Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 2: Chương trình - sách giáo khoa là nền tảng, chất lượng nhà giáo là then chốt

Minh Đức| 30/09/2013 06:52

(HNM) - Sau nhiều phiên họp thảo luận và tiếp thu ý kiến, dự thảo Đề án đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT đã được chỉnh sửa và ghi nhận thêm nhiều ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà quản lý giáo dục.



Chương trình - Sách giáo khoa: Cân đối giữa dạy chữ - dạy người

Các chuyên gia giáo dục nhận định: Qua ba lần cải cách và quá trình đổi mới những năm gần đây, giáo dục Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu, song cũng đã bộc lộ những bất cập, trong đó có những vấn đề gây bức xúc xã hội kéo dài. Nhiều chính sách, giải pháp về giáo dục có hiệu quả trong giai đoạn vừa qua, nay không còn phù hợp, cần được điều chỉnh. Đòi hỏi đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT giai đoạn này là cấp thiết và quan trọng nhằm tạo nên những thế hệ chủ nhân tương lai có đức - tài, nếu không, chính nguồn nhân lực sẽ là yếu tố cản trở sự phát triển của đất nước.

Mục tiêu của việc đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT ngoài vấn đề đổi mới tư duy quản lý còn được xác định là phát triển năng lực công dân và thực hiện nguyên lý giáo dục "Học đi đôi với hành". Để đạt được mục tiêu đó, vấn đề được đặt ra hiện nay là chương trình - sách giáo khoa (CT - SGK) sẽ được điều chỉnh ra sao để khắc phục những hạn chế hiện nay. Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết: CT- SGK giáo dục phổ thông sau năm 2015 được tiếp cận theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực, đặt ra đòi hỏi học sinh (HS) làm, vận dụng được gì hơn là HS biết những gì, biết nhiều đến đâu. CT - SGK hiện hành về cơ bản đã chú ý đến cả 3 phương diện là kiến thức - kỹ năng và thái độ nhưng còn thiếu yếu tố gắn kết, chưa đủ tác động đến HS để phát triển thành năng lực hành động gắn với yêu cầu cuộc sống. Để khắc phục điều này, nội dung CT - SGK mới sẽ được điều chỉnh cân đối giữa dạy chữ - dạy người, không chạy theo khối lượng kiến thức mà chỉ lựa chọn một số nội dung cơ bản, thiết thực nhằm hình thành cho HS năng lực vận dụng kiến thức, kỹ năng, thái độ, tình cảm… vào giải quyết các tình huống trong cuộc sống, tránh tình trạng học nhiều, biết nhiều mà chẳng làm được gì. Các môn học như giáo dục công dân, đạo đức… cũng sẽ được điều chỉnh cả về nội dung và thời lượng dạy học theo hướng bám sát thực tế nhằm đạt được các yêu cầu về giáo dục nhân cách, kỹ năng sống.

Nhằm hạn chế tình trạng trùng lặp, quá tải như hiện nay, CT - SGK mới sẽ được thiết kế thành hệ thống xuyên suốt và nhất quán từ lớp 1 đến lớp 12. Việc tích hợp sẽ được áp dụng ở một số môn học ở tiểu học và THCS nhằm hình thành năng lực tổng hợp và giải quyết vấn đề. Ví dụ như các môn học lý, hóa, sinh được tích hợp thành môn khoa học; các môn sử, địa, giáo dục đạo đức và giáo dục công dân tích hợp thành môn khoa học xã hội. Đến cấp THPT, HS sẽ được dạy học theo hướng phân hóa sâu, thông qua việc học ít các môn học bắt buộc và dành nhiều thời gian cho các môn, chủ đề tự chọn gắn với định hướng nghề nghiệp.

Người thầy có vai trò quyết định

Một công trình có thiết kế tốt mà đội ngũ những người thi công hạn chế về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ thì chắc chắn chất lượng công trình sẽ bị ảnh hưởng. Với ngành GD-ĐT, người thi công chính là đội ngũ những người thầy. Khẳng định đội ngũ nhà giáo có vai trò quyết định đến chất lượng giáo dục, đề án đã xác định tầm quan trọng của nhiệm vụ xây dựng, nâng cao chất lượng nhà giáo trong giai đoạn hiện nay và coi đây là giải pháp then chốt bảo đảm sự thành công của công cuộc đổi mới giáo dục.

Để triển khai nhiệm vụ - cũng là giải pháp này, Ban soạn thảo xác định có ba phần việc chính cần được triển khai đồng thời: Thứ nhất - xây dựng quy hoạch và kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo; thứ hai - đổi mới mạnh mẽ mục tiêu, nội dung, phương pháp đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng giáo viên và đánh giá kết quả học tập, rèn luyện trong đào tạo theo hướng không chỉ đề cao chất lượng mà còn coi trọng trách nhiệm, đạo đức nhà giáo; thứ ba - có cơ chế đặc thù cho nhà giáo nhằm phát huy tối đa năng lực và nhiệt huyết cống hiến của đội ngũ này với nghề.

Để bảo đảm hiệu quả của mục đích đổi mới, ý kiến của các chuyên gia cho rằng, nếu không có sự chuẩn bị về đội ngũ ngay từ bây giờ thì sẽ làm ảnh hưởng đến lộ trình. Vì vậy, ngay khi các nội dung của CT - SGK mới được thông qua thì hệ thống các trường sư phạm cần tổ chức cho giảng viên, sinh viên tiếp cận ngay, tránh tình trạng sinh viên khi ra trường, đi dạy rồi lại phải đi đào tạo lại, vừa mất thời gian vừa tốn kém.

Liên quan đến các trường sư phạm, ông Nguyễn Thành Kỳ (nguyên Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở GD-ĐT Hà Nội) cho rằng, đổi mới giáo dục cần bắt đầu từ các trường sư phạm, vì đây là "cỗ máy cái" của ngành. "Cỗ máy cái" có tốt, có chuẩn thì mới cho "ra lò" những người thầy đạt yêu cầu. Những người thầy đạt yêu cầu là lực lượng chủ lực trong guồng máy của nền giáo dục, có tác động tích cực đến chất lượng giáo dục. Do đó, đầu tư cho hệ thống các trường sư phạm cũng chính là quan tâm tới chất lượng, hiệu quả của việc đổi mới CT - SGK nói riêng và cho nền giáo dục nói chung. Ngoài ra, đổi mới khâu tuyển sinh cũng là yêu cầu tiên quyết để nâng cao chất lượng đào tạo sư phạm. Kế hoạch triển khai đề án xác định sẽ xây dựng cơ chế tuyển sinh và cử tuyển riêng để tuyển chọn được những người có năng lực phù hợp vào ngành sư phạm, bởi "có bột mới gột nên hồ".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 2: Chương trình - sách giáo khoa là nền tảng, chất lượng nhà giáo là then chốt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.