục MN, dù đã có nhiều chuyển biến, song so với nhu cầu và yêu cầu nhiệm vụ thì vẫn chưa tương xứng. Gia Lâm là một trong những huyện nằm trong tốp đầu về tiến độ, với gần 60% số trường trên địa bàn đạt chuẩn, song tỷ lệ trường chuẩn ở cấp MN chỉ bằng 1/3 so với tỷ lệ chung. Năm 2012, huyện Thanh Oai không có trường MN đạt chuẩn. Tại Ba Vì, trong tổng số 170 phòng học tạm của toàn huyện, có tới 135 phòng ở khối MN. Lãnh đạo huyện này cho biết, những năm qua ngân sách của huyện đều dồn cho việc xây dựng phòng học cho trẻ 5 tuổi. Ước tính, huyện cần khoảng 300 tỷ đồng để xóa phòng học tạm và xây bổ sung, nhưng ngân sách có hạn, cũng không thể huy động trong dân vì hầu hết đều còn thiếu thốn, nên chỉ trông chờ vào sự hỗ trợ của thành phố.

Việc huy động trẻ dưới 3 tuổi ra lớp cũng là một chỉ tiêu khiến nhiều địa phương lo lắng. Đề án đặt mục tiêu đến năm 2015 huy động 35% trẻ dưới 3 tuổi đến trường. Phản ánh từ các quận, huyện, thị xã cho thấy, việc hoàn thành mục tiêu phổ cập cho trẻ 5 tuổi, tăng tỷ lệ trẻ từ 3 tuổi trở lên đến trường ở mức 95%, còn tỷ lệ trẻ dưới 3 tuổi đạt mức 29% như hiện nay đã là một áp lực lớn trong điều kiện trường lớp còn hạn hẹp.

Thực trạng nói trên được Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc chỉ rõ tại hội nghị giao ban trực tuyến với các quận, huyện, thị xã vừa diễn ra trong tuần này. Theo Phó Chủ tịch, suốt những năm vừa qua, nhiều địa phương chưa dành sự quan tâm thỏa đáng cho cấp học MN, dù đó là cấp học có ý nghĩa tạo nền tảng cho các cấp học tiếp theo của trẻ. Vì vậy, ngay trong tháng 4, các đơn vị phải rà soát kỹ, xác định đâu là nguyên nhân khách quan để thành phố xem xét, có sự hỗ trợ cần thiết; chỗ nào do chủ quan thì chủ động giải pháp khắc phục, không nên trông chờ, ỷ lại, đặc biệt là phải quy rõ trách nhiệm cá nhân để kịp thời đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các chỉ tiêu của đề án.

Hai nguyên nhân chính đã được chỉ ra, liên quan đến đất và kinh phí. Hiện tại, nội thành khó xây thêm phòng học vì không mở rộng được quỹ đất; ngoại thành còn phải tập trung dồn điểm lẻ, xóa phòng học tạm… Mỗi khu vực một sự khó riêng. Sau hơn 3 năm gắng gỏi, xoay xở để triển khai thực hiện đề án, về cơ bản là đã tận dụng nguồn lực ở mức có thể, muốn tạo sức bật mới trong chặng cuối thì các địa phương cần có thêm giải pháp bổ sung, một tinh thần chủ động, quyết liệt, sáng tạo như chỉ đạo của lãnh đạo thành phố. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gian nan chặng cuối Đề án nâng cao chất lượng giáo dục mầm non

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.