Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tập trung giải quyết các vấn đề cốt lõi (bài 1)

Khánh Vũ| 29/09/2013 05:57

LTS: Đề án Đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT Việt Nam đang thu hút sự quan tâm của dư luận và bản dự thảo mới nhất sẽ được trình Ban Chấp hành Trung ương vào tháng 10-2013.



LTS: Đề án Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo Việt Nam đang thu hút sự quan tâm của dư luận và bản dự thảo mới nhất sẽ được trình Ban Chấp hành Trung ương vào tháng 10-2013. Qua nhiều lần chỉnh sửa và ghi nhận những ý kiến đóng góp của các chuyên gia, các nhà quản lý giáo dục, đề án đã tập trung giải quyết các vấn đề cốt lõi của giáo dục Việt Nam bằng cách hướng tới trả lời cho câu hỏi "căn bản ở đâu" và "toàn diện thế nào". Những vấn đề căn cốt của thực trạng giáo dục đã được đề án đặt ra cùng các giải pháp đổi mới, từ quản lý giáo dục cho tới chương trình, sách giáo khoa hay kiểm tra, đánh giá...

Bài 1: Quan trọng là đổi mới quản lý

Để đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đề án đã khẳng định, điều đặc biệt quan trọng là phải đổi mới căn bản quản lý giáo dục, trong đó tập trung vào việc tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước, phát huy vai trò của ngành giáo dục.

Đổi mới chương trình SGK là một vấn đề cốt lõi của đổi mới giáo dục. Ảnh: Bá Hoạt


Đổi mới quản lý là giải pháp then chốt

Dự thảo đề án đã nêu ra những hạn chế, yếu kém của giáo dục Việt Nam và thẳng thắn chỉ rõ: Yếu kém trong công tác quản lý, chỉ đạo của ngành giáo dục, bao gồm cả quản lý ngành và quản lý các cơ sở giáo dục chính là nguyên nhân của nhiều yếu kém khác. Quản lý, chỉ đạo còn nặng về điều hành sự vụ, chưa chủ động tham mưu các chính sách, giải pháp bảo đảm điều kiện phát triển giáo dục, chưa coi trọng đúng mức công tác quản lý chất lượng, thanh tra, kiểm tra, giám sát. Công tác này cũng chưa kịp thời tổng kết, nhân rộng các điển hình tiên tiến và chưa tạo được động lực đổi mới từ trong ngành. Các nguyên lý giáo dục, mục tiêu giáo dục toàn diện chưa được hiểu và thực hiện đúng. Chưa có cơ chế sàng lọc, đưa những nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục không đạt chuẩn về chuyên môn nghiệp vụ và phẩm chất, đạo đức ra khỏi ngành giáo dục…

Nói về những bất cập này, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho rằng, nguyên nhân sâu xa là từ cơ chế bao cấp, kế hoạch hóa tập trung với tâm lý "trên nói gì, dưới làm thế". Cung cách quản lý nặng kiểu chỉ huy và kiểm tra xử lý. Cấp trên kiểm tra thấy làm không đúng ý chỉ đạo của mình thì coi là sai.

Trong quá trình lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo, nhiều chuyên gia cũng đã đồng tình rằng, việc đổi mới bộ máy quản lý hệ thống giáo dục quốc dân là vấn đề bức thiết và căn bản, trong đó, việc phân cấp quản lý trong hệ thống cần được thực hiện triệt để. Và với dự thảo này, những người thực hiện dự thảo đề án khẳng định: "Toàn bộ đề án là tinh thần đổi mới quản lý, giao quyền tự chủ cho nhà trường". Theo đó, quản lý ngành được tách khỏi quản lý cơ sở giáo dục, không sa vào quản trị giáo dục. Các cơ quan quản lý giáo dục địa phương được chủ động quyết định hoặc tham gia trực tiếp về quản lý nhân sự, tài chính cùng với thực hiện nhiệm vụ chuyên môn.

Phân cấp đi đôi trách nhiệm

Cũng nói về đề án đổi mới, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển đã phân tích: Trong xu thế phát huy dân chủ, việc quản lý hiện nay đang đổi mới theo hướng giao quyền và giám sát. Theo đó, cấp dưới được phân quyền, phân cấp trong công tác quản lý, các cơ sở được tự chủ. Ngành giáo dục đang cố gắng phân định công tác quản lý nhà nước với công tác quản trị nhà trường, giữa quản lý nhà nước theo nghĩa hẹp với quản lý nhà nước về chuyên môn.

Với quản lý nhà nước theo nghĩa hẹp, chỉ quy định những gì được phép làm và không được phép. Còn quản lý nhà nước về chuyên môn và quản trị nhà trường thì tạo điều kiện cho các cơ sở được phát huy trí tuệ, được sáng tạo và tự do học thuật. Khi kiểm tra đánh giá phải chỉ được rõ các trường có đi đúng hành lang pháp luật, chứ không phải có làm đúng theo chỉ đạo của cấp trên hay không. Quản lý như vậy thể hiện sự dân chủ, phát huy được tính năng động, sáng tạo của người làm, của cơ sở.

Trong lĩnh vực quản lý chất lượng, thay vì chỉ đặt nặng đầu vào như trước kia hoặc quá coi trọng đầu ra, đề án coi trọng cả 3 yếu tố: Đầu vào, quá trình và đầu ra. Đại diện ban soạn thảo đề án tin tưởng: Với cách làm này chắc chắn chất lượng sẽ được bảo đảm.

Không thể không nhắc tới đổi mới quản lý của giáo dục đại học (ĐH) trong bối cảnh chất lượng đào tạo có nhiều điều đáng bàn như hiện nay. Tuy nhiên, sau 3 năm triển khai Chỉ thị 296 về đổi mới quản lý giáo dục ĐH giai đoạn 2010-2012, công tác này đã có những bước chuyển có thể làm tiền đề cho những giải pháp mà đề án đặt ra. Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã nhận xét: Những yêu cầu trong quá trình đổi mới quản lý giáo dục đặt ra trong 3 năm đã được quán triệt "thấm" đến tất cả các trường. Nhiều nội dung trước kia còn băn khoăn nay đã thành công và được triển khai tương đối rộng rãi. Chúng ta đã triển khai kiểm tra điều kiện của các trường ĐH mới thành lập, đã làm quen với việc không đủ điều kiện không được tuyển sinh mới, không tăng chỉ tiêu. Đó là những điều từ trước tới giờ chưa từng có.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cũng cho rằng: Điều tâm đắc sau 3 năm qua là đã có sự thay đổi về nhận thức và tư duy rõ rệt, hướng tới phấn đấu cho chất lượng. Quản lý nhà nước và quản trị nhà trường đã được tách bạch, xóa bỏ mạnh mẽ cơ chế xin cho, tạo lập cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm, giải trình với xã hội. Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT lưu ý: "Phân cấp quyền hạn, nghĩa vụ phải đi đôi với trách nhiệm".

Những thay đổi căn cốt từ tư duy quản lý mà đề án đặt ra có thể coi như đã bước đầu góp phần bẩy "hòn đá tảng", khơi thông những mục tiêu, giải pháp tiếp theo cho đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục Việt Nam. Những nội dung đó sẽ được đề cập trong những bài viết ở số báo tiếp theo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tập trung giải quyết các vấn đề cốt lõi (bài 1)

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.