Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bộ GD-ĐT yêu cầu không được ép buộc HS-SV đóng học phí một lần: Cần nghiêm túc thực hiện

Hằng - Dương| 03/06/2013 06:51

(HNM) - Bộ GD-ĐT vừa có Công văn số 3038/BGDĐT-KHTC ngày 10-5-2013 gửi các cơ sở giáo dục (GD) đại học và GD nghề nghiệp công lập về việc giãn thời gian điều chỉnh học phí năm học 2013-2014 nhằm tránh tác động lên chỉ số giá tiêu dùng vào tháng 9 hằng năm.

Theo đó, Bộ GD-ĐT đề nghị các cơ sở GD đại học và GD nghề nghiệp công lập xây dựng tiến độ điều chỉnh mức học phí hợp lý; thu học phí định kỳ hằng tháng; không được ép buộc học sinh, sinh viên đóng học phí một lần cho cả học kỳ hoặc cả năm học. Thông tin trên ngay lập tức thu hút được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc Thủ đô...



Bà Bùi Thị Phương (xã Đông Yên, huyện Quốc Oai): Sẽ giảm gánh nặng cho hộ nghèo

Ở các huyện ngoại thành, hiện có rất nhiều hộ nông dân thuộc diện nghèo, cận nghèo đang nuôi 1-2 con học đại học, cao đẳng... Đời sống kinh tế quá khó khăn, thu nhập chính của gia đình chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng nên nhiều gia đình phải chật vật đi vay mượn khắp nơi mỗi khi đến kỳ đóng học phí. Bộ GD-ĐT chỉ đạo các cơ sở GD đại học, GD nghề nghiệp công lập không được ép buộc học sinh, sinh viên đóng học phí một lần cho cả học kỳ hoặc cả năm học là rất phù hợp. Nếu các cơ sở GD đều thực hiện nghiêm túc sự chỉ đạo của Bộ GD-ĐT thì các hộ nghèo đang có con theo học tại các trường đại học, cao đẳng... sẽ giảm được nỗi lo "cơm áo, gạo tiền" mỗi khi vào năm học mới.

Bà Kiều Lan Phương (phường Phương Mai, quận Đống Đa): Cần giám sát chặt việc thu học phí ở các trường

Chúng tôi được biết, mức thu học phí được thực hiện theo nguyên tắc chia sẻ chi phí đào tạo giữa Nhà nước và người học. Tuy nhiên, thời gian qua, không ít cơ sở GD đã liên tục tăng mức học phí theo từng năm khiến nhiều gia đình có con học đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, học nghề... gặp rất nhiều khó khăn, đồng thời tác động mạnh đến chỉ số giá tiêu dùng. Mới đây, Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo các cơ sở GD đại học và GD nghề nghiệp công lập xây dựng tiến độ điều chỉnh mức học phí hợp lý; mức học phí phải phù hợp với nhóm ngành nghề đào tạo và hình thức đào tạo. Đặc biệt, các cơ sở GD đại học và GD nghề nghiệp công lập thuộc trung ương quản lý cần đăng ký với bộ chủ quản về lộ trình, mức điều chỉnh, thời điểm điều chỉnh học phí. Tuy nhiên, dư luận băn khoăn liệu chỉ đạo đó có được thực hiện nghiêm túc? Đề nghị Bộ GD-ĐT tổ chức giám sát chặt chẽ việc thu học phí ở các cơ sở GD và xử lý nghiêm những trường cố tình "lách luật".

Anh Lê Việt Trung (sinh viên Học viện Hành chính quốc gia): Tránh được rủi ro

Việc nộp học phí theo kỳ buộc sinh viên phải cầm cả một "cục" tiền mặt đến trường, không ai dám chắc sẽ không có sự cố xảy ra như làm rơi, bị mất trộm… hoặc trót sử dụng vào một việc khác và khi đến hạn thì không thể lo nổi khoản tiền này. Dù khách quan, chủ quan thì đều khiến cho sinh viên lo lắng, thậm chí vì số tiền quá lớn, ảnh hưởng đến kinh tế gia đình nên họ không dám xin thêm từ bố mẹ. Chủ trương giãn nộp học phí theo tháng của Bộ GD-ĐT là rất hợp lý, giảm được nỗi lo phải gom, giữ số tiền lớn cho cả sinh viên và gia đình. Theo tôi, việc nộp học phí có thể thay đổi bằng cách chuyển tiền vào tài khoản của trường, sẽ rất an toàn, tiện lợi và đơn giản hơn cho sinh viên cũng như gia đình. Còn nhà trường sẽ có trách nhiệm thông báo với gia đình sinh viên khi đã nhận được tiền. Như vậy, vừa an toàn, vừa quản lý chặt chẽ, tránh được rủi ro...

Bà Nguyễn Thị Hà (xã Đông Quang, huyện Ba Vì): Không nên chỉ giãn điều chỉnh học phí trong năm học 2013-2014

Theo tôi, trong thời buổi kinh tế khó khăn hiện nay, nếu phải đóng học phí một lần theo học kỳ hoặc cả năm học (tùy theo từng trường) thì không ít gia đình có con đang học tại các cơ sở GD đại học và GD nghề nghiệp công lập cũng đã "méo mặt", chứ chưa kể đến các trường tư thục, quốc tế... có mức học phí rất cao. Nhiều gia đình chỉ vì quá khó khăn, không có tiền mà con cái họ phải bỏ học giữa chừng. Nhằm tạo điều kiện cho con em được đến trường, đồng thời giảm gánh nặng cho các hộ gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, đề nghị Bộ GD-ĐT nghiên cứu, chỉ đạo các cơ sở GD đại học, GD nghề nghiệp duy trì việc nộp học phí theo tháng và triển khai trong cả các năm học tiếp theo, chứ không chỉ riêng trong năm học 2013-2014. Tuy nhiên, đối với những gia đình có điều kiện thì tùy theo khả năng có thể đóng cả học kỳ hoặc cả năm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bộ GD-ĐT yêu cầu không được ép buộc HS-SV đóng học phí một lần: Cần nghiêm túc thực hiện

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.